(XHTT) Với mục đích chuyển tải thông tin về các hoạt động của Quốc hội đến các cử tri một cách đầy đủ hơn, chi tiết hơn, góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội, bảo đảm nhu cầu tiếp cận thông tin về hoạt động của Quốc hội ngày càng cao của các cử tri và đáp ứng nhu cầu kết nối của các cử tri với các đại biểu Quốc hội, kênh truyền hình Quốc hội đã ra đời với chất lượng hình ảnh lên tới HD. Vừa qua Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) phối hợp với Văn phòng Quốc hội đã phát lệnh phát sóng Kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam sau hơn 1 năm chuẩn bị về cơ sở vật chất và nhân lực. Tháng 5/2014, Kênh Truyền hình Quốc hội đã lựa chọn và điều động, luân chuyển hơn 90 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên và quay phim có kinh nghiệm từ các đơn vị trong Đài và nhiều cán bộ từ ngoài Đài. Đồng thời, kênh cũng tuyển mới nhiều công chức, viên chức tại Hà Nội và 5 khu vực là Tây Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung và TPHCM. Trước khi lên sóng chính thức trên Kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam vào ngày 6/1, từ tháng 10/2014, Kênh đã thực hiện sản xuất và phát sóng 5 giờ/ngày trên sóng của Kênh Truyền hình VOV, bao gồm các chương trình thời sự và các bản tin – đều thực hiện và phát sóng trực tiếp. Kênh cũng liên tục sản xuất và phát sóng 15 chương trình chuyên biệt “chỉ có ở Kênh Truyền hình Quốc hội” như: Quốc hội với cử tri, Câu chuyện lập pháp, Người đại biểu. Hiện, Kênh truyền hình Quốc hội đã cử 65 phóng viên, biên tập viên tới 33 tỉnh, thành trên toàn quốc để thực hiện nhiệm vụ đưa tin hoạt động của các đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND tại địa phương. Bên cạnh đó, hàng loạt các chương trình Thời sự mới như Tòa soạn 0h, Mắt đêm, Thời tiết 63 tỉnh thành, Chiều Quê hương… được thực hiện với mức độ tương tác và trực tiếp cao, sử dụng công nghệ truyền hình hiện đại, kết nối camera giao thông ở 63 tỉnh thành hoặc kết nối trực tiếp từ trường quay với 2 đến 3 cầu tại các địa phương, do phóng viên của Kênh tại các tỉnh thành thực hiện. Để chuẩn bị phát sóng chính, thức Kênh Truyền hình Quốc hội cũng đã triển khai sản xuất các chương trình chuyên đề dự trữ như: Tình ca, Hồ sơ đại biểu, Bạn biết gì về Quốc hội, Câu chuyện lập pháp, Câu chuyện nông thôn… Tại buổi lễ phát lệnh phát sóng, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định: Kênh Truyền hình Quốc hội ra đời sẽ là cơ quan ngôn luận chính thức của Quốc hội, với trách nhiệm cung cấp và định hướng thông tin đại chúng về hoạt động của Quốc hội nói riêng và đời sống chính trị-xã hội nói chung. “Kênh sẽ đảm nhận vai trò là cầu nối giữa Quốc hội với cử tri, phản ánh đầy đủ kịp thời tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri với Quốc hội và là diễn đàn trao đổi giữa cử tri với Quốc hội để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội trên 3 lĩnh vực: Lập pháp, giám sát và ra quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói. Để Kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam có thể phổ cập tới mọi người dân, bên cạnh việc phát sóng qua hệ thống truyền dẫn phát sóng analog hiện có, Kênh đã làm việc và ký hợp đồng truyền dẫn phát sóng với các đơn vị truyền dẫn như Truyền hình Cáp Việt Nam, Truyền hình vệ tinh K+, Truyền hình Kỹ thuật số VTC, Truyền hình Cáp Saigontourist SCTV, Truyền hình MyTV, Đài Truyền hình TPHCM… để phát sóng trên hệ thống kênh của các đơn vị này. Nha Trang ( Tổng hợp) Nguồn Xã hội thông tin