Từ ngày 1/3/2015, 59 tỉnh, thành phố sẽ thay đổi mã vùng điện thoại cố định theo Thông tư 22/2014/TT-BTTTT. Mới đây Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Thông tư 22/2014/TT-BTTTT ban hành Quy hoạch kho số viễn thông. Khi thông tư này chính thức đưa vào hiệu lực, sẽ có khá nhiều sự thay đổi trong việc vận hành các đầu số viễn thông so với thời điểm hiện tại. Kể từ ngày 1/3/2015, mã vùng điện thoại cố định các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ thay đổi, cụ thể: Thành phố Hà Nội đổi từ 4 thành 24; Thành phố Hồ Chí Minh đổi từ 8 thành 28; Thành phố Đà Nẵng đổi từ 511 thành 236; Thành phố Hải Phòng đổi từ 31 thành 225; Thành phố Cần Thơ đổi từ 710 thành 292; Thừa Thiên – Huế từ 54 thành 234; Quảng Ninh từ 33 thành 203; Thanh Hóa từ 37 thành 237; Khánh Hòa từ 58 thành 258; Lâm Đồng từ 63 thành 263; Cao Bằng từ 26 thành 206; Cà Mau từ 780 thành 290… Theo quy hoạch, số thuê bao mạng viễn thông cố định mặt đất có độ dài 7, 8 chữ số; Số thuê bao mạng viễn thông cố định vệ tinh có độ dài 7 chữ số; Số thuê bao mạng viễn thông di động mặt đất sử dụng cho thuê bao viễn thông là người có độ dài 7 chữ số. Riêng đối với mạng viễn thông dùng riêng của cơ quan Đảng, Nhà nước; Bộ Quốc phòng; Bộ Công an số thuê bao có độ dài 5, 6 hoặc 7 chữ số phụ thuộc vào quy mô mỗi mạng và giai đoạn áp dụng. Số dịch vụ khẩn cấp là số dịch vụ toàn quốc có 3 chữ số, cụ thể: 112 là số dịch vụ gọi tìm kiếm, cứu nạn; 113 là số dịch vụ gọi Công an; 114 là số dịch vụ gọi Cứu hỏa; 115 là số dịch vụ gọi Cấp cứu y tế. Bên cạnh đó, số dịch vụ hỗ trợ khách hàng bắt buộc cũng được quy định 3 chữ số, gồm: 101 là số dịch vụ đăng ký đàm thoại trong nước qua điện thoại viên; 110 là số dịch vụ đăng ký đàm thoại quốc tế qua điện thoại viên; 116 là số dịch vụ trợ giúp tra cứu số thuê bao điện thoại mạng viễn thông cố định mặt đất; 119 là số dịch vụ báo hỏng số máy điện thoại cố định. Số dịch vụ hỗ trợ khách hàng bắt buộc là số dùng chung. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/3/2015. Theo Trang Công Nghệ