Màu hồng thường đi kèm với những bé gái, đó hình ảnh thường bắt gặp nhất. Những đồ vật bé gái sử dụng như quần áo, đồ chơi, giày dép,… đều có khuynh hướng là màu hồng và đôi khi thói quen này còn được lưu giữ cho tới khi trưởng thành. Một số bậc cha mẹ muốn con gái của mình sử dụng màu khác, nhưng dường như màu hồng vẫn có một sức quyến rũ không cưỡng lại được. Điều đó có thật sự đúng? Có phải mọi đứa bé gái đều mang niềm yêu thích màu hồng ngay từ khi mới sinh ra đời hay sở thích đó chịu ảnh hưởng bởi môi trường văn hóa mà đứa trẻ sống? Câu trả lời phụ thuộc vào bạn đứng trên lập trường nào và tranh luận vẫn còn đang tiếp tục. Một di sản kế thừa từ quá trình tiến hóa? Từ trước đến nay, nhiều nghiên cứu đã được thực hiện nhằm tìm hiểu mối liên hệ giữa sở thích màu sắc với các độ tuổi khác nhau. Tại Mỹ, hầu hết những đứa trẻ sơ sinh và đang tập đi, dù là nam hay nữ, thì đều bị thu hút bởi các màu sắc là đỏ và xanh dương. Trong khi đó, màu hồng không phải là màu sắc gây được nhiều sự chú ý đối với bọn trẻ. Một nghiên cứu khác cũng đã theo dõi những đứa trẻ trong độ tuổi này và phát hiện ra rằng màu xanh dương được yêu thích nhiều hơn cả màu đó dù đó là bé trai hay bé gái. Hồi năm 2007, các nhà nghiên cứu tại Đại học Newcastle, Anh đã thăm dò sở thích màu sắc của những người trưởng thành. Kết quả cho thấy, màu sắc được cả nam và nữ chọn nhiều nhất là màu xanh dương. Tuy nhiên xét riêng giới nữ, trung bình, họ có xu hướng chọn màu đỏ hồng nhiều hơn nam giới. Các nhà nghiên cứu suy đoán rằng có thể nguyên nhân là do trong quá khứ, công việc của phụ nữ là hái lượm, thu thập trái cây, do đó, họ đã hình thành nên sự quen thuộc đối với các sắc thái đỏ của hoa quả. Dù vậy, kết quả nghiên cứu trên vẫn chưa lý giải được tại sao nữ giới lại thích hoặc không thích một màu cụ thể nào đó. Có thể, công việc trong của tổ tiên nữ giới đã truyền lại cho họ kỹ năng nhạy cảm với các sắc thái của màu đỏ, nhưng điều đó không có nghĩa là họ thích màu đó. Thí dụ, có thể màu đỏ là dấu hiệu của một số loại quả chín mọng ngon lành, nhưng ngược lại, màu đỏ cũng có thể là một loại quả độc. Vậy làm thế nào nữ giới lại yêu thích màu đỏ và các sắc thái của nó? Cần phải có thêm nghiên cứu phổ quát hơn nhằm chứng minh rằng quá trình tiến hóa đã cho phụ nữ có tình yêu bẩm sinh đối với màu đó. Tuy nhiên, một nghiên cứu hồi năm 2013, khảo sát cộng đồng người Himba tại Namibia đã phát hiện rằng nữ giới không có sự ưu tiên đối với màu đỏ. Nếu vậy thì lập luận sở thích màu sắc của nữ là do thừa hưởng từ quá trình tiến hóa sẽ mâu thuẫn với nghiên cứu này. Và dĩ nhiên, còn nhiều nghiên cứu khác ủng hộ cho việc thói quen màu sắc là do môi trường văn hóa sau khi sinh ra. Nhiều nghiên cứu cho rằng nữ giới thích màu hồng là tư duy bẩm sinh, thừa hưởng từ thói quen hái lượm của tổ tiên Cán cân màu sắc do môi trường văn hóa Các quy tắc văn hóa có thể cũng có ảnh hưởng đến sở thích màu sắc. Trong một số nền văn hóa, có thể màu hồng được mặc định là dành cho bé gái và màu xanh dương dành cho bé trai. Do đó, ngay từ khi sinh ra, những đứa bé gái đã quen thuộc và được mặc định với những bộ quần áo, phụ kiện hoặc thậm chí là không gian xung quanh toàn màu hồng. Điều này khiến gây khó khăn trong việc xác định thật ra thì sở thích màu sắc là bẩm sinh hay được hình thành trong giai đoạn đầu đời? Một nghiên cứu được thực hiện hồi năm 2011 đã cố gắng giải đáp bí mật này. Các nhà nghiên cứu đã cho những đứa bé 1 năm tuổi (cả trai lẫn gái) các cặp đồ vật giống hệt nhau nhưng khác về màu sắc. Đó có thể là vòng tay, hộp thuốc và khung tranh,… nhưng 1 cái thì màu hồng và cái cọn lại là màu khác. Kết quả cho thấy màu hồng không chiếm ưu thế trong lựa chọn của những đứa trẻ. Tuy nhiên, sau khi lên 2 tuổi, các bé gái bắt đầu thích màu hồng trong khi đó, khi các cháu trai lên 4 tuổi, chúng bắt đầu từ chối sự xuất hiện của màu hồng. Đây chính là thời điểm hình thành nhận thích và phân định giới tính của trẻ em. Khi đó, chúng sẽ nói về giới tính và thậm chí là quan sát xung quanh để tìm ra sự khác biệt giữa trai - gái. Trong giai đoạn này, cán cân màu sắc bắt đầu lệch về màu sắc thuộc về giới tính của mỗi giới. Trong một nghiên cứu khác, các nhà khoa học đã làm rõ quá trình hình thành của sự thiên vị màu sắc dựa trên quan sát 87 đứa trẻ từ 3 đến 5 tuổi tại một trường mầm non. Thử nghiệm được tiến hành tại 2 lớp học, bọn trẻ ở cả 2 lớp đều được cho mặc áo màu xanh hoặc đỏ. Lớp học thứ nhất được chia thành 2 nhóm màu xanh dương, đỏ và giáo viên của lớp này sẽ dùng 2 màu này để gọi tên và tổ chức lớp học. Trong khi đó ở lớp còn lại, giáo viên không hề nhắc tới sự phân chia màu sắc. Kết quả cho thấy, sau đó chỉ 3 tuần, bọn trẻ ở lớp học đầu tiên bắt đầu có thái độ thích màu của nhóm mình hơn so với nhóm còn lại. Trong khi đó, lớp thứ 2 thì không có sự thiên vị màu sắc này. Một lập luận khác cho rằng tình yêu màu sắc ở trẻ em được hình thành bởi môi trưởng văn hóa và cách người lớn cư xử với giới tính của chúng Nói cách khác, theo kết quả trên thì sự thiên vị màu sắc chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi môi trường bên ngoài. Vậy còn vấn đề giới tính? Giới tính là chủ đề chủ yếu khi người lớn nói với nhau về việc mang thai. Ngay khi chúng ta nói về việc ai đó mang thai hay sinh con, câu đầu tiên mà chúng ta hỏi là: "Con trai hay con gái?" Có thể sở thích màu sắc của trẻ sơ sinh vẫn là chủ đề đang tranh luận, nhưng có thể chắc chắn một điều là giới tính của bọn trẻ ảnh hưởng tới cách người lớn đối xử với chúng. Một nghiên cứu nổi tiếng đã chỉ ra rằng thái độ của nữ giới đối với cùng 1 đứa trẻ sẽ khác nhau phụ thuộc vào trang phục trên người của nó là màu hồng hay màu xanh. Nếu bộ quần áo là màu xanh dương, đứa trẻ sẽ được quy kết là 1 bé trai và người phụ nữ đó sẽ đối xử với nó như một bé trai. Ngược lại, nếu đứa bé được mặc bộ quần áo màu hồng, người phụ nữ sẽ có các cử chỉ dịu dàng hơn và chọn một con búp bê để chơi với đứa bé. Màu hồng cho con trai? Màu hồng vẫn có thể có tác dụng đối với hình vi ở cả nam và nữ Trên đây chúng ta đã tìm hiểu giả thuyết giải thích thói quen chọn màu sắc của nữ và nam. Tuy nhiên, vẫn còn 1 câu hỏi nữa là: Có phải màu hồng dành cho nữ giới chỉ là khuynh hướng thời trang mới xuất hiện gần đây? Có phải cách đây nhiều thế kỷ, các bé trai cũng được cho mặc màu hồng? Nhà tâm lý học người Ý Marco Del Giudice đã nghiêm túc tìm hiểu lịch sử nhằm trả lời cho thắc mắc trên. Ông đã tìm kiếm chủ đề màu sắc và giới tính trẻ em trong hơn 5 triệu cuốn sách xuất bản tại Mỹ hoặc Anh từ năm 1800 đến 2000. Theo đó, rất ít có quyển sách nào đề cập tới hình ảnh "cậu bé và màu hồng" và đặc biệt là khái niệm "cô bé màu hồng" bắt đầu trở nên phổ biến từ những năm 1890. Không dừng lại ở các bé gái mà thậm chí, nhiều tổ chức có liên quan đến nữ giới đều sử dụng màu hồng làm biểu tượng hình ảnh của họ. Nhiều nghiên cứu đã nhận ra rằng màu hồng sẽ gây sự chú ý nhiều hơn và sẽ có tác dụng hiệu quả hơn trong các chiến dịch dành cho nữ giới. Tuy nhiên, vẫn có tình huống màu hồng được sử dụng cho cả nam lẫn nữ. Hồi năm 2002, các nhà nghiên cứu tại Thụy Sĩ đã phát hiện ra rằng dùng giấy màu hồng để in câu hỏi khảo sát sẽ giúp tỷ lệ đón nhận từ người khảo sát (Cả nam lẫn nữ) tăng lên 12%. Rõ ràng, màu sắc có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đối với hành vi của con người. Các nhà khoa học vẫn còn phải thực hiện thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa về mối liên hệ thú vị đầy tranh luận này trong tương lai. Nguồn KhoaHoc.com.vn