3 bài học từ Uber - startup đắt giá nhất thế giới

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by bboy_nonoyes, May 3, 2016.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 258)

    Hình thành một ý tưởng kinh doanh độc đáo là một điều khó khăn, nhưng để biến ý tưởng ấy thành hiện thực là cả một quá trình gian khổ. Khởi nghiệp và ra mắt doanh nghiệp không bao giờ là con đường bằng phẳng.

    [​IMG]

    Đã có quá nhiều tên tuổi lớn khởi nghiệp vô cùng gian nan, không ít lần đứng trước nguy cơ trắng tay hoặc không có khách hàng, nhưng khó khăn không đồng nghĩa với kết thúc. Điều quan trọng là phải vững tin và tiếp tục tập trung tâm trí cùng sức lực vào ý tưởng của mình.

    Đó là trường hợp của Uber, thương hiệu gây ra nhiều cuộc tranh luận nhất về tính hợp pháp hay không hợp pháp, phù hợp hay không phù hợp. Kết luận thế nào có lẽ sẽ còn cần một thời gian rất lâu nữa mới ngã ngũ, thế nhưng chúng ta phải thừa nhận một điều: đây là một trong những startup thành công nhất trên thế giới hiện nay, thậm chí có thể sẽ trở thành Startup đắt giá nhất lịch sử trong những năm tới.

    Đâu là cơ sở để nhận định như thế? Đó là việc Uber đang tìm kiếm các nhà đầu tư và tài trợ mới, dự kiến sẽ nâng con số 41 tỉ USD giá trị hiện nay vượt qua Facebook để trở thành startup đắt giá nhất trong lịch sử. Facebook là công ty duy nhất trên thị trường hiện nay đạt đến giá trị 50 tỷ USD khi vẫn chỉ là một công ty tư nhân.

    Đi đúng trào lưu của xã hội

    Tên đầy đủ của công ty là Uber Technologies Inc, một công ty mạng lưới vận tải (transportation network company – TNC) của Mỹ.

    Uber viết ra và dùng một chương trình phần mềm trên điện thoại, cả iPhone lẫn Android, gọi là ứng dụng Uber. Ứng dụng này giúp người cần đi lại gửi một yêu cầu đến cho Uber, yêu cầu này được Uber chuyển cho một hay nhiều người lái xe dùng xe riêng của họ để làm việc với Uber.

    Có thể là truyện truyền kỳ tân thời mà cũng có thể có thật, ý tưởng về Uber nảy sinh trong một đêm đông tuyết giá ở Paris, khi hai người bạn, mà sau này trở thành sáng lập viên của công ty này, tên là Travis Kalanick và Garrett Camp, tìm đỏ mắt không ra một chiếc taxi. Họ thề rằng sẽ có cách để ai cũng có thể chỉ cần bấm một cái nút là có xe đến chở.

    Thực ra thì lúc đầu Uber cũng đã định làm công ty taxi. Travis Kalanick và Garrett Camp đã mua tên mạng UberCab năm 2009. Tháng 6/2010, họ phát hành Uber app trên mạng.

    UberCab bắt đầu hoạt động vào năm 2010 với vài chiếc xe và một ít nhân viên. Công ty gặp thời, vì đúng thời. Trào lưu của xã hội là hi-tech, với cung cách gọi xe bằng cách quẹt quẹt chấm chấm trên điện thoại thông minh với internet và GPS, khỏi xài tiền mặt mà tiền xe được thanh toán ngay vào thẻ Visa, đặc biệt là được ngồi trên một chiếc xe sang trọng – quả là một cung cách vừa mới, vừa lạ, vừa thời thượng. Lúc mới ra đời, Uber chỉ phục vụ bằng xe xịn, một loại duy nhất UberBlack với xe màu đen sang trọng.

    Nhờ những người đi xe quảng cáo không công cho họ trên mạng, UberCab phất lên. Nhưng đến tháng 10/2010, một trở ngại xảy đến khiến UberCab phải cắt chữ Cab và chối đây đẩy rằng mình không phải là một công ty taxi. Đó là khi Cơ quan Vận chuyển của thành phố San Francisco và Ủy ban Tiện ích bang California ra lệnh cho công ty phải ngưng và chấm dứt hoạt động. Lý do chính là chữ Cab trong tên gọi của họ: công ty không có giấy phép hoạt động ngành taxi.

    Travis Kalanick nổi cáu: "Chúng tôi hoạt động hoàn toàn hợp pháp, thế mà chính quyền muốn triệt hạ chúng tôi. Trong trường hợp này, chỉ có một trong hai cách, hoặc là làm theo lệnh của họ hay chiến đấu cho điều mà mình tin".

    Thế là Travis Kalanick tiến hành một thủ thuật, sau này trở thành tập quán kinh doanh mà ông theo đuổi cho đến nay là "đối đầu có nguyên tắc". Uber phớt lờ lệnh của bang California, đổi tên công ty từ UberCab thành Uber. Họ mua lại tên miền Uber.com do Universal Music Group làm chủ bằng 2% cổ phần của công ty (sau này Uber mua lại số cổ phần đó với giá 1 triệu USD, đến nay trị giá đến hàng trăm triệu).

    Năm 2012, Uber bắt đầu mở rộng ra bên ngoài nước Mỹ. Đến giữa năm 2015, tài sản công ty được ước lượng giá trị 50 tỉ USD. Năm 2015, thu nhập của Uber lên đến 10 tỷ USD.

    Ý chí tồn tại

    Uber hiện có mặt tại hơn 300 thành phố tại 58 quốc gia, với hơn 1 triệu tài xế đang hợp tác. Với sự phát triển và mở rộng đáng kinh ngạc của doanh nghiệp, Travis Kalanick – nhà sáng lập đồng thời cũng là CEO của Uber – đã trở thành tỷ phú với khối lượng tài sản ước tính vào khoảng trên 5 tỷ USD.

    Tuy nhiên, từ ngày đầu tiên xuất hiện cho đến nay, Uber không phải lúc nào cũng nhận được sự đón chào nồng nhiệt tại các quốc gia và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực taxi. Vậy mà trải qua năm năm hoạt động, Uber không chỉ mở ra một nền tảng phát triển mới cho giao thông vận tải mà còn đem đến cho các cá nhân, doanh nghiệp những bài học đáng giá cho kinh doanh online và truyền thống.

    Với quy mô phát triển như hiện nay, thật khó có thể tin được rằng Uber vào 5 năm trước đây chỉ có bốn người chung tay phát triển tại San Francisco. Travis Kalanick chia sẻ: "Chúng tôi chưa từng tưởng tượng ra quy mô hoặc những gì chúng tôi có thể làm vào những ngày mới phát triển nhưng bây giờ chúng tôi đã phát triển rất mạnh mẽ. Đôi khi, chúng tôi chỉ có ý nghĩ duy nhất là cố gắng tồn tại và tìm cách đảm bảo sao cho có đủ số tài xế tham gia cũng như khách hàng đáp ứng số lượng xe mà chúng tôi thiết lập trên hệ thống".

    Đóng góp lớn cho sự phát triển vượt bậc của Uber là tính tiện dụng và chi phí. Với bất kỳ hành khách nào muốn đi từ một điểm A đến điểm B, nếu sử dụng dịch vụ của Uber sẽ cảm thấy di chuyển nhanh hơn, thoải mái hơn và thân thiện hơn. Uber là một trong những dịch vụ giao thông hiện đại với dịch vụ thân thiện. Ở nhiều thành phố, UberX có mức chi phí chỉ bằng một nửa so với taxi truyền thống.

