Một khối văn phòng công nghệ cao có tên Epicenter ở Thụy Điển mới đây đã áp dụng một cách thức đặc biệt tiện lợi để giúp nhân viên của họ có thể mở khóa và in ấn trong văn phòng, đó là cấy chip dưới da của họ. Hiện tại đã có khoảng 400 nhân viên được cấy sẵn con chip đa năng này và bước đầu đã cho thấy những hiệu quả nhất định từ ý tưởng độc đáo này. Những con chip nhận dạng tần số vô tuyến siêu nhỏ được gắn dưới lớp da ở bàn tay của nhân viên có thể thay thế khá tiện lợi cho những thẻ ID trong việc mở khóa cửa hay sử dụng máy in trong văn phòng. Ngoài ra, cũng không thể không nhắc đến những công dụng vô cùng tiện lợi khác của loại chip này hứa hẹn sẽ được áp dụng trong tương lai như trả tiền xe buýt hay mua thực phẩm,... Quá trình thực hiện của ý tưởng độc đáo này được một công ty sinh học công nghệ cao Thụy Điển tiến hành vào tháng 11/2014. Vào ngày khai trương khối văn phòng đặc biệt này, giám đốc điều hành của các nhà phát triển đã thử nghiệm trực tiếp con chip này trước đông đảo mọi người. Tuy nhiên, vì đây mới là giai đoạn thử nghiệm ban đầu nên vẫn không tránh được những trở ngại và khó khăn khi sử dụng cần phải điều chỉnh thêm. Thử nghiệm với con chip này khi được gắn vào bàn tay, phóng viên mục Công nghệ của đài BBC Rory Cellan-Jones khẳng định, ông đã phải xoay tay với một tư thế thực sự không thích hợp và tự nhiên để khởi động và vận hành máy photocopy. Về lâu dài, các nhà phát triển của ý tưởng này hy vọng các nhân viên có thể thanh toán với các máy cafe chỉ bằng chạm tay và lập trình cũng như đưa các dữ liệu từ thẻ kinh doanh điện tử vào trong con chip. Các thông tin được lưu trữ sau đó có thể được truy cập dễ dàng thông qua smartphone của người dùng và điều này hoàn toàn thuận lợi hơn rất nhiều so với các phương pháp lưu trữ và bảo mật truyền thống hiện nay. Được biết, khối văn phòng Epicenter trên được công ty bất động sản Thụy Điển AMF Fastigheter làm chủ và xây dựng. Chia sẻ về giai đoạn đầu của ý tưởng này với BBC, giám đốc của văn phòng là Hannes Sjoblad nói rằng: "Chúng tôi muốn hiểu hơn nữa về công nghệ này trước khi các tập đoàn và chính phủ lớn tới tìm hiểu và nói rằng tất cả mọi người nên được gắn chip - nó có thể được sử dụng trong cơ quan thuế hay cho các tập đoàn lớn như Google và Facebook". Tuy tiện lợi là vậy, nhưng ý tưởng này cũng bộc lộ những lo ngại về quyền riêng tư và an ninh thông tin cá nhân, đặc biệt là khi có người sử dụng các thông tin như định vị với những người cấy chip để sử dụng cho mục đích xấu. Nguồn KhoaHoc.com.vn