(XHTT) Trong tình huống xấu nhất và Sony phải bán đi mảng smartphone, như cách họ từng làm với máy tính Vaio, liệu rằng doanh nghiệp này có thể tồn tại? Không phải mãi đến hôm qua người ta mới biết Sony có ý định ngừng sản xuất smartphone. Ngay từ tháng 11 năm ngoái, trước những báo cáo tài chính không mấy khả quan của Q2, Q3/2014, các lãnh đạo cao cấp của Sony buộc phải có những biện pháp cải tổ nếu muốn cứu vãn công ty có lịch sử lâu đời này. Và trong số đó, người ta từng đề cập đến việc bán mảng thiết bị di động, tương tự như cách mà họ từng làm với thương hiệu máy tính Vaio nhiều tháng trước. Tưởng chừng như tình hình kinh doanh dòng flagship với những sản phẩm như Xperia Z2, Z3 dịp cuối năm cùng với một vài tin đồn về thế hệ Xperia Z4 đã giúp Sony đã gỡ gạc lại được chút hình ảnh hay tiền bạc nào đó. Thế nhưng vừa mới đây, hãng tin Reuters lại cho biết giới lãnh đạo của Sony hiện đang chuẩn bị nhiều kế hoạch cho 2015. Và để tránh lặp lại tình trạng kinh doanh bết bát như năm 2014, phương án bán đi bộ phận sản xuất smartphone (Sony Mobile Communications) lại một lần nữa được tính đến, và mức độ nghiêm túc của nó cũng tăng cao như chính mức độ tụt dốc của mảng này vậy. Và nếu trong một tương lai không xa, Sony bán mảng Mobile Communications cho một doanh nghiệp khác, câu chuyện của thế giới di động liệu sẽ biến chuyển như thế nào? Thị trường điện thoại biến động? Một thương hiệu lớn như Sony nếu rút khỏi thị trường điện thoại và không sản xuất thêm sản phẩm nào nữa chắc chắn sẽ có tác động đến thị trường. Tuy nhiên tác động này có lẽ sẽ chẳng lớn như nhiều người nghĩ. Điểm sáng duy nhất trong quá trình sản xuất smartphone gần đây của Sony có lẽ xảy ra từ những năm 2012, khi mà dòng Xperia Arc S hay Xperia Neo, Xperia S,… có được sự đón nhận nhiệt tình từ phía người dùng. Nhà sản xuất Nhật Bản khi đó còn đặt mục tiêu vươn lên vị trí thứ 3 trong các ông lớn sản xuất điện thoại, cạnh tranh với Samsung và Apple. Để đạt được mục tiêu đó, hàng loạt sản phẩm mới mang những cải tiến mới của Sony được tung ra, trong đó đáng chú ý là dòng Xperia Z với các đại diện như Z Ultra, Z, Z1,… Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm bùng nổ của hàng loạt thương hiệu Trung Quốc với lợi thế giá rẻ, cấu hình cao bên cạnh những sản phẩm của Samsung, HTC, LG,… Sony bắt đầu chững lại và mất dần vị thế của mình. Đơn cử theo thống kê trong Q3 năm 2014 vừa qua, Sony tiêu thụ được dưới 10 triệu điện thoại trên toàn cầu. Trong khi đó, con số này của Samsung là gần 80 triệu chiếc, Apple gần 40 triệu chiếc, còn Huawei, Xiaomi là 2 nhà sản xuất Trung Quốc mới nổi cũng bán được cho mình hơn 16 triệu sản phẩm. Rõ ràng, thị phần hiện tại của Sony là quá nhỏ bé. Giống như một cuốn sách mỏng trên kệ sách của thư viên lớn, dẫu có rút đi thì cũng chẳng thể làm xô lệch phần còn lại đi bao nhiêu. Có điều nếu chuyện này xảy ra thực sự, những sản phẩm Sony cao cấp với khung nhôm mặt kính vốn đã hiếm lại càng trở nên hiếm hơn, một điều đáng tiếc cho những ai mong muốn một chiếc điện thoại đẹp, cộng với khả năng chống nước tốt. Tai nạn của Sony cũng sẽ là một bài học lớn cho những hãng khác, chẳng hạn như HTC hay BlackBerry. 