(PCWorldVN) Khi sắm loa sub và lắp đặt cho dàn âm thanh trên ôtô, hãy xét đến các yếu tố như kích thước loa, kiểu thùng, công suất, các bộ lọc và chế độ tăng cường bass để phát ra đúng loại âm trầm mà bạn muốn. Ecopebble Powerbank - loa không dây hỗ trợ 50 giờ chơi nhạc Loa, tai nghe không dây khởi sắc Cách bố trí loa hiệu quả nhất cho giải trí gia đình Thu và nghe tập tin âm thanh chất lượng cao Cách tải âm thanh về từ dịch vụ video trực tuyến Một trong những điều quan trọng nhất trong dàn âm thanh là phải có âm trầm tốt, sẽ giúp âm nhạc đi vào lòng người nghe và làm cho họ muốn lắc lư theo điệu nhạc. Nếu âm trầm được tái tạo tuyệt hảo, bạn có thể cảm thấy được một trải nghiệm âm nhạc giống như đang nghe trực tiếp trên sân khấu. Và cách tốt nhất để tạo ra âm trầm hoàn hảo cho một dàn âm thanh là dùng thêm loa siêu trầm (subwoofer), hay còn gọi là loa sub. Dưới đây là cách phối hợp của tất cả yếu tố để có được một dàn âm thanh trên ôtô đạt được âm trầm theo ý muốn. Kích thước loa Thật ra thì kích thước của loa sub bạn chọn hầu như là một vấn đề thực dụng, chủ yếu tùy thuộc vào khoảng không gian bạn có thể sử dụng được trong xe của mình. Nếu thích nghe nhạc “dập” tối đa, bạn có thể chọn loại loa sub lớn nhất mà không gian xe cho phép. Nhưng nếu không gian bị hạn chế hay muốn dành tối đa chỗ còn lại cho hành lý, thì khi lắp thêm một loa sub nhỏ cỡ 8 inch bạn cũng có thể thưởng thức âm trầm (bass) mạnh, sâu và cảm thấy hài lòng. Loa sub 10 inch (bên trái) và 12 inch của hãng JL Audio. Kích thước và số loa bạn chọn phần lớn tùy thuộc vào không gian có thể sử dụng. Về mặt hiệu năng, nói chung một loa sub có “côn” lớn hơn thì có thể phát âm bass sâu hơn loa có côn nhỏ, vì có thể làm di chuyển nhiều không khí hơn. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tranh cãi là sự khác nhau đó rõ ràng đến mức độ nào và còn thật sự tùy thuộc vào những yếu tố khác. Đó là lý do bạn nên lưu ý yếu tố khoảng không gian có thể chi phối kích thước loa sub. Kiểu thùng loa Mọi loa sub đều cần một loại thùng phù hợp để đạt hiệu năng và kiểu thùng bạn chọn sẽ là yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến loại âm bass nghe được. Hai loại thùng loa sub phổ biến nhất hiện nay là thùng kín (sealed enclosure) và thùng có lỗ (ported enclosure). Thùng kín là loại thùng thiết kế hoàn toàn kín hơi, trong khi thùng loa có lỗ được khoét một lỗ thông hơi lớn cho phép không khí đi vào và đi ra khỏi hộp. Sự khác nhau giữa âm phát ra từ thùng loa kín và thùng loa có lỗ là thùng loa kín cho âm bass “chắc và chính xác”, trong khi thùng có lỗ nghe “lớn và vang”. Giải thích nhanh gọn như thế cũng hữu ích, nhưng không hoàn toàn giải thích được mỗi loại thùng loa phát ra loại âm nào và thùng loa phát ra âm thanh như thế nào. Thùng loa có lỗ thông hơi giúp tăng cường tín hiệu ra của loa sub để có được âm bass mạnh và vang. Với loại thùng loa kín, cái thường được gọi là âm bass “chắc” là kết quả của độ nhạy âm trầm tuyến tính hay phẳng, đàn hồi bass. Điều này có nghĩa là toàn bộ phổ âm bass, tín hiệu ra của loa sub trong thùng kín sẽ từ từ và đều đều giảm khi các nốt trầm xuống thấp hơn mà không bị tăng giảm đột ngột. Fan của loại âm nhạc như nhạc cổ điển hay nhạc jazz sẽ nghe được nhiều bass từ loa sub trong thùng kín, vì độ nhạy tuyến tính đảm bảo các nhạc cụ như đàn cello hay các nốt thấp của piano nghe “sạch sẽ” và tự nhiên. Thùng loa có lỗ thích hợp cho những người muốn có nhiều tín hiệu ra tần số thấp. Với thùng loa có lỗ, khi côn của loa sub chuyển tới phía trước nó sẽ tạo ra một nốt trầm. Rồi khi côn chuyển về phía sau, nó ép không khí ra khỏi lỗ của loa, giúp tăng cường tín hiệu ra của âm bass và giảm áp suất không khí trong thùng để côn loa di chuyển thoải mái hơn. Điều này có nghĩa là bạn sẽ có nhiều tín hiệu ra từ thùng loa có lỗ hơn là từ thùng loa kín cùng công suất. Đó là lý do loa sub trong thùng có lỗ thường được cho là “nghe lớn hơn”. Thùng có lỗ cũng được đánh giá là nghe vang hơn. Lỗ của mỗi thùng đều có một tần số điều chỉnh cộng hưởng cụ thể, đó là tần số mà không khí cộng hưởng tự nhiên qua lỗ. Không khí thoát qua lỗ sẽ tăng cường âm bass do loa sub phát ra. Nốt càng gần tần số điều chỉnh, mức tăng cường càng cao – đó là “độ vang” mà người ta thường nói đến. Dưới mức tần số điều chỉnh, tín hiệu ra của loa sub sẽ giảm đáng kể như trong thùng kín. Do đó, tần số điều chỉnh của thùng càng thấp, loa sub trong thùng có lỗ sẽ thoải mái phát ra nghe sâu hơn. Thùng có lỗ được dùng phổ biến đối với fan nhạc rock, những người này thích nghe tiếng trống bass dập tức ngực chỉ phát ra được từ loa sub trong thùng có lỗ. Và đối với những fan nhạc rap, hip-hop hay nhạc điện tử, thùng loa sub có lỗ cũng giúp họ nghe độ vang do được tăng cường dải tần số thấp. Công suất loa Sóng âm do các nốt trầm tạo ra thường rất lớn và loa sub phải sử dụng nhiều điện năng để tạo ra sóng âm này. Đó là mức điện năng mà thường chỉ có bộ khuếch đại (ampli) gắn ngoài mới có thể cung cấp. Khi chọn mua bộ ampli để “kéo” loa sub, bạn nên chú ý đến hai đặc tả sau: đặc tả xử lý điện năng RMS phần trên của loa sub và công suất RMS của ampli. RMS là lượng điện năng mà một loa có thể xử lý liên tục hay một ampli có thể phát ra liên tục. Các đặc tả điện năng tối đa là những xung ngắn và không có liên quan đến sự tương hợp giữa loa sub và ampli. Công suất của loa sub càng lớn càng tốt. Với điện năng, quy luật dễ nhớ là càng nhiều càng tốt. Thật vậy, bạn có thể làm hỏng loa sub nếu cung cấp cho nó ít điện năng hơn là cung cấp nhiều hơn một ít. Đơn cử trong trường hợp một xe ôtô cố leo lên một con dốc đồi quá cao. Nếu ôtô có máy V-8 loại lớn, nó có thể leo lên dễ dàng. Trong khi đó, nếu xe có máy nhỏ chỉ có 3 xylanh, xe sẽ cố leo và bị nóng máy. Vậy lý tưởng là công suất đầu ra RMS của ampli sẽ phải bằng 75% đến 150% đặc tả xử lý điện năng RMS tối đa của loa sub. Và 150% sẽ tốt hơn 75%. Các bộ lọc Bộ lọc thông thấp (low-pass filter) của loa sub giúp loại bỏ các nốt cao khỏi loa và tăng tối đa hiệu năng của loa, đồng thời cho phép bạn hòa nhập âm thanh của loa với các loa toàn dải (full-range). Hầu hết loại ampli trên thị trường hiện nay đều có bộ lọc thông thấp. Bộ lọc này giúp đảm bảo chỉ có tần số thấp trong bài nhạc mới đến được loa sub. Bộ lọc này cho phép bạn chọn mức tần số để bắt đầu chặn các nốt cao, giúp pha trộn tín hiệu ra của loa sub được tự nhiên với các loa toàn dải còn lại của bạn. Bộ lọc LPF (low-pass filter) giúp đảm bảo chỉ có tần số thấp trong bài nhạc mới đến được loa sub. Thiết lập bộ lọc thường phải thử nghiệm nhiều lần. Nói chung là không có một “công thức” nào là đúng để thiết lập ở mức nào. Bạn có thể thử thực hiện cách sau đây: thiết lập bộ lọc thông thấp ở mức 80Hz rồi nghe thử. Nếu chưa được như ý, hãy điều chỉnh bộ lọc lên xuống cho đến khi âm thanh nghe được như ý bạn muốn. Một tính năng tốt khác trong ampli subwoofer là bộ lọc hạ âm (subsonic filter). Tính năng này giúp chặn các tần số siêu thấp thường có trong vài bài nhạc. Bạn không thể nghe được các tần số này vì chúng nằm dưới ngưỡng thính giác của con người, nhưng nếu chúng không bị chặn, loa sub sẽ lãng phí năng lượng khi cố phát chúng. Bằng cách chặn những tần số này, bạn đã để dành loa sub để phát ra những nốt mà bạn có thể nghe hiệu quả hơn, mang lại một trải nghiệm hài lòng hơn. Chế độ tăng cường bass Nhiều người dùng chế độ tăng âm bass để tăng công suất ở vài mức tần số thấp. Nhiều loại ampli có chế độ tăng âm trầm (bass boost), thường có tên gọi là super bass, giúp tăng tín hiệu ra của loa sub ở các mức tần số cụ thể mà bạn muốn. Trong khi nhiều người thích dùng chế độ tăng cường bass để nghe được thêm phần mạnh mẽ trong vài bản nhạc thì những người khác lại ít dùng chế độ này, nếu có thì cũng để giúp giữ phần âm trầm cân xứng với phần âm khác của dàn máy. Nguồn PC World VN