Bạn đã bao giờ thắc mắc tại sao mắt mình đôi khi lại đỏ quạch như ma cà rồng sau khi lên ảnh? Hiện tượng này, tạm gọi là hiệu ứng mắt đỏ, thường xuất hiện khi ta chụp ảnh có flash trong môi trường thiếu sáng. Hiệu ứng "kinh dị" này thực ra là kết quả của một phản ứng sinh học của mắt khi tiếp xúc với ánh đèn của máy ảnh. Mắt người có thể tự điều chỉnh theo những điều kiện sáng khác nhau, nhưng chính khả năng thích nghi tuyệt vời này cũng là nguyên nhân gây ra hiệu ứng mắt đỏ. Đôi mắt của mỗi người có thể thay đổi cường độ ánh sáng hấp thụ bằng cách thu hẹp hoặc mở rộng con ngươi. Vào ban đêm, con ngươi của chúng ta sẽ mở to hơn để thu được nhiều ánh sáng hơn từ môi trường xung quanh. Tuy nhiên, sự giãn nở này cũng khiến cho đôi mắt không sẵn sàng với những đợt sáng bất ngờ tới từ đèn flash của máy ảnh. Khi ánh sáng từ đèn flash chiếu vào mắt ta trong điều kiện như vậy, con ngươi sẽ không thể nhanh chóng thu hẹp lại để ngăn ánh sáng phản chiếu từ những mạch máu màu đỏ trên màng mạch (một lớp mô nằm phía sau mắt có tác dụng nuôi dưỡng võng mạc). Kết quả là, ống kính máy ảnh sẽ thu được ánh sáng phản xạ đó, dẫn đến hiệu ứng mắt đỏ. Và cũng bởi vì vậy, trẻ con thường bị "đỏ mắt" khi chụp ảnh hơn người lớn. Nồng độ melanin, một chất có tác dụng hấp thụ ánh sáng ở trong mắt, cũng góp phần gây ra hiệu ứng mắt đỏ. Những người có ít melanin trong mắt sẽ hấp thụ ánh sáng kém hơn, và do đó phản chiếu lại nhiều tia sáng đỏ hơn (điều này cũng lý giải tại sao người bị bạch tạng lại có mắt màu đỏ). Liệu tắt đèn flash có loại bỏ được hiệu ứng này? Có, nếu có đủ ánh sáng trong phòng để chụp ảnh mà không cần flash, bạn sẽ tránh được việc bị đỏ mắt khi lên ảnh. Làm thế nào để loại bỏ hiệu ứng này? 1. Đừng nhìn trực tiếp vào ống kính: Hãy yêu cầu người được chụp nhìn hơi lệch đi so với ống kính, nhờ vậy mắt họ sẽ không phải tiếp nhận ánh đèn flash ở góc trực diện. Điều này sẽ làm giảm khả năng mắt bị đỏ khi lên ảnh. 2. Làm cho căn phòng sáng hơn: Môi trường xung quanh càng tối sẽ càng làm con ngươi nở rộng, dẫn đến tăng khả năng bị đỏ mắt khi chụp. Hãy làm sáng căn phòng lên để giảm thiểu hiệu ứng này. 3. Bật chế độ chống mắt đỏ: Hầu hết các máy ảnh hiện đại đều có tính năng này. Nó có thể giảm bớt hiệu ứng mắt đỏ bằng cách phát đi một chút ánh sáng "sơ bộ" trước khi tia flash "chính thức" được phóng ra, nhờ đó con ngươi sẽ có đủ thời gian để co lại và thích nghi với điều kiện ánh sáng mạnh hơn. 4. Tách phần ống kính và đèn flash ra xa nhau: Cách này không có tác dụng với những loại đèn flash gắn liền, nhưng có thể áp dụng với các loại máy ảnh SLR, kèm theo một đèn flash rời. Chia cách ống kính và đèn flash sẽ làm giảm ánh sáng phản xạ từ con ngươi đi vào trong ống kính, nhờ đó làm giảm hiệu ứng mắt đỏ. 5. Đảm bảo mẫu ảnh không bị … say rượu! Bạn có biết rằng những người có nồng độ cồn trong máu cao sẽ làm giảm khả năng phản ứng của mắt? Hiệu ứng mắt đỏ, vì vậy, thường