Để chọn được một tai nghe in-ear ưng ý, ngoài chất âm, người mua nên quan tâm đến sự thoải mái và tiện dụng trong đặc điểm thiết kế của từng sản phẩm. Thị trường tai nghe nhét tai nói chung ngày càng đa dạng về mẫu mã, thương hiệu và chất lượng, việc chọn một sản phẩm ưng ý không phải là điều dễ dàng. Dưới đây là cách phân biệt sản phẩm tổng hợp từ Cnet. Tai nghe nhét tai earbud Tai nghe earbud là dạng phổ thông nhất trong số những mẫu tai nghe in-ear trên thị trường hiện nay. Dạng này thường có thiết kế khá lớn, thường được đặt bên trong vành tai và chỉ tiếp xúc bên ngoài ống tai người sử dụng. Đặc điểm của dòng sản phẩm này là giá thành thấp, dễ sử dụng. Tuy nhiên, dạng earbud cũng có những nhược điểm riêng của mình. Cụ thể, do thiết kế chỉ tiếp xúc bên ngoài ống tai, khả năng loại bỏ tạp âm từ môi trường của tai nghe earbud gần như rất kém. Bên cạnh đó, không phải mẫu thiết kế nào cũng hoàn toàn “vừa vặn” với mọi cỡ tai của người dùng. Tai nghe dạng earbud EarPod (bên trái) đi kèm máy nghe nhạc iPod Touch Nano và iPhone 5 của Apple cho chất âm khá, nhưng không phù hợp với các hoạt động thể thao như mẫu Yurbuds Inspire (bên phải). Ảnh: Cnet. Chất âm của những mẫu tai nghe này cũng khá đa dạng, phần lớn phụ thuộc vào giá thành thiết bị. Nhìn chung âm thanh được tái tạo vẫn còn giới hạn nhiều ở độ chi tiết và âm bass. Những mẫu earbud giá rẻ trên thị trường thường cho chất âm chỉ ở mức trung bình. Một số mẫu giá từ 500.000 đến trên dưới một triệu đồng của một số tên tuổi như Sennheiser, Sony cho chất âm tương xứng với giá thành hơn. Tai nghe nhét sâu trong ống tai IEM Nếu dạo qua thị trường tai nghe nhét tai, người dùng sẽ bắt gặp khá nhiều sản phẩm sử dụng cụm từ “Dynamic driver IEM”. Nói một cách đơn giản, đây là những tai nghe in-ear monitor (IEM) được thiết kế có thể nhét sâu vào trong ống tai người dùng. Những sản phẩm này cũng được trang bị loa thành phần (driver) tựa như driver Dynamic trên các mẫu tai nghe earbud giới thiệu ở trên với giá thành từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng một bộ. Shure SE215 (bên trái) cho chất âm khá chi tiết, bass ấm. Riêng mẫu Monster Miles Davis Trumpet có chất âm thiên trầm. Ảnh: Cnet. Điểm khác biệt giữa tai nghe earbud và tai nghe IEM là thiết kế và kích thước của mỗi sản phẩm. Các mẫu tai nghe IEM thường có ngoại hình nhỏ hơn để có thể nhét sâu vào ống tai người dùng. Thiết kế này giúp thu gọn khoảng cách giữa loa và màng nhĩ, nên dạng tai nghe nhét sâu trong ống tai thường có khả năng tái tạo âm thanh và loại bỏ tạp âm từ môi trường tốt hơn so với các mẫu tai nghe earbud khác. Với những sản phẩm tai nghe IEM đã có thương hiệu, chất lượng âm thanh có thể nói là khá chi tiết, bass đầy và ấm áp. Người dùng cũng cần lưu ý rằng một số mẫu IEM trên thị trường thường có khuynh hướng thiên bass và chất lượng âm thanh cũng sẽ tỷ lệ thuận với giá thành của từng sản phẩm. IEM trang bị driver Balanced armature Nếu chất lượng âm thanh là yếu tố quan tâm hàng đầu, tai nghe IEM trang bị driver Balanced armature sẽ là những lựa chọn lý tưởng. Về cơ bản, dòng tai nghe này vẫn sở hữu thiết kế dạng nhét sâu vào ống tai truyền thống. Tuy nhiên, thay vì sử dụng driver Dynamic thông thường, những sản phẩm này lại được trang bị một hoặc nhiều màng loa thế hệ mới, siêu nhỏ bên trong mỗi củ tai. Tiêu biểu có thể kể đến mẫu Logitech UE 900 với việc trang bị đến 4 driver Balanced armature, hay sản phẩm UE Triple.Fi 10 và Shure SE535 sở hữu 3 driver Balanced armature trong mỗi củ tai. Những mẫu tai nghe IEM trang bị chỉ 1 driver Balanced armature tuy cho âm thanh độ chi tiết cao, nhưng không thực sự ấn tượng ở âm bass. Ảnh: Cnet. Những mẫu tai nghe IEM được trang bị driver Balanced armature không chỉ có khả năng loại bỏ tạp âm mạnh mẽ mà còn cho chất lượng âm thanh có độ chi tiết cao, các dải âm đồng đều và âm trường rộng hơn tùy thuộc vào số lượng driver Balanced armature bên trong mỗi củ tai của sản phẩm. Tuy vậy, dòng sản phẩm này cũng có những điểm hạn chế như một số mẫu sở hữu chỉ một driver Balanced armature sẽ không cải thiện nhiều về âm bass. Để có được chất lượng âm thanh tốt nhất, người nghe phải sử dụng những nguồn nhạc chất lượng cao và phần mềm hỗ trợ tương ứng. Quan trọng nhất chính là giá thành những mẫu tai nghe này thường khá đắt đỏ. Một vài lưu ý khi sử dụng tai nghe in-ear: Hãy luôn điều tiết âm lượng ở mức vừa đủ nghe và không sử dụng tai nghe liên tục trong nhiều giờ liền. Việc chọn lựa những mẫu tai nghe có kích thước vừa vặn với tai không chỉ mang lại cảm giác thoải mái khi sử dụng, mà còn góp phần ổn định chất lượng âm thanh cho người nghe. Với những mẫu tai nghe nhét sâu vào ống tai, cần chú ý vệ sinh, bảo quản phần đệm cao su sạch sẽ và sử dụng các phụ kiện như hộp đựng đi kèm nếu có. Để có được chất lượng âm thanh tốt, người dùng nên sử dụng các nguồn nhạc chất lượng cao, bit rate từ 256 Kb/giây trở lên hoặc các định dạng nhạc lossless. Mặc dù các mẫu tai nghe IEM trang bị driver Dynamic có thể cho chất âm tốt khi được kết nối trực tiếp với máy tính, nhưng nếu muốn có được những trải nghiệm âm thanh tốt hơn, bạn nên đầu tư hẳn một bộ ampli rời thiết kế dành riêng cho headphone của mình. Quỳnh Lâm Nguồn: VNExpress