    Bạn cần đi từ nơi này đến nơi khác? Chỉ cần chấm vào một app trên chiếc điện thoại thông minh của mình và một bản đồ hiện ra. Trên bản đồ là một cái chấm chỉ đúng ngay chỗ bạn đang đứng.

    Ở góc dưới màn hình là các chọn lựa loại xe. Tùy theo thành phố, có thể có tới năm hoặc sáu lựa chọn mà cũng có thể ít hơn. UberX là những xe tiện dụng bốn chỗ ngồi như Honda Civic, Kia Morning… Đây là hạng Uber có giá cước rẻ nhất.

    Uber Black là loại xe bảy chỗ ngồi với giá cước cao hơn. Cuối cùng là EXEC phục vụ khách VIP với dàn xe cỡ Mercedes S-Class, BMW 7-Series, Audi A8… và tất nhiên tỷ lệ thuận với… giá xe.

    Không có gì là hoàn hảo

    Uber là hệ thống vận tải lớn nhất nhì thế giới, nhưng lại không sở hữu một chiếc xe chở khách nào, cũng như Facebook là mạng có nhiều thông tin nhất nhì thế giới nhưng chẳng sở hữu nội dung nào, hay Alibaba Group là công ty bán hàng khổng lồ làm mưa làm gió khắp địa cầu nhưng không có kho hàng và sản phẩm nào trong tay.

    Travis Kalanick cho biết: "Uber được như ngày hôm nay là nhờ sự ủng hộ của rất nhiều người. Tuy nhiên, cả Uber và cá nhân tôi đều không hoàn hảo. Giống như tất cả những người khác, chúng tôi cũng phạm phải nhiều sai lầm". Những điều này được Travis Kalanick chia sẻ với khách hàng trong một cuộc hội thảo gần đây. Uber nhận được rất nhiều phản hồi tiêu cực từ khách hàng lẫn đối tác nhưng họ đã nhanh chóng thừa nhận và điều chỉnh những sai sót của mình, luôn tỏ ra khiêm tốn trong các phát biểu liên quan đến khách hàng và đối tác bao gồm cả các lái xe.

    Điều này cho thấy, các doanh nhân thành đạt là những người dù ít hay nhiều cũng từng phạm sai lầm, nhưng họ thành công hơn những người khác vì biết cách thừa nhận và vượt qua. Đừng nghĩ rằng khách hàng của bạn không chú ý đến những điều đó, từ mỗi sai lầm, hãy thẳng thắn thừa nhận, xin lỗi và nhận được bài học kinh nghiệm để cải thiện và phát triển bản thân cũng như doanh nghiệp.

    Sự phát triển của Uber đang làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách của chính phủ nhiều quốc gia. "Chúng tôi đã lường trước những điều khó khăn này trên mỗi bước đi. Hầu như mỗi lần chúng tôi cố gắng mở rộng ở bất kỳ thành phố nào, cũng có một thế lực lớn trong ngành công nghiệp này ra sức cản trở", Travis Kalanick thổ lộ.

    Việc Uber phải đối mặt với các khó khăn như cáo buộc cạnh tranh không lành mạnh hay độ an toàn của dịch vụ xảy ra thường xuyên. Nhưng không chỉ có Uber, các doanh nghiệp khác cũng gặp phải những khó khăn về pháp lý, cạnh tranh trong quá trình phát triển. Không phải tất cả các doanh nghiệp đều cố gắng điều chỉnh để phù hợp với sức phát triển, nhưng nếu muốn phát triển thì phải tìm ra phương hướng đúng đắn và nỗ lực rất nhiều.

    Sự phát triển và mở rộng của Uber đã và đang là động lực phát triển cho rất nhiều cá nhân và doanh nghiệp thông qua những bài học kinh doanh.

    Theo báo Doanh nhân Sài gòn cuối tuần
    Nguồn VNReview
     
  2. Facebook comment - 3 bài học từ Uber - startup đắt giá nhất thế giới

Share This Page