(PCWorldVN) Khi Google vừa mang Glass trở lại phòng thí nghiệm để sửa lại thì Microsoft có ngay một chiếc HoloLens thay thế. Nhưng có vẻ kỳ vọng mà Nadella đặt vào HoloLens lớn hơn nhiều Glass. Google Glass nhường sân cho Microsoft HoloLens Nhà thiết kế kính thực tế ảo HoloLens qua đời 5 thiết bị mở màn cho xu hướng thực tế ảo Samsung sẽ sớm ra mắt kính thực tế ảo Galaxy VR Apple tập trung phát triển công nghệ thực tế ảo Căn phòng bí mật Tại một khu nổi tiếng về an ninh và những văn phòng bí mật, Building 92 là một toà nhà hiếm hoi khá "thoáng". Khách đến không cần thẻ Microsoft ID, có thể tham quan toàn bộ lịch sử phát triển của tập đoàn trong phòng dành cho khách, hoặc có thể tự do đến khu ăn uống, mua sắm vật lưu niệm. Nhưng ngay bên dưới khu tham quan và ăn uống đó, ở tầng hầm toà nhà là một phòng lab rất bí ẩn, thậm chí ngay cả nhân viên của Microsoft cũng ít nghe nói về nó. Trong năm năm qua, Alex Kipman và một nhóm kỹ sư, nhà thiết kế, nhà nghiên cứu của Microsoft tập trung tại tầng hầm không cửa sổ ấy để tạo một sản phẩm bí mật, và là sản phẩm tham vọng nhất của Microsoft từ 2010 khi họ tung ra Kinect: đó là kính đeo thực tế ảo, tên mã là Project HoloLens. Thiết bị này như một máy tính đeo trước mặt nhưng có thiết kế giống với cặp kính mát hơn, có vẻ giống chiếc kính thực tế ảo Oculus Rift. Nhưng khác với Rift là hiển thị cho người đeo khung cảnh hoàn toàn môi trường ảo, Project HoloLens hoà trộn giữa các yếu tố số vào môi trường thực, kết hợp vừa thực, vừa ảo. Đeo HoloLens, bạn có thể chơi "hái nấm" với địa hình là chiếc sofa, cái bàn, cái ghế trong phòng khách, với chú Mario ảo đi "ăn" mấy đồng tiền ảo. Hoặc bạn có thể vẽ 3D rồi in bản vẽ đó bằng máy in 3D. Hoặc bạn có thể chuyển sang đi bộ trên bề mặt sao Hoả với một nhà khoa học NASA. Nhưng có lẽ điều ấn tượng nhất, gần gũi nhất là bạn có thể đeo HoloLens để... sửa công tắc đèn. Một ổ cắm chỉ mới có 2 sợi dây điện trên tường, bên cạnh có sẵn các dụng cụ điện. Một kỹ sư điện xuất hiện trong HoloLens, tự giới thiệu mình, đó là một kỹ sư thật nào đó, ở đâu đó nhưng lại thấy chính xác những gì bạn thấy trước mắt: một ổ cắm điện chưa được lắp. Anh ta vẽ một vòng tròn 3D xung quanh cây bút thử điện đặt kế bên. Sau đó, anh ta chỉ cho bạn từng bước bằng những mũi tên, hình hoạ ở ngay bức tường trước mặt bạn. Vài phút sau, bạn có thể bật đèn. Project HoloLens mang tham vọng rất lớn, và đó là phép thử đầu tiên đối với CEO mới của Microsoft, Satya Nadella, liệu ông có thể hồi phục danh vọng từng một thời thống trị của Microsoft nhờ tính sáng tạo và khả năng cải tiến sản phẩm tuyệt vời. Nadella năm nay 48 tuổi, mang lại luồng gió mới trong cơ cấu vận hành của Microsoft. Ông có kiến thức chuyên môn lẫn 2 thập kỷ làm quản lý tại Microsoft, mà theo Terry Myerson, người từng làm việc tại đây từ năm 1997, Nadella cho phép nhân viên đóng góp ý tưởng và ông xem xét các ý tưởng đó. Đây là điều rất khó thực hành khi làm việc với nhiều nhóm lớn. Con bài HoloLens Project HoloLens có một bộ kính nổi. Mỗi tròng kính có 3 lớp: xanh dương, xanh lá và đỏ, có các rãnh ngăn cực mỏng để khuếch xạ ánh sáng. Có nhiều camera ở phía trước và hai bên thiết bị để làm mọi thứ, từ theo dõi chuyển động của đầu cho tới ghi hình video. Thiết bị cũng có thể xem xa hơn, nhìn góc rộng hơn, trường ảnh có thể mở rộng 120 x 120 độ, lớn hơn nhiều so với trường ảnh của Kinect. Có một "engine ánh sáng" phía trên tròng kính chiếu ánh sáng vào kính, ánh sáng rọi vào mắt