- Chào Lều Phương Anh. Hôm nay chương trình của chúng ta có chủ đề là “Đàn ông dỗi hờn”. Lều Phương Anh đã có 9 năm sống ở Nhật, vậy Phương Anh thấy đàn ông Nhật có hay dỗi hờn không? - Thường đại đa số là họ đi làm 1 ngày 12 tiếng đồng hồ. Được về ăn cơm với vợ có lẽ cũng là 1 điều khó, chỉ cuối tuần thôi. Do đó, thời gian yêu vợ còn không có chứ lấy đâu ra thời gian để mà dỗi hờn. Em nghĩ như vậy. Trước đây em cũng đã từng có bạn người Nhật. Em thấy thường là phụ nữ mới là người được quyền dỗi hờn. Đàn ông, đặc biệt là đàn ông Nhật, nếu bị con gái giận thì họ rất là sợ. Họ không có thời gian để đi tìm người yêu mới đâu anh! Do đó họ đã yêu cô nào là…yêu chết bỏ, đến khi nào cô ấy đuổi đi thì mới đi thôi. - Trước khi nói chuyện thì em có nói với anh là em không bao giờ lấy 1 người đàn ông Nhật. Em có thể nói tóm tắt là tại sao không? Vì họ không bao giờ dỗi hờn hay là vì họ không có thời gian dỗi hờn? - Không phải. Đối với em thì dỗi hờn là 1 gia vị cho tình yêu. Đối với bản thân em thì em thấy họ lạnh quá! Với Lều Phương Anh, giận dỗi là gia vị của tình yêu. - Họ lạnh lùng quá hả? - Đàn ông Nhật hơi lạnh lùng. Cái miệng của họ thì rất hot, nhưng bên trong họ có cái gì đó rất lạnh lùng. Đàn ông Việt Nam mình hay nói là “chảnh”, “kiêu căng” hay là “thô lỗ” gì đó. Nhưng bên trong trái tim người đàn ông Việt mình nó vẫn có gì đó lãng mạn, tình cảm. - Như anh hả? - Vâng, em đang định nói thế! (cười lớn) - Mình phải bắt ngay được 1 câu để tự khen mình... - Em thấy là đàn ông Nhật thì họ thờ ơ lạnh lùng lắm. Ví dụ như cậu bạn của em, có khi nếu em không nhắc thì 5 năm trời cậu ấy cũng không về thăm ba mẹ. Em muốn cậu ấy phải ấm áp hơn, phải quan tâm hơn tới chuyện gần gũi gia đình. Thường là chúng ta cứ nghĩ người Nhật rất là Á Đông. Nhưng bây giờ, nhịp sống của họ quá nhanh, đôi lúc đã làm cho họ quên đi 1 phần nào đó văn hóa gia đình. - Quay trở lại với chủ đề của chúng ta, Phương Anh có nói đàn ông Nhật không có thời gian để dỗi hờn? - Em nghĩ như thế. - Thế theo Lều Phương Anh thì đàn ông Việt có dỗi hờn không? Và nhiều hay ít? - Theo em thì đàn ông Việt mình kể cả có thời gian hay không có thời gian thì vẫn cứ dỗi bình thường. Em ví dụ, em có 1 đôi bạn, anh này ở nhà vừa ăn bún chả rồi. Nhưng cô này lại rủ đi ăn bún chả tiếp. Tất nhiên là cô ấy không chịu ăn món khác, lập tức là anh này cáu: “Em chả bao giờ chiều anh gì cả”. Đấy, cũng hờn mát đấy. Thế là cũng dỗi. Lều Phương Anh chia sẻ “Lê Hoàng là người đàn ông tuyệt vời nhất Việt Nam”, - Thật ra thì bún chả cũng không có gì là gớm guốc, ăn 2 lần trong 1 ngày cũng không chết được. Cái quan trọng là ăn với ai chứ không phải là ăn cái gì. Với anh thì nếu đi ăn với cô gái mình yêu thì anh có ăn cả trăm lần cái món ấy cũng được. Ông ấy cũng hơi ích kỷ… - Nhân dịp này Phương Anh cũng chia sẻ anh Lê Hoàng là người đàn ông tuyệt vời nhất Việt Nam. (cười) - Không, anh nói thật đấy! - Em thấy là người đàn bà Việt Nam mình đang quy tội cho người đàn ông hay dỗi hờn là người mang tính đàn bà. Em thì không cho là như thế… - Anh cũng không nghĩ như thế. Anh nghĩ những người hay dỗi hờn là người nhạy cảm. Mà nhạy cảm thì tốt hơn là trơ… - Đàn ông mà có tính đàn bà thì có nghĩa là họ lắm mồm, họ chải chuốt hoặc họ cứ càu nhàu 1 chuyện nhỏ nhặt mãi mà không chịu thôi, hoặc chi li… Đó là những điều phụ nữ hay làm, người đàn ông làm thì bị coi là mang tính đàn bà. Còn việc đàn ông dỗi hờn thì người phụ nữ phải xem xét lại mình nếu để đàn ông dỗi mình. - Thật ra, tính đàn bà của đàn ông cũng không hoàn toàn là xấu đâu. Ví dụ nếu biểu hiện như em nói thì đúng là đàn bà, nó không hay. Nhưng có những biểu hiện như người đàn ông chu toàn, những công việc trong gia đình cái gì cũng để ý, cái gì cũng làm thì đó là chuyện tốt, nó còn là tuyệt vời ấy. Đó mới là sự manly! - Theo em thì manly không…mọc ở râu đâu. Em nghĩ nó mọc ở trí tuệ của dàn ông. Còn nếu đàn ông dỗi thì em rất sợ. Vì nó phải quan trọng và có nguyên do thì người ta mới dỗi. Nếu em mà làm người yêu dỗi thì em rất là sợ. Em nghĩ, đàn ông dỗi là phải có nguyên nhân. Đôi lúc họ dỗi không vì lý do nào thì người phụ nữ chính là người phải cân bằng lại. Lê Hoàng cho rằng “trong đàn ông có một chút đàn bà”. - Thật ra thì anh nghĩ “trong đàn ông có 1 chút đàn bà”. Đàn ông cũng có ý thức, từ bé đã được dạy là nam nhi thì phải thế nọ thế kia. Đôi khi họ cũng ích kỷ, nếu dỗi thì bị nói là nhỏ nhen, còn không dỗi thì họ thường thể hiện bằng sự bực bội và không nói ra. Nhưng không nói ra thì cũng là dỗi rồi? - Đặc thù của đàn ông là bao dung thì họ cũng phải rộng lượng 1 tí. - Em có thấy là càng đàn ông trí thức thì họ càng hay dỗi không? Vì họ hay nghĩ, hay đa cảm… - Nếu như họ dỗi quá nhiều, họ bảo thủ với ý kiến của họ mà không được nghe theo thì là dỗi gàn dở. - Thế em thấy em gặp đàn ông dỗi nhiều hay ít? - Em thấy là ít, hầu như em chưa gặp. -Cảm ơn Phương Anh về cuộc trò chuyện này. T.N (ghi) GDVN