2 nhà sản xuất này có lẽ cũng chẳng khá khẩm hơn Sony là bao, nhưng Mobile là mảng trụ cột của họ nên chưa thể dứt bỏ. Trong khi đó, Sony còn nhiều mảng khác, chẳng hạn như cảm biến ảnh, đồ chơi game, làm phim,… Không bán điện thoại, Sony sẽ bán gì? Cũng cần phải nhắc lại là việc Sony bán mảng điện thoại mới chỉ năm trong kế hoạch, có thể xảy ra hoặc không; cũng có thể hãng sẽ tập trung vào một mảng nào đó, một thị trường nào đó để kinh doanh hiệu quả hơn và từ đó tìm cách vực dậy. Tuy nhiên kể cả điều xấu nhất xảy ra là Sony phải cắt giảm cả mảng smartphone như cách họ từng thực hiện với máy tính Vaio, người hâm mộ vẫn có thể được an ủi phần nào bởi thương hiệu Sony vẫn còn xuất hiện dài dài nữa. Không phải smartphone thì có thể là TV, đồ gia dụng, là máy chơi game, cảm biến ảnh hay thậm chí là sản xuất phim hay các nội dung giải trí khác, những thứ từng làm nên tên tuổi của Sony thậm chí còn hơn cả ngành hàng điện thoại như hiện nay. Chẳng hạn ở mảng cảm biến ảnh, Sony vẫn là “ông trùm” trong lĩnh vực này khi là nhà phân phối bộ cảm biến hình ảnh dùng trong thiết bị cao cấp của phần lớn các nhà sản xuất camera và smartphone hiện nay, bao gồm cả Apple hay nhiều thương hiệu Trung Quốc khác. Còn ở thị trường máy chơi game, Play Station 4 của Sony mới ra mắt năm ngoái cũng đã đánh bại đối thủ lớn nhất là máy chơi game Xbox One của Microsoft. Theo số liệu tính đến ngày 18/10, Sony đã bán được 12,3 triệu máy Play Station 4, vượt xa 6,1 triệu máy Xbox One mà Microsoft đã tiêu thụ được. Ngoài bộ phận máy chơi game và cảm biến ảnh, các thiết bị nghe nhạc và gia dụng của Sony cũng có sự phát triển khá tốt, nhiều quý tăng trưởng tới 150%. Tuy nhiên đáng tiếc là doanh thu từ các mảng này cũng chưa thể bù lại khoản lỗ khổng lồ gần 2 tỷ USD, mà tác nhân chính bị cho là do ngành hàng thiết bị di động làm ăn không hiệu quả. Như đã nói ở trên, Sony là một hãng điện tử lâu đời của người Nhật bản, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khác nhau và cũng có những thành công nhất định. Mặc dù liên tiếp gặp khó khăn khiến cho tình hình tài chính có vấn đề, hay mới đây là vụ việc Sony Pictures bị hacke tấn công gây thiệt hại cả trăm triệu USD cũng như uy tín bị ảnh hưởng, thế nhưng với tiềm lực sẵn có cùng tinh thần kiên cường của người Nhật, chúng ta không nên quá bi quan với tương lai của Sony. Trước mắt thì mảng smartphone có thể bị thu hẹp lại hoặc cắt giảm, thế nhưng vẫn còn rất nhiều cơ hội cho Sony có thể tiến lên và giành giật lại. Trong thời gian tới, tái cơ cấu công ty, xây dựng lại phương án phát triển và đặc biệt là đầu tư vào truyền thông như Samsung đang làm có thể là những cách giúp Sony vượt qua khó khăn. Và trước hết là hãy cùng chờ đợi lứa Xperia Z4 sắp tới, đây có thể coi là phép thử cuối cùng trước khi Sony đưa ra quyết định một cách dứt khoát. Giữ hay bỏ. Techz.vn Nguồn Xã hội thông tin