Người châu Âu cũng ít đón nhận những sáng tạo thật sự ‘phá bĩnh’,” ông Kirkegaard cho biết thêm, và trích dẫn trường hợp của Uber. Nội dung nổi bật: - Châu Âu không có nhiều gã khổng lồ công nghệ như Mỹ. - Nhiều quốc gia ở châu Âu rất muốn có một nơi như thung lũng Silicon ở quê hương mình. - Nguyên nhân chính của sự chênh lệch trên là ở sự khác biệt văn hóa và hệ thống giáo dục. Tâm điểm của ngành công nghệ trong tháng 6 có lẽ là thông tin về những vụ điều tra của Liên minh châu Âu (EU) đối với hàng loạt “ông lớn” như Amazon, Apple, Google và Facebook. Nhiều người cũng đặt dấu hỏi vì sao EU lại đồng thời tung ra những “đòn tấn công” với quá nhiều công ty công nghệ Mỹ như thế, nhưng theo lời bà Margrethe Vestager, người đứng đầu cơ quan chống độc quyền của châu Âu, thì đó chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên: “Điều này chỉ phản ánh rằng hiện có nhiều công ty mạnh của Mỹ đang ảnh hưởng đến thị trường kĩ thuật số ở những quốc gia khác.” Ngay cả khi đó là sự thật thì tại sao lại như thế? Tại sao châu Âu lại không nuôi dưỡng sự sáng tạo mà đã dẫn đến sự ra đời nhiều công ty công nghệ thành công như thế? Và ở chiều ngược lại, khi nào những nhà điều hành Mỹ điều tra và kiện một công ty công nghệ châu Âu vì tội thống trị thị trường? Câu trả lời là: chưa bao giờ. Lý do? “Không có nhiều công ty công nghệ châu Âu có sức mạnh thị trường ở Mỹ. Vì thế, không có gì là ngạc nhiên khi họ không gây được sự chú ý gì từ cơ quan chống độc quyền Mỹ,” giáo sư thỉnh giảng Scott Hemphill của đại học luật New York giải thích. Thử so sánh về sự sáng tạo của Mỹ và châu Âu Và đây là một sự so sánh nhỏ: Ở Mỹ, 3 trong số 10 công ty đứng đầu về vốn hóa thị trường là công ty công nghệ, được thành lập vào nửa sau thế kỉ 20, đó là: Apple, Microsoft và Google. Trong khi đó, ở châu Âu, tỉ lệ này là... zero. Tuy nhiên, nếu như có khu vực nào đó trên thế giới có thể cạnh tranh thành công với Mỹ ở lĩnh vực công nghệ thì dường như chỉ có thể là châu Âu, vì nơi này có những trường đại học danh tiếng, đội ngũ lao động chất lượng cao, người tiêu dùng giàu có và sành công nghệ, cùng với vốn đầu tư dồi dào. Châu Âu cũng có bề dày lịch sử về những phát minh làm thay đổi thế giới như máy in, thấu kính quang học dùng trong kính hiển vi, kính viễn vọng và động cơ hơi nước. Nhưng gần đây thì sao? Dù cũng có nhưng không nhiều lắm: King Digital Entertainment, công ty tạo ra trò chơi Candy Crush nổi tiếng, hiện có trụ sở ở Luân Đôn, được thành lập cách đây một thập niên ở Thụy Điển, nơi được xem là trung tâm sáng tạo của các trò chơi điện tử. Karlheinz Brandenburg, một người Đức, được ghi nhớ với sáng tạo ra chuẩn MP3 dành cho nhạc kĩ thuật số và ứng dụng Skype đình đám được tạo ra bởi một nhóm gồm 2 người Scandinavia và 3 người Estonia. Nhưng rồi Apple đã mua MP3 để tạo ra iPod và eBay cũng mua Skype vào năm 2005, hiện thuộc quyền sở hữu của Microsoft. Châu Âu không phải không chú ý đến chuyện này. Tháng trước EU đã giới thiệu chiến lược “Thị trường kĩ thuật số” nhằm nuôi dưỡng những người khởi nghiệp châu Âu và dỡ bỏ các rào cản đối với sự sáng tạo. Các quốc gia châu Âu cũng đang cố gắng tạo ra những mô hình giống với thung lũng Silicon, như công viên khoa học Oxford ở Anh, Silicon Allee ở Berlin, thung lũng Isar ở Munich, và Silicon Docks ở Dublin. “Tất cả họ đều muốn có một thung lũng Silicon, nhưng không cái nào trong số đó có thể sánh với Silicon về tầm vóc và sự hội tụ những công nghệ mới và thật sự sáng tạo cả. Châu Âu và phần còn lại thế giới đang chơi trò rượt đuổi với Mỹ,” Jacob Kirkegaard, một nhà kinh tế học Đan Mạch phát biểu ý kiến. Petra Moser, một giáo sư kinh tế tại đại học Stanford, vốn được sinh ra tại Đức, cũng đồng ý rằng: “Châu Âu đang lo lắng.” “Họ đang cố gắng tái tạo thung lũng Silicon tại những nơi như Munich, nhưng cho đến nay thành công đạt được là rất ít, vì sự khác biệt văn hóa và tổ chức là quá lớn,” bà nói. Mọi chuyện là nằm ở văn hóa “không sợ” Thường không được nhắc đến trong thành công của những start-up Mỹ là... con số thất bại thậm chí còn lớn hơn. “Thất bại nhanh, thất bại thường xuyên” là “câu thần chú” ở thung lũng Silicon, và tự do sáng tạo luôn gắn liền với tự do thất bại. Ở châu Âu, thất bại thường mang một “nỗi nhục” lớn hơn nhiều so với ở Mỹ. Ở châu Âu, phá sản mang tính trừng phạt cao hơn nhiều so với ở Mỹ, nơi mà chỉ xem đó là “viên gạch lót đường” cho nhiều nhà khởi nghiệp thành công. Giáo sư Moser bồi hồi nhớ lại trường hợp của một nữ doanh nhân Đức đã tự sát sau khi tuyên bố phá sản: “Ở châu Âu, thất bại được xem như là một bi kịch cá nhân. Nó là một cái gì đó thuộc về danh dự. Một môi trường như thế không hề khuyến khích cho sự liều lĩnh và tinh thần khởi nghiệp.” Đối lập với hình ảnh trên là trường hợp của David Byttow, đồng sáng lập của ứng dụng xã hội nặc danh Secret, khi thông báo đóng cửa start-up của mình ở San Francisco: anh ta dường như không có chút gì lấy làm tiếc cả. “Tôi tin vào sự thất bại nhanh chóng để... tiếp tục và phạm những sai lầm khác mới mẻ hơn,” anh chia sẻ trên blog của mình. Cũng có rất ít hoặc thậm chí không có chuyện “nhục nhã” khi bị sa thải ở thung lũng Silicon. Chính Steve Jobs cũng bị buộc phải rời Apple. “Các công ty Mỹ cho phép nhân viên ra đi và thử sức với cái gì đó khác. Rồi nếu người đó thành công, họ sẽ mua lại, còn nếu không thì họ thuê lại người ấy. Đó là một hệ thống tuyệt vời. Nó cho phép mọi người thử nghiệm và thử sức với mọi thứ. Ở Đức, bạn không thể làm điều đó. Mọi người sẽ chống lại bạn. Họ xem điều đó là không trung thành. Đó là một nguyên tắc đạo đức rất khác,” giáo sư Moser cho biết. “Người châu Âu cũng ít đón nhận những sáng tạo thật sự ‘phá bĩnh’,” ông Kirkegaard cho biết thêm, và trích dẫn trường hợp của Uber. Ở châu Âu, Uber được xem như... virus, và sự đón nhận nó nói lên rất nhiều về quyền lực của những nhà điều hành taxi ở châu lục này. “Người New York không hoài cổ về những chiếc taxi màu vàng, nhưng ở Luân Đôn, chiếc taxi màu đen được xem như là cái gì đó tạo nên thành phố này. Người ta thích như thế. Người Mỹ có khuynh hướng hành động thiên về lý trí và ít cảm xúc hơn về hàng hóa và dịch vụ mà họ dùng, vì chúng không gắn liền với đặc tính nhận diện vùng hay quốc gia,” ông chia sẻ. Một trong những sáng tạo tuyệt vời nhất của châu Âu mang về vị trí dẫn đầu cho họ là các trường đại học hiện đại, chẳng hạn như đại học Bologna được thành lập năm 1088. Nhưng khi nói đến các trung tâm nghiên cứu và sáng tạo thì các trường đại học châu Âu từ lâu đã phải nhường vị trí đó cho các đại học Mỹ. Do đặt nặng chuyện kiểm tra và phân loại ban đầu nên hệ thống giáo dục ở châu Âu dường như rất cứng nhắc. “Nếu bạn không học giỏi khi 18 tuổi thì bạn không được vào đại học. Điều đó đã vô tình loại bỏ những người có thể làm tốt hơn nhưng lại không bao giờ được trao cơ hội. Người giỏi nhất trong bài kiểm tra theo kiểu học vẹt ở tuổi 17 có thể không sáng tạo ở tuổi 23,” giáo sư Moser nói. Bà cho biết thêm rằng rất nhiều sinh viên dám nghĩ dám làm của châu Âu hiện sang Mỹ để học và sẽ định cư ở đó. Hiện bà đang nghiên cứu về sự sáng tạo. “Hệ thống giáo dục Mỹ mang tính tha thứ hơn nhiều. Học sinh Mỹ có thể bắt kịp bạn bè và tiếp tục để nổi trội lên,” giáo sư Moser cho biết. Bà tin rằng ngay cả việc nuôi dưỡng trẻ con đang được ca tụng của châu Âu cũng quá nguyên tắc: “Trẻ con châu Âu có thể ngoan hơn nhưng trẻ em Mỹ có thể được tự do khám phá điều mới mẻ hơn.” Không điều nào trong những điều trên là dễ thay đổi, ngay cả khi người châu Âu muốn thay đổi. “Ở châu Âu, sự ổn định được đánh giá cao. Sự bất bình đẳng ít được chấp nhận hơn nhiều. Có một văn hóa chia sẻ ở đây. Mọi người không cạnh tranh với nhau lắm. Tiền không phải là thứ quan trọng duy nhất. Những điều này có thể là tốt. Nhưng người châu Âu không thể “vẹn cả đôi đường”. Những nhà sáng tạo thành công sẽ nhanh chóng phát hiện ra rằng khó mà phá vỡ được những chuẩn văn hóa này,” giáo sư Moser nói. Và ông Kirkegaard cũng đồng ý với bà: “Người châu Âu thì bảo thủ. Họ khá thích mọi thứ như hiện tại.”Nguồn: Quản Trị Mạng