Không nhất thiết là bộ xử lý mạnh, card đồ họa rời hoặc màn hình cảm ứng, bạn vẫn có thể chọn được chiếc laptop cho nhu cầu học tập với giá dao động từ 10 đến 14 triệu đồng. Bộ xử lý Đối với nhu cầu học tập hoặc để chạy những ứng dụng văn phòng thì laptop trang bị chip xử lý cao cấp Core i7 được xem là lãng phí. Intel đã chia bộ xử lý máy tính cá nhân thành ba dòng là Core i7, Core i5, Core i3 tương ứng với sản phẩm dòng cao, trung và cơ bản. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chip Core i5 sẽ luôn chậm hơn Core i7. Cụ thể trong thử nghiệm của Test Lab cho thấy Core i7-4500U (1,8GHz, 3MB smart cache) có thể đạt kết quả cao trong những phép thử thành phần, đánh giá chi tiết sức mạnh tính toán của CPU trong khi hiệu năng tổng thể của hệ thống qua phép thử PCMark 8 chỉ cao hơn khoảng 13 – 15% so với cấu hình dùng chip Core i5-4200U (1,6GHz, 3MB smart cache). Card đồ họa rời Với sinh viên ngành kiến trúc, xây dựng hay đồ họa thì card đồ họa rời là cần thiết để chạy những ứng dụng đồ họa 3D, thiết kế kiến trúc, biên tập hình ảnh hoặc xử video. Trong những trường hợp còn lại, bạn sẽ không nhận thấy sự khác biệt đáng kể giữa card đồ họa rời và tích hợp khi chạy các ứng dụng đơn giản như MS. Word, Excel, xem phim, nghe nhạc hoặc chơi game giải trí nhẹ nhàng. Ngoài ra, card đồ họa rời cũng sẽ "ngốn" điện năng và làm máy tính nóng hơn so với đồ họa tích hợp trong bộ xử lý. So với đồ họa tích hợp của bộ xử lý Sandy Bridge thì chip Haswell có đến bốn phiên bản đồ họa khác nhau, trong đó phổ biến nhất trên laptop hiện nay là GT1 (HD Graphics) và GT2 (HD Graphics 4200, 4400, 4600, v..v..). Cả bốn phiên bản đồ họa này hỗ trợ đầy đủ thư viện đồ họa DirectX 11.1, OpenGL 4.0 và OpenCL 1.2 và cho phép xuất tín hiệu hình ảnh ra ba màn hình cùng lúc. Kết quả thử nghiệm cho thấy điểm hiệu năng đồ họa tích hợp cao hơn từ 20 – 30% so với HD Graphics 4000 của chip Ivy Bridge dòng U (dòng điện áp thấp). Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với thực tế là đồ họa tích hợp HD Graphics 4000 trang bị đến 20 đơn vị thực thi lệnh (execution unit - EU) trong khi với HD Graphics 4000 chỉ là 16 EU. RAM RAM (Random Access Memory) hay bộ nhớ truy xuất ngẫu nhiên hoạt động như một vùng đệm của ổ cứng. Trong quá trình hoạt động, dữ liệu và lệnh thực thi của hệ điều hành Windows và các ứng dụng sẽ sử dụng RAM làm nơi lưu trữ tạm trước khi ghi chúng lên ổ cứng khi kết thúc phiên làm việc. Máy tính của bạn cần bao nhiêu RAM? Câu trả lời sẽ tùy thuộc vào phiên bản và số lượng ứng dụng hoạt động đồng thời. Thông thường, hệ điều hành và những ứng dụng phiên bản mới sẽ ngốn nhiều tài nguyên phần cứng hơn. Trường hợp máy tính không đủ dung lượng RAM cần đáp ứng, hệ điều hành sẽ sử dụng đến bộ nhớ ảo (virtual memory) Và việc này ảnh hưởng sẽ làm giảm tốc độ xử lý các hàng lệnh cũng như ảnh hưởng đến hiệu năng của toàn hệ thống do ổ cứng có tốc độ truy xuất thấp hơn nhiều so với RAM. Kinh nghiệm thực tế cho thấy các laptop cài đặt Windows 7, bạn nên trang bị cho hệ thống từ 3GB RAM trở lên để đáp ứng nhu cầu cần chạy nhiều ứng dụng cùng lúc. Lưu ý là nếu gắn 4GB hoặc cao hơn, bạn phải cài đặt Windows 64-bit để máy tính nhận dạng đầy đủ và làm việc tốt. Ổ cứng Ổ cứng thể rắn (solid state drive hay SSD) có nhiều ưu thế hơn so với ổ cứng truyền thống (hard disk drive - HDD), giúp cải thiện đáng kể hiệu suất hệ thống do có ưu thế vượt trội về tốc độ truy xuất (đọc/ghi) dữ liệu, độ trễ thấp, khả năng chống sốc tốt hơn, êm và mát hơn khi hoạt động vì không có bộ phận chuyển động. Dữ liệu của bạn, sẽ an toàn hơn rất nhiều khi máy tính bị rơi hay va đập. Trở ngại lớn nhất của SSD hiện nay vẫn là tỷ lệ giá/dung lượng vẫn còn cao so với ổ cứng truyền thống. Chẳng hạn SSD dung lượng 128GB có giá trung bình khoảng 2,5 triệu đồng, tương đương mức giá HDD 3,5 inch dung lượng 2TB cho desktop hoặc HDD 2,5 inch dung lượng 1TB cho laptop. Vì vậy với các bạn sinh viên, học sinh thì HDD vẫn là lựa chọn phù hợp. Tùy thuộc nhu cầu thực tế hoặc trong quá trình sử dụng, bạn có thể gắn thêm RAM hoặc nâng cấp ổ cứng dung lượng lớn hơn hoặc đổi sang SSD. Tuy nhiên nếu máy tính còn trong thời gian bảo hành, bạn cần tránh làm rách "tem bảo hành" khi tháo ráp, tránh những phiền phức về sau. Tốt nhất bạn nên liên hệ nơi bán hoặc trung tâm dịch vụ của hãng để được hỗ trợ. Màn hình cảm ứng Laptop trang bị màn hình cảm ứng hết hợp cùng hệ điều hành Windows 8 sẽ mang đến người dùng trải nghiệm thú vị. Tuy nhiên xét nhu cầu học tập, làm việc với bộ ứng dụng văn phòng cùng một số ứng dụng phổ thông khác thì việc đầu tư vào một laptop có màn hình cảm ứng chạm là không cần thiết. Bên cạnh đó, laptop màn hình cảm ứng có giá đắt hơn từ 1 – 1,5 triệu đồng so với phiên bản cùng cấu hình dùng màn hình thường. Vì vậy, trừ trường hợp thực sự cần trong ngành tạo mẫu hay thiết kế thời trang thì bạn nên quan tâm, đầu tư cho các thành phần thiết yếu như CPU, RAM hoặc ổ cứng lưu trữ. PC World VN, 08/2014 Nguồn PC World VN