(PCWorldVN) Hầu hết những mẫu laptop chuyên cho game ngày nay có thể hỗ trợ những game hạng nặng nhờ trang bị cấu hình “khủng” và màn hình độ phân giải Full HD 1080p. Những lưu ý khi chọn mua laptop Chọn laptop cho sinh viên Chọn laptop giải trí Mua Laptop, đừng nên nghĩ tới nâng cấp Dĩ nhiên là nếu so với máy tính để bàn truyền thống có nhiều tùy chọn mở rộng hơn, nhiều cách nâng cấp dễ dàng hơn và đạt hiệu năng với chi phí thấp đáng kể, thì rõ ràng là chiếc laptop chơi game có đầy đủ tính năng mà vẫn có thể mang theo từ phòng khách sang phòng ngủ hay thậm chí khi đi ra ngoài vẫn là một giải pháp hấp dẫn hơn nhiều. Sau đây là những yếu tố mà bạn cần quan tâm khi chọn mua một chiếc laptop chơi game để có thể thỏa sức “chiến đấu” mọi lúc mọi nơi. GPU: Xu hướng bộ xử lý đồ họa 3D Tất cả các game hiện đại đều dùng đồ họa 3D. Điều đó có nghĩa là thành phần quan trọng nhất trong laptop chơi game phải cần đến là card đồ họa, hay nói chính xác hơn là bộ xử lý đồ họa GPU (graphics processing unit), có hỗ trợ 3D. Hiện nay, chỉ có hai hãng sản xuất GPU di động nổi tiếng là AMD và Nvidia. Đa số các mẫu laptop phổ thông trên thị trường hiện nay đều trang bị card đồ họa tích hợp của Intel, nhưng chúng không đủ mạnh để chơi game 3D nặng. Bộ xử lý đồ họa của Intel được tích hợp trực tiếp vào trong đế CPU, trong khi bộ xử lý GPU của AMD và Nvidia là những loại chip hoàn toàn tách riêng và mạnh hơn nhiều. Thật ra, có nhiều người chủ ý mua laptop có bộ xử lý đồ họa tích hợp nhằm mục đích làm việc chứ không phải để chơi game (nhưng ít ra là có thể chơi các loại game bình thường). Thành phần quan trọng nhất của một laptop chơi game luôn là bộ xử lý đồ họa (GPU), điển hình là bộ xử lý GeForce GTX 980M mới của Nvidia. Các hãng sản xuất thường cố “dụ dỗ” người dùng nâng cấp ổ cứng và bộ nhớ RAM, nhưng bộ xử lý đồ họa GPU thường vẫn là yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đối với trải nghiệm chơi game. Do đó, nếu chơi game là nhu cầu chủ yếu đối với bạn thì nên chọn mua laptop trang bị GPU nhanh nhất, tốt nhất, mạnh nhất có thể - vì chủ yếu là bạn phải dùng nó cho hết đời máy laptop. Cho đến nay, GeForce GTX 980M của Nvidia là GPU di động có hiệu năng cao nhất. Nvidia cho biết, sản phẩm đạt 75% hiệu năng của cấu hình tương đương cho máy tính để bàn. Điều này khá kỳ lạ khi so sánh với GeForce GTX 480M, là GPU di động tốt nhất trong năm 2010, nhưng chỉ đạt 40% hiệu năng của cấu hình tương đương trên máy tính để bàn. Trong khi đó, dòng GPU mạnh nhất hiện thời của AMD là Radeon R9 M290X. Nhiều nguồn tin cho rằng, AMD sẽ ra mắt một phiên bản nâng cấp. Mẫu laptop MSI GT72 Dominator Pro có card đồ họa Nvidia GeForce GTX 880M. Đôi khi, không cần phải chọn bộ xử lý đồ họa cao cấp nhất cho laptop mới có thể mang lại trải nghiệm chơi game tốt nhất. Song, nếu điều kiện kinh tế cho phép, bạn nên chọn laptop sở hữu GPU model cao nhất có thể. Khi đó, bộ xử lý đồ họa GTX 990M sẽ là một lựa chọn tốt hơn nhiều so với bộ xử lý đồ họa GTX 880M. Một điều quan trọng nữa mà bạn nên lưu ý khi chọn GPU cho laptop chơi game là chúng có ảnh hưởng đến kích thước của laptop đến mức nào. Các GPU cao cấp thường có tốc độ nhanh nhưng tạo ra nhiệt và sử dụng điện năng nhiều hơn, sẽ làm cho kích thước máy lớn hơn vì phải chứa các hệ thống giảm nhiệt tinh vi và chứa pin cỡ lớn hơn. Ngoài ra, khi nói đến hiệu năng chơi game, hệ thống trang bị hai bộ xử lý GPU vẫn tốt hơn một bộ. CPU: Quan trọng nhưng không phải là tối quan trọng Intel đã làm cho chúng ta có thói quen chú ý quá nhiều đến bộ xử lý CPU. Tuy nhiên, giống như các hệ thống máy tính chơi game để bàn, CPU cho laptop cũng sẽ không bao giờ quan trọng bằng bộ xử lý đồ họa GPU. Hãy nhớ kỹ điều này khi bạn cân nhắc có nên chi thêm tiền để mua một laptop trang bị bộ xử lý CPU tiên tiến hơn và nhanh hơn hay không. Một CPU có tốc độ xử lý cao hơn hay có nhiều nhân hơn sẽ có ích trong việc mã hóa video hay thậm chí trong việc biên tập hình ảnh, nhưng chẳng có lợi gì khi chơi game 3D. Giống như các hệ thống máy tính chơi game để bàn, bạn không cần phải dành ưu tiên cho CPU hơn GPU. Chúng ta hãy xem xét 3 model laptop Alienware chuyên game mạnh mẽ, mỗi model được trang bị với một bộ xử lý CPU khác nhau. Model thấp nhất sở hữu bộ xử lý Intel Core i5 lõi kép tốc độ 2,6GHz, model trung bình có bộ xử lý Intel Core i7 lõi tứ tốc độ 2,9GHz và model cao cấp có bộ xử lý Intel Core i7 lõi tứ tốc độ 3,1GHz. Tất cả đều là những bộ xử lý mạnh mẽ và đều hỗ trợ công nghệ giải quyết tác vụ xử lý đồng thời Hyper-Threading, vốn rất giống với công nghệ đa nhân. Nhưng giá của bộ xử lý tốc độ 3,1GHz cao hơn 850 USD so với giá của thiết bị có tốc độ 2,9GHz. Mẫu máy tính Alienware có giá đắt hơn cũng có nhiều RAM hơn và bộ lưu trữ tốt hơn, nhưng bạn không cần phải nâng cấp lên model này nếu mục đích duy nhất của bạn là chơi game hành động. Đừng nên mua mẫu laptop Alienware 17 đắt tiền nhất chỉ vì nó có bộ xử lý CPU nhanh nhất. Và hãy nhớ rằng bộ xử lý nhanh hơn đòi hỏi phải có quạt lớn hơn khiến cho khung máy phải lớn hơn. Thực tế là sẽ rất khó thấy được sự khác nhau trong các game chạy trên các mẫu máy Alienware lõi kép hay lõi tứ. Có nhiều game sử dụng đa nhân, nhưng model có bộ xử lý Core i5 lõi