(PCWorldVN) Windows, iOS hay Android - nền tảng nào cho máy tính bảng nào phù hợp hơn với nhu cầu sử dụng thực sự và túi tiền của bạn? 10 lý do nên mua máy tính bảng Windows 8 Những lưu ý khi chọn mua tablet cho công việc 12 phụ kiện biến máy tính bảng thành laptop Máy tính bảng giá rẻ dưới 5 triệu đồng 5 lý do để mua máy tính bảng Trước khi quyết định sắm một chiếc tablet cho mình, bạn cần xem xét kỹ những yếu tố sau đây. Bạn muốn làm gì với máy tính bảng Sau nhiều năm phát triển, cải tiến nhưng cho đến thời điểm hiện tại, máy tính bảng vẫn chưa thực sự thay thế được laptop. Thậm chí, nhiều hãng đã tìm cách xóa ranh giới giữa tablet, smartphone với các dòng máy tính bảng cỡ nhỏ tích hợp chức năng nghe gọi, đa SIM nhưng phần lớn không được người dùng hưởng ứng vì gặp nhiều bất tiện khi sử dụng. Không thể phủ nhận rằng qua những lần nâng cấp, các nền tảng iOS, Windows và Android đang tốt lên, khắc phục những điểm yếu và từng bước đáp ứng ngày càng tốt rất nhiều tác vụ trong cuộc sống, tăng năng suất làm việc. Ngoài ra còn có sự tham gia nhiệt tình của những nhà sản xuất phụ kiện, liên tục nghiên cứu để tạo ra những “đồ chơi” lắp thêm, cho phép biến những chiếc máy tính bảng thành laptop. Tuy nhiên, cần khẳng định rằng tất cả những cố gắng này đều không thể mang lại hiệu quả công việc như ý như trên laptop khi dùng tablet. Hãy cân nhắc nhu cầu thực tế trước khi chọn mua máy tính bảng. Trước khi mua máy tính bảng, bạn hãy xem xét kỹ lại mục đích cuối cùng là gì? Giải trí hay công việc? Nếu phục vụ cho công việc thì hiện tại chỉ có các tablet dùng Windows 8/8.1 là đáp ứng tốt nhất so với các nền tảng khác. Hai nền tảng còn lại là iOS và Android thì phần nào đáp ứng được các công việc cơ bản như tính toán, email nhưng với các yêu cầu phức tạp hơn sẽ gặp nhiều trở ngại, kể cả khi được trang bị các phụ kiện hỗ trợ. Asus hiện có các mẫu tablet thiết kế độc đáo phù hợp với người dùng muốn dùng máy tính bảng để làm việc. Chọn nền tảng phù hợp Để có được hiệu quả sử dụng tốt nhất, thì môi trường và nền tảng tích hợp trên máy tính bảng rất quan trọng. Hiện tại, iOS chỉ có mặt trên các dòng iPad của Apple, trong khi đó Android có nhiều lựa chọn hơn với đa dạng thương hiệu đến từ Acer, Asus, Amazon, Samsung… Windows cũng vậy, bạn có nhiều lựa chọn hơn về thương hiệu phù hợp với mình. iOS là nền tảng được Apple “chăm sóc” rất kỹ và được cập nhật thường xuyên. Nhân hệ điều hành trên mọi tablet cùng nền tảng về cơ bản là giống nhau. Nhưng để tạo sự khác biệt và mang nét đặc trưng của thương hiệu vào sản phẩm, các nhà sản xuất OEM thường tùy biến lại giao diện, cài thêm ứng dụng hỗ trợ. Chẳng hạn như các máy tính bảng của Samsung được cài thêm giao diện TouchWiz trên nền hệ điều hành Android; những dòng Note được cài sẵn ứng dụng ghi chú với bút đi kèm; Amazon thì tùy biến lại hoàn toàn Android từ giao diện cho đến tính năng cho các dòng tablet Kindle. Asus cũng thế, các dòng Android mới đều được cài sẵn giao diện sử dụng ZenUI đặc