Thứ năm, 14/3/2013, 09:45 GMT+7 Curiosity lấy bụi từ một tảng đá trên sao Hỏa để phân tích thành phần hóa học vào ngày 8/2. Ảnh: NASA. Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo Curiosity đã khoan vào một tảng đá trên sao Hỏa và lấy bụi trong đó để phân tích. Mũi khoan của nó đã tạo ra một lỗ có độ sâu 64 mm trong tảng đá. Đây là độ sâu lớn nhất mà các thiết bị từng khoan trên sao Hỏa, Space đưa tin. "Kết quả phân tích cho thấy môi trường cổ xưa trên sao Hỏa có thể giúp vi khuẩn tồn tại", NASA tuyên bố. Diễn biến này xảy ra chỉ 7 tháng sau khi Curiosity đáp xuống sao Hỏa hồi tháng 8. Trong khi đó NASA muốn nó tìm kiếm bằng chứng về sự sống cổ xưa trên sao Hỏa trong hai năm. "Một câu hỏi cơ bản dành cho sứ mệnh của Curiosity là: Phải chăng sao Hỏa từng sở hữu một môi trường thân thiện với sự sống hay không? Từ dữ liệu mà chúng ta đã thu thập tới lúc này, chúng ta có thể trả lời rằng: Đúng thế! ", Michael Meyer, người đứng đầu chương trình Thám hiểm sao Hỏa của NASA, phát biểu. Các thiết bị của Curiosity phát hiện một số hóa chất cần thiết đối với sự sống trong lượng bụi từ tảng đá - như lưu huỳnh, nitơ, hydro, oxy, phốt pho và carbon. Hỗn hợp của những chất đó cũng cung cấp năng lượng cho vi khuẩn nếu chúng tồn tại. Lượng bụi từ viên đá cũng chứa các khoáng chất mà người ta thường thấy trong đất sét - một dấu hiệu cho thấy nước từng tồn tại trên hành tinh đỏ. "Chúng tôi đã tìm thấy môi môi trường có khả năng hỗ trợ sự sống cổ xưa trên sao Hỏa. Nước từng tồn tại trên hành tinh này và nếu bạn đứng trên đó cách đây vài tỷ năm, bạn có thể uống được thứ nước ấy", John Grotzinger, một chuyên gia của Viện Công nghệ California tại Mỹ, phát biểu. Grotzinger nói thêm rằng các nhà khoa học chưa biết chính xác thời điểm mà nước xuất hiện trên sao Hỏa, nhưng ông dự đoán thời điểm đó cách ngày nay ít nhất ba tỷ năm. Minh Long Nguồn VNExpress