Tàu thăm dò Curiosity của Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA) đã phát hiện thấy rằng sự sống nguyên thủy từng tồn tại trên sao Hỏa. Tàu thăm dò Curiosity tiến hành khoan lấy mẫu đá trên sao Hỏa và sau đó gửi tới phòng thí nghiệm hóa chất trên tàu thăm dò này để phân tích. Kết quả cho thấy mẫu đá chứa các thành phần hóa học cần thiết để sự sống phát triển. Tàu thăm dò Curiosity phát hiện thấy dấu hiệu của sự sống trên sao Hỏa. “Chúng tôi đã phát hiện thấy một môi trường phù hợp để sự sống phát triển trên sao Hỏa. Bởi vì nước đã từng tồn tại trên hành tinh đỏ và nếu bạn ở đó, bạn có thể uống loại nước này”, tiến sĩ John Grotzinger, thành viên của dự án Curiosity cho biết. Các nhà khoa học đã xác định mẫu đá do tàu thăm dò Curiosity thu thập tại vùng lòng chảo Gale Crater trên sao Hỏa vào tháng trước, có chứa lưu huỳnh, nitơ, hyđrô, ôxy, phốt pho và carbon. Đây là những thành phần hóa học cần thiết cho sự sống. “Nhiệm vụ chính của tàu thăm dò Curiosity là trả lời câu hỏi liệu môi trường trên sao Hỏa có phù hợp để sự sống tồn tại hay không. Từ những gì chúng tôi biết cho đến nay, câu trả lời là có”, tiến sĩ Michael Meyer, người đứng đầu chương trình khám phá sao Hỏa của NASA, cho biết. Từ những dữ liệu do tàu thăm dò Curiosity gửi về, các nhà khoa học cũng xác định khu vực Vịnh Yellowknife - nơi tàu thăm dò đang khám phá có thể là điểm cuối của một hệ thống sông cổ đại hay một lòng hồ lớn. Vì thế, khu vực này có thể đáp ứng những điều kiện phù hợp để vi khuẩn phát triển. Tàu thăm dò Curiosity trị giá 2,5 tỷ USD đã bắt đầu khám và sao Hỏa từ khi đáp xuống hành tinh này vào ngày 5/8. Nguồn VNExpress