Làm việc với các doanh nghiệp bình ổn giá thuốc trên địa bàn ngày 14/3, Tiến sĩ Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho rằng tình hình thị trường thuốc trong nước hiện nay rất hỗn loạn. Theo bà Lan, không có một nước nào như ở Việt Nam, có đến 30.000 biệt dược (khoảng 2.000 hoạt chất) nên việc lựa chọn thuốc vào bệnh viện rất khó khăn, không biết chọn cái nào, bỏ cái nào. Cũng không đâu như ở Việt Nam, mỗi tỉnh có một nhà máy sản xuất thuốc, có những tỉnh làm cho có chứ hoạt động rất cầm chừng, không hiệu quả. Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, bà Lan cho rằng đây là vấn đề quy hoạch, chính sách vĩ mô. Mặt khác, doanh nghiệp nhập thuốc ngoại ồ ạt mà không kiểm soát chất lượng dù rằng có những loại thuốc ngoại (thuốc generic) không bằng thuốc Việt. “Tôi không hiểu vì sao thuốc của Pakistan và Bangladesh lại cho nhập về Việt Nam. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì tình trạng hỗn loạn vẫn còn tồn tại dài”, bà Lan nói. Cũng theo bà Lan, ở các nước, ta muốn xuất khẩu hàng qua nước họ thì phải qua hàng rào kỹ thuật. Họ còn đến xem Việt Nam sản xuất thế nào, có đạt chất lượng không thì mới cho nhập. Còn tại Việt Nam, sau bao nhiêu năm nhập thuốc từ Ấn Độ thì năm ngoái Cục Quản lý Dược mới tổ chức một đoàn đi thăm một nhà máy ở Ấn Độ. Trong khi đó Ấn Độ có hàng chục nghìn công ty, có công ty tốt nhưng cũng nhiều công ty rất tệ, muốn giá nào cũng có, giấy tờ gì cũng có... làm sao có thể kiểm soát được chất lượng. Về giá cả thuốc, theo bà Lan, có hai xu hướng, hoặc chọn nguồn nguyên liệu giá rẻ để bán thuốc rẻ hoặc làm “xiếc” giá để trúng thầu. Nếu mua một nguyên liệu kháng sinh Trung Quốc thì giá chỉ bằng 1/10 châu Âu, do đó khi đấu thầu chắc chắn trúng. Bản thân giá trị thuốc thấp nhưng doanh nghiệp đẩy giá lên để dành chi phí đó làm quảng cáo tiếp thị, tác động đến bác sĩ kê đơn. Những biểu hiện này cũng khiến thị trường thuốc hỗn loạn. Để giải quyết vấn đề này, phó giám đốc Sở Y tế cho rằng đối với vấn đề ủng hộ thuốc Việt, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi, khuyến kích, bảo hộ. Bên cạnh đó doanh nghiệp trong nước phải nâng cao chất lượng và giá cả hợp lý. Với giá thuốc vào bệnh viện thì giải pháp đấu thầu tập trung là căn cơ nhằm thống nhất giá. Vấn đề này Sở Y tế sẽ có báo cáo cho UBND thành phố và kiến nghị lên Bộ Y tế. Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng cho rằng nhất thiết phải lập lại trật tự về tình hình hỗn loạn của thị trường thuốc như hiện nay. Phó chủ tịch chỉ đạo Sở Y tế cần tham mưu tích cực cho UBND TP để tổ chức quản lý nhà nước trên địa bàn. Theo Pháp Luật TP HCM Nguồn VNExpress