Cùng hiểu hơn về quy trình ban bố lệnh cấm và hình phạt với người hút thuốc trộm trên máy bay. Vào năm 1973, có tới 123 hành khách đã thiệt mạng trên chuyến bay Varig Flight số hiệu 820 từ Rio de Janeiro tới Paris do bị ngạt khói. Tất cả bắt nguồn từ một điếu thuốc đang cháy dở vứt trong cabin chiếc Boeing 707. Điếu thuốc khi đó được một ai đó ném vào thùng rác trong tình trạng còn đang cháy và trở thành nguyên nhân chính gây ra ngọn lửa thiêu rụi phần lớn máy bay. Cho tới hiện nay, việc hút thuốc lá trên máy bay là một hành động bị cấm hoàn toàn ở tất cả mọi nơi. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, việc cấm hút thuốc trên máy bay bắt đầu được khởi xướng trong ngành hàng không Mỹ kể từ năm 1988 và rồi lại được dỡ bỏ vào năm 1990. Theo quy định của Hiệp hội hàng không Hoa Kỳ (FAA), châm thuốc hay làm bất cứ hành động gì tạo ra khói hoặc lửa là điều cấm kỵ trên những chuyến bay thương mại. Tuy nhiên, FAA lại chưa quy định rõ ràng những điều lệ này đối với một loại hình mới là thuốc lá điện tử. Chính vì vậy quy tắc áp dụng cho hút thuốc lá điện tử lại phụ thuộc vào cá nhân của từng hãng hàng không. Trong quá khứ, luật sư Ralph Nalder từng là người đầu tiên kêu gọi ban hành luật cấm hút thuốc trên máy bay. Vào năm 1971, ngành hàng không Hoa Kỳ quyết định bổ sung thêm điều luật này nhưng nó đã gây ra sự phản ứng quyết liệt từ các công ty sản xuất thuốc lá cũng như bản thân các hãng hàng không. Năm 1984, Ủy ban hàng không dân dụng thậm chí đã cấm và rồi lại dỡ bỏ lệnh cấm hút thuốc nhiều lần. Lệnh cấm hút thuốc trên các chuyến bay nội địa kéo dài dưới hai tiếng của Mỹ bắt đầu được áp dụng kể từ tháng 4/1988 và sau đó mở rộng ra cho các chuyến bay kéo dài dưới sáu tiếng vào tháng 2/1990. Cuối cùng, lệnh cấm này đã áp dụng cho toàn thể các chuyến bay nội địa và quốc tế từ năm 2000. Thêm một điểm đáng chú ý là các phi công đôi khi được tiếp tục cho phép hút thuốc sau thời điểm lệnh cấm năm 1990 được ban hành. Nguyên nhân được cho là bởi hút thuốc sẽ giúp họ giảm căng thẳng do phải tập trung điều khiển máy bay sao cho thật an toàn. Nhưng có một vấn đề đặt ra rằng, tại sao lệnh cấm hút thuốc trên máy bay được ban bố nhưng lại vẫn tồn tại gạt tàn thuốc lá trên nhà vệ sinh của máy bay. Một vài ý kiến cho rằng, có lẽ chính việc sử dụng một vài máy bay còn dùng trong thời chưa ban bố lệnh cấm đã dẫn đến sự hiểu nhầm khiến nhiều người hút thuốc trên máy bay. Thông thường, nếu hành khách bị phát hiện đang hút thuốc ở những khu vực bị cấm trên máy bay thì họ sẽ đối mặt với một án phạt lên tới 5.000 USD (khoảng 100 triệu VND) hoặc tệ hơn là bị bắt giữ ngay sau khi máy bay hạ cánh. Thậm chí trong một số trường hợp, máy bay còn phải hạ cánh sớm hơn dự định để bộ phận an ninh tiến hành xử lý người vi phạm. Tuy vậy, vẫn có những người từng bất chấp quy định này và làm theo ý muốn cá nhân dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Năm 2010, một hành khách người Qatar đã bị bắt giữ vì hút thuốc trên chuyến bay của hãng hàng không Denver và còn đe dọa mọi người khi bị các nhân viên an ninh trên máy bay đến “hỏi thăm”. Ông ta sau đó đùa rằng, chỉ đang cố đốt chiếc dây giày của mình chứ không có ý định hút thuốc. Một trường hợp khác là danh ca nổi tiếng Amy Winehouse khi cô thường dành phần lớn thời gian trên những chuyến bay của mình để trốn trong cabin hút thuốc. Bất chấp sự phàn nàn của những hành khách ngồi gần đó thì vẫn không có tác động nào từ phía hãng bay cũng như nhà chức trách với người nổi tiếng này. Tiếp đến, đầu năm 2013, một gia đình đã khiến cho máy bay của hãng Sunwing phải hạ cánh khẩn cấp xuống vùng tam giác quỷ Bermuda vì hút thuốc. Sau đó, hai người lớn tuổi nhất của gia đình này đã bị cảnh sát bắt giữ, phải nộp 500 USD (khoảng 10 triệu đồng) tiền phạt mỗi người và án tù 10 ngày. Nguồn KhoaHoc.com.vn