lưới và phản xạ tới lui hàng triệu lần giữa các lớp tròng kính. Quy trình đó, cùng với tín hiệu vào từ các cảm biến của thiết bị, sẽ đánh lừa cặp mặt chúng ta, tái hiện thế giới thực bên ngoài ngay trước võng mạc. Thiết bị chỉ có 3 nút điều khiển: nút chỉnh âm lượng, nút chỉnh độ tương phản ảnh nổi và nút nguồn. Loa nằm ngay phía trên vành tai. Project HoloLens có thể xác định được hướng của nguồn âm thanh để khi bạn nghe thấy gì đó, nó sẽ cho bạn biết ngay nguồn âm thanh xuất hiện từ đâu. Ví dụ nếu một chiếc xe tải vừa nhấn ga bên trái bạn thì đó là nơi bạn sẽ nghe được âm thanh từ động cơ của xe tải. Thời điểm HoloLens xuất hiện trên thị trường dự kiến vào cuối năm nay, nặng khoảng 400 gram hoặc khoảng bằng một chiếc mũ bảo hiểm ôm trọn đầu. HoloLens chạy hệ điều hành mới của Microsoft, Windows 10, nên bất kỳ nhà phát triển nào cũng có thể viết ứng dụng cho nó. NASA cũng đã sớm dùng thử HoloLens. Là trưởng phòng vận hành và cải tiến công nghệ Jet Propulsion Laboratory của NASA, Jeff Norries phụ trách việc tìm ra cách để con người khám phá không gian, tập trung vào giao diện giữa con người và công nghệ. Ông gặp Kipman cách đây gần 5 năm khi Kipman tạo ra Kinect. Trong Project HoloLens, Norris thấy tiềm năng của công nghệ này sẽ giúp được các nhà du hành khám phá không gian, và ông đã cộng tác chặt chẽ hơn với Microsoft để cung cấp cho Microsoft nhu cầu mà người dùng HoloLens có thể cần. Tháng 3 năm ngoái, Norris và vài thành viên trong nhóm của ông đã di dời trụ sở từ Southern California sang Redmond để xây một trạm giả lập sao Hoả. Sau khi thử nghiệm giả lập trên sao Hỏa với HoloLens, NASA ngay lập tức lên kế hoạch triển khai HoloLens trong một nhiệm vụ thực tế trong mùa hè năm nay. Nhưng đó mới chỉ là một ứng dụng của thiết bị này mà thôi. Cơ hội thực sự của nền tảng HoloLens sẽ đến tay các nhà phát triển nào cam kết dành thời gian, công sức và trí tưởng tượng cho nó. NASA vừa mới ký hợp tác như là đối tác sản phẩm với Microsoft, có thể những công ty khác sẽ nối đuôi theo. Nhưng để HoloLens thành công, đồng nghĩa Microsoft thành công, thì hãng phải tạo được các nền tảng để các nhà phát triển muốn viết ứng dụng cho nó, giống như Windows cho PC hồi thập niên 1990, và những bài học thất bại mà Microsoft có thể rút ra từ mối quan hệ giữa nhà phát triển và Windows cho điện thoại hồi đầu thập kỷ này. Alex Kipman, người sáng tạo ra Project HoloLens Trưởng nhóm dự án Project HoloLens, Alex Kipman, có thể xem là đại diện cho Microsoft mà Nadella muốn tạo dựng. Chức danh chính thức của ông là thuộc bộ phận kỹ thuật trong nhóm hệ điều hành (Operating Systems Group) nhưng ông lại làm việc cộng tác với các nhóm khác. Nadella đánh giá cao tính đa tài của Kipman. Kipman sinh tại Brazil, đi làm khi còn rất trẻ. Cha mẹ ông phải thay chiếc máy Atari 2600 đến hai lần chỉ vì ông mở tung nó ra để xem nó chạy như thế nào. Ông đến Microsoft sau khi tốt nghiệp viện công nghệ Rochester. Vào cuối năm 2007, ông mơ về Kinect, là thiết bị cảm biến chuyển động cho Xbox. Ông cho biết: "Khi tôi nói đến Kinect cho Microsoft thì nó chưa phải là Kinect, nó mới chỉ là ý tưởng. Kinect là bước đầu tiên", vừa nói, ông vừa đưa mẫu Project HoloLens lên. Kipman tin rằng Project HoloLens sẽ là ổ khoá ngăn thời đại của PC lại, thay đổi được thế giới. Trong thế giới thực tại mới, cảm biến sẽ có ở mọi nơi, sản sinh ra nhiều loại dữ liệu và có một lớp trí tuệ nhân tạo phủ lên mọi vật thể. PC World VN, 03/2015 Nguồn PC World VN