xuất hiện khi người được lên ảnh đang say xỉn, do con ngươi khi đó không thể co lại đủ nhanh và để lọt quá nhiều ánh sáng vào mắt. Làm thế nào để chỉnh sửa ảnh có mắt đỏ? Dưới đây là một vài cách để xóa đi hiệu ứng này: Ảnh kỹ thuật số: Nếu bạn dùng một chiếc máy ảnh kỹ thuật số, chỉ cần đưa ảnh lên máy tính và sử dụng các phần mềm trình sửa ảnh như Photoshop. Ảnh trên smartphone: Các ứng dụng chỉnh sửa ảnh trên Android, iOS hay Windows Phones đều có thể sửa được lỗi này. Ảnh phim: Nếu bạn là người hoài cổ, và phát hiện ra hiệu ứng này trên ảnh sau khi rửa, vẫn không khó để xóa nó đi. Cách dễ nhất là dùng một loại bút đặc biệt có khả năng "tẩy mắt đỏ", hoặc scan tấm ảnh đó để chỉnh sửa nó trên máy tính. Tại sao một nhóm người cùng chụp nhưng chỉ có vài người bị mắt đỏ? Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nguyên nhân phổ biến nhất là do những người không bị mắt đỏ khi lên ảnh đã không nhìn trực diện vào ống kính hoặc họ không đứng thẳng góc với đèn flash của máy ảnh. Tại sao có người chỉ có một mắt bị đỏ khi lên ảnh? Điều này có thể lý giải là do một bên mắt của người mẫu nhìn trực diện vào ống kính, trong khi mắt bên kia nhìn hơi lệch đi một chút khiến cho ánh sáng phản xạ từ con ngươi không đi vào ống kính. Một số trường hợp hiếm hoi có thể bị đỏ một bên mắt là do người mẫu bị bệnh đục thủy tinh thể hoặc có u trong mắt. Nếu thường xuyên bị đỏ một mắt khi chụp ảnh, ta nên đi khám để phòng ngừa trường hợp xấu. Tôi luôn bị đỏ mắt khi chụp ảnh! Liệu có phải tôi bị bệnh gì không? Thường thì nguyên nhân của tình trạng này là do ta luôn nhìn trực diện vào ống kính khi chụp ảnh. Hãy thử nhìn hơi lệch đi một chút trong những lần chụp tới để xem tình trạng này có được cải thiện không. Ngoài ra, hãy thử nhìn vào một vật sáng trước khi chụp ảnh, để thu hẹp con ngươi lại. Một số người bẩm sinh đã có con ngươi nở rộng hơn bình thường – bất kể môi trường ánh sáng xung quanh ra sao. Đây cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng mắt đỏ trên mọi bức ảnh. Một lý do khác có thể là do nồng độ melanin, một chất có tác dụng hấp thụ ánh sáng ở trong mắt, cũng góp phần gây ra hiện tượng này. Con tôi luôn bị mắt đỏ khi chụp ảnh. Liệu điều này có bình thường? Trẻ con bị mắt đỏ khi chụp ảnh là điều rất dễ xảy ra. Thực tế đây còn là dấu hiệu tốt cho thấy rằng võng mạc của trẻ không bị cản trở và hoàn toàn bình thường. Còn gì nữa? Trẻ nhỏ sẽ dễ bị mắt đỏ hơn người lớn, bởi con ngươi của chúng giãn ra nhanh hơn trong điều kiện thiếu sáng. Tuy nhiên vẫn có những điểm cần chú ý khi trẻ bị mắt đỏ lúc chụp ảnh. Ví dụ, nếu đứa trẻ chỉ bị đỏ một bên mắt, nhiều khả năng là mắt nó đã bị lệch hoặc lác. Nếu một bên mắt của trẻ bị ánh trắng hoặc vàng, đó có thể là biểu hiện của bệnh về mắt, như đục thủy tinh thể, nhiễm trùng mắt, bong võng mạc … hoặc trong một số trường hợp hiếm gặp là dấu hiệu của bệnh ung thư mắt. Anh Minh Theo Yale Scientific Nguồn VNReview