trưng. Đa số các dòng máy tính bảng mới hiện tại được cài Android 4.3 hoặc 4.4 KitKat, trong thời gian tới có thể sẽ được nâng cấp lên Android 5.0 Lollipop (tham khảo thêm danh sách chi tiết). Windows 8 có hai môi trường sử dụng desktop truyền thống và Modern UI. Tính tùy biến của hệ điều hành này rất cao, người dùng có thể thay đổi màu sắc giao diện, hình nền, cài thêm chủ đề (theme) mới, tùy biến font chữ… Có thể Windows 10 ra mắt vào năm 2015 sẽ được cập nhật cho các máy tính bảng Windows mới. Hệ điều hành iOS trên iPad có khả năng tùy biến thấp hơn, người dùng chỉ có thể thay đổi hình nền và cài thêm các ứng dụng từ App Store. Nếu muốn tinh chỉnh sâu hơn, bắt buộc phải bẻ khóa quản trị (jailbreak), nhưng việc này sẽ khiến thiết bị dễ gặp rủi ro và chạy không ổn định. Kho ứng dụng nào tốt nhất cho tablet Có lẽ Windows là nền tảng quen thuộc nhất với đa số người dùng hiện nay. Đối với môi trường desktop, số lượng phần mềm Windows hiện có thể xem là nhiều nhất và phủ rộng mọi lĩnh vực. Bên cạnh đó, môi trường Modern UI cũng có kho ứng dụng Windows Store giúp người dùng tải về và cài đặt. Số lượng ứng dụng hiện có trên kho này tương đối phong phú. Tuy nhiên, nếu so với kho Google Play Store và Apple App Store thì kho ứng dụng này vẫn còn thua xa về số lượng. Apple App Store hiện đã có nhiều ứng dụng chuyên dụng do chính hãng phát triển và từ các lập trình viên khác. Đối với App Store và Play Store, trước đây nhiều người dùng lo ngại về vấn đề tương thích của các ứng dụng với màn hình lớn, độ phân giải cao. Cụ thể, những ứng dụng cũ không hỗ trợ độ phân giải màn hình Retina, Retina HD của iPad hoặc các màn hình máy tính bảng có độ phân giải 2K. Do đó, hình ảnh giao diện ứng dụng bị vỡ hạt, không sắc nét. Nhưng giờ đây, đa số các ứng dụng thuộc hàng “top” trên Android đều đã cập nhật và hỗ trợ tốt các màn hình độ phân giải siêu cao, trong khi các ứng dụng của iOS được tối ưu tốt cho tablet. Thống kê mới nhất cho thấy số lượng ứng dụng tối ưu cho màn hình tablet của iOS rất nhiều và chiếm tỉ lệ cao trong tổng số ứng dụng có trên kho App Store. So với Play Store, trong số 200 ứng dụng thì kho ứng dụng của Android chỉ có 99 ứng dụng tối ưu cho tablet, trong khi đó, iOS có đến 142 ứng dụng trong số 200. Tóm lại, xét về tiêu chí số lượng của ứng dụng tối ưu cho máy tính bảng thì iPad sẽ là lựa chọn hàng đầu, tiếp theo là Android và cuối cùng là Windows 8. Nhưng khi xét về chất lượng thì Windows 8 sẽ chiếm vị trí thứ 2 và cuối cùng là Android. Xét ở mục đích sử dụng khác, nếu dùng máy tính bảng với phụ kiện bàn phím và chuột rời thì Windows là lựa chọn đầu tiên, tiếp theo mới tính đến iOS và Android. Do đó, tùy mục đích sử dụng mà bạn cân nhắc đến tiêu chí kho ứng dụng cho máy tính bảng sắp mua của mình. Kích thước màn hình, kết nối 3G và cấu hình Các dòng tablet tương ứng với các nền tảng đều có những mức kích thước màn hình khác nhau. Chẳng hạn như iOS hiện tại có hai phiên bản iPad cỡ màn hình 9,7 inch và iPad Mini với 7,9 inch. Android thì có nhiều kích thước, phủ rộng từ 7 inch đến hơn 10,1 inch. Windows hiện có các kích thước màn hình từ 10,1 đến 12 inch, các dòng laptop lai (2 trong 1) có kích thước màn hình lớn hơn, từ 13,3 trở lên. Trong bài này, chúng ta chỉ bàn về các dòng thiết bị “thuần tablet”. Một lần nữa lại đề cập đến nhu cầu sử dụng, nếu bạn muốn một chiếc tablet cơ động, dễ cầm nắm thì nên chọn các dòng máy có cỡ màn hình dưới 8 inch như iPad Mini. Tuy nhiên, có thể giá bán của các dòng máy tính bảng này sẽ cao. Ở mức hầu bao giới hạn, bạn nên chọn các dòng tablet giá mềm của Asus hoặc Samsung. Chẳng hạn như dòng MeMO Pad 8 ME181CX hiện có giá khoảng 4 triệu đồng, FonePad 7 2 SIM mới vào khoảng 3 triệu đồng, Samsung Galaxy Tab 3 Lite khoảng 3 triệu đồng… Tất nhiên, với mức giá rẻ, bạn sẽ không được tận hưởng sức mạnh của một thiết bị cấu hình cao hoặc màn hình sắc nét nhờ độ phân giải “khủng”. Ở tầm giá cao hơn, bạn có thể chọn các dòng máy tính bảng cỡ nhỏ của Samsung như Galaxy Tab 4 7 inch hoặc Tab 4 8 inch (giá từ 6 đến 7,5 triệu) hoặc các sản phẩm xách tay Kindle Fire của Amazon. Ở mức màn hình lớn, phù hợp với nhu cầu làm việc, giải trí chất lượng cao thì có lẽ iPad Air hoặc Air 2 và các dòng máy tính bảng cao cấp của Samsung như Galaxy Tab S là phù hợp. Tuy nhiên, mức giá sẽ rất cao và không phù hợp với xu hướng “cắt giảm” chi tiêu. Do đó, phương án tốt nhất cho những ai muốn sở hữu tablet màn hình lớn, cấu hình và dung lượng lưu trữ cao là nên mua máy dòng cũ. Vì sau khi tung ra sản phẩm mới, các model cũ được các hãng giảm giá khá nhiều, trong khi chức năng và cấu hình không khác biệt nhiều. Lấy ví dụ khi mua iPad Air, bạn vẫn có thể thực hiện mọi tác vụ trên thiết bị này, mặc dù có thể tốc độ sẽ chậm hơn iPad Air 2 một chút và hy sinh chức năng bảo mật dấu vân tay. Nhưng bù lại, bạn có thể tiết kiệm đến vài triệu đồng. Một kinh nghiệm nhỏ nữa là bạn cần đợi từ 2 đến 3 tháng sau khi sản phẩm mới bán ra và hãy chọn thời điểm khuyến mãi vào dịp lễ Tết thì mới sở hữu được máy với giá tốt. Một điều nữa bạn cũng cần cân nhắc là có cần thiết để chọn phiên bản tích hợp 3G hay không và cỡ dung lượng bộ nhớ bao nhiêu là phù hợp nhất. Vì chỉ cần thêm 3G, giá sản phẩm bán ra sẽ tăng lên từ 2 đến 3 triệu. Do đó nếu thường xuyên sử dụng máy trong môi trường có kết nối Wi-Fi, ít di chuyển thì bạn không nên chọn bản Wi-Fi+3G để tiết kiệm một khoản phí. Trong trường hợp cần đi công tác xa, bạn có thể tận dụng smartphone để phát Wi-Fi với chức năng Wi-Fi Hotspot và dùng cho máy tính bảng. Như vậy đây là phương án có hiệu quả kinh tế nhất (Tham khảo: http://www.pcworld.com.vn/T1234450). Thiết kế cơ động và kết nối 3G sẽ cần thiết đối với người thường xuyên di chuyển. Riêng về dung lượng bộ nhớ, đối với các dòng tablet không hỗ trợ chức năng mở rộng lưu trữ bằng thẻ nhớ, nếu bạn là fan của các trò chơi “hạng nặng” thì không thể chọn tablet có dung lượng dưới 32GB được, vì sẽ rất khó chịu khi phải đối mặt với tình trạng cạn bộ nhớ lưu trữ sau này. Nhưng nếu bạn chỉ dùng máy để xem phim, lướt web, nghe nhạc, kiểm tra email hay soạn thảo tài liệu đơn thuần thì cỡ 16GB là tốt nhất. Nếu muốn xem phim HD-Rip chép từ bên ngoài vào máy, bạn chỉ cần xóa khi xem xong là có thể giải quyết được vấn đề. Tóm lại, hãy cân nhắc nhu cầu thực tế và trả lời câu hỏi “có cần thiết phải có tính năng này không?” trước khi chọn mua một chiếc tablet. Hãy nhớ rằng đừng bao giờ bỏ ra một số tiền lớn để mua một tính năng trên máy tính bảng mà không bao giờ dùng tới. Thị trường máy tính bảng năm 2014 Chỉ ngắn ngủi trong 4 năm kể từ khi iPad ra đời, thị trường máy tính bảng đã hình thành và phát triển rất nhanh. Các hãng sản xuất cũng tìm mọi cách để nhập cuộc và giành lấy “miếng bánh” của riêng mình. Trước năm 2010, nhiều hãng sản xuất máy tính cũng đã áp dụng Windows XP, Vista và Windows 7 cho các dòng tablet cảm ứng của mình, tuy nhiên mức độ hữu dụng thấp, giá bán lại đắt nên không tạo được sự quan tâm của người dùng, dần chìm vào quên lãng. Sau khi iPad cài hệ điều hành di động iOS ra đời, khái niệm về máy tính bảng cảm ứng hoàn toàn thay đổi. Ngay sau đó, Google nhanh chóng tham gia vào cuộc đua hệ điều hành dành cho máy tính bảng với Android Honeycomb 3.0, HP nhập cuộc với WebOS. Dù hơi chậm chân, nhưng Microsoft cũng tung ra Windows 8 – hệ điều hành có nhiều thay đổi và được thiết kế riêng tối ưu cho máy tính bảng cảm ứng, gọi là Modern UI. BlackBerry ra mắt máy tính bảng PlayBook với hệ điều hành BlackBerry Tablet OS nhân QNX. Cuộc đua tưởng như sẽ ngày càng gay cấn thì đột nhiên HP tuyên bố khai tử WebOS, BlackBerry ngưng sản xuất máy tính bảng. Cuối cùng, trận chiến nền tảng máy tính bảng hiện chỉ còn ba hãng ở “thế chân vạc”: Microsoft với Windows, Apple với iOS và Google với Android. Năm ngoái doanh số thiết bị dùng Android lần đầu tiên vượt mặt iPad và dự đoán sẽ tiếp tục dẫn đầu cuộc đua trong những năm từ 2014 đến 2018. Theo số liệu từ công ty Garner, thiết bị chạy Android tiếp tục tăng trưởng ấn tượng trong năm 2014, chiếm ưu thế với 1,17 tỷ máy. Hệ điều hành Windows sẽ được cài trên tổng số 333 triệu sản phẩm, 271 triệu máy chạy iOS và OS X sẽ được bán ra trong năm nay. Riêng ở mảng máy tính bảng, Gartner dự báo, doanh số máy tính bảng sẽ tăng 23,9% trong năm 2014, thấp hơn tốc độ tăng trưởng đạt được năm 2013. Lượng tablet bán ra năm nay dự kiến đạt 256,3 triệu thiết bị, tăng nhẹ so với 206,8 triệu sản phẩm trong năm ngoái. Dự đoán đến năm 2015, thị trường máy tính bảng sẽ tăng trưởng trở lại, đạt 25% với 321 triệu sản phẩm. Số liệu khác từ IDC công bố vào tháng 5/2014 cho thấy, tổng số máy tính bảng chạy Android trong năm nay sẽ vào khoảng 158 thiết bị, iPad sẽ có khoảng 74 triệu máy và máy tính bảng dùng Windows chỉ đạt 13 triệu chiếc. Một lần nữa, các số liệu này cho thấy được sự lớn mạnh của “đội quân robot xanh” trong trận chiến máy tính bảng trong tương lai, điều mà Apple và Microsoft không hề mong muốn. PC World VN 12/2014 Nguồn PC World VN