Theo tuyên bố của các nhà khoa học đến từ nhiều viện nghiên cứu vụ trũ danh tiếng trên thế giới, Sao Hoả có thể đang nắm giữ một khối lượng nước hoặc băng khổng lồ dưới bề mặt. Theo công trình nghiên cứu từ các nhà khoa học thuộc viện công nghệ Tokyo, Viện Hành tinh và Mặt Trăng ở Houston (Mỹ), Viện Khoa học Carnegie tại Washington (Mỹ) và Bộ phận Nghiên cứu và Khám phá khoa học của NASA, đã có những dấu hiệu cho thấy dưới lớp bề mặt của sao Hỏa có chứa một lượng nước khổng lồ dưới dạng băng. Bằng việc nghiên cứu cấu trúc các mảnh vụn thiên thạch sao Hỏa được tìm thấy trên Trái Đất, các nhà khoa học thấy rằng mặc dù có nhiều nguyên tử hydro được tìm thấy trong lớp vỏ và bầu khí quyển của sao Hỏa. Tuy nhiên, chúng lại có tỷ lệ đồng vị khác với các nguyên tử được tìm thấy trong các mảnh thiên thạch. Sự khác biệt về số lượng nơtron cho thấy, nguyên tử hydro trong các mẫu thiên thạch có thể đã được lấy ra từ nhiều nguồn nước khác nhau với quy mô không hề nhỏ. Thực tế, các dấu đồng vị có thể khác nhau khi chúng được tìm thấy ở những nơi có diện tích lớn ví dụ như một hồ nước khổng lồ. Ở đó các nhà khoa học thấy rằng, đồng vị trong các mẩu thiên thạch không đạt được trạng thái cân bằng giữa chúng với bầu khí quyển của sao Hỏa. Thay vào đó, một khả năng nữa cũng được tính đến, đó là sự thăng hoa của lớp băng vào khí quyển và sau đó là sự thất thoát các nguyên tử hydro ra ngoài vũ trụ. Nghiên cứu thêm trên nhiều mẫu đá khác, các nhà khoa học nhận thấy nếu như có tồn tại thực sự một nơi chứa nước hoặc băng như vậy dưới bề mặt sao Hỏa thì đây sẽ là một tín hiệu rất quan trọng cho loài người. Hồi đầu tháng 12 vừa qua, NASA cũng đã cho phóng thử nghiệm con tàu không gian Orion để phục vụ cho quá trình chinh phục sao Hỏa của loài người dự kiến từ nay tới năm 2030. Mặc dù vẫn còn có những hạn chế và thách thức rất lớn về mặt khoa học - kỹ thuật nhưng với sự quyết tâm, hy vọng để con người có thể đặt chân lên hành tinh này chắc chắn sẽ không còn bao xa. Nguồn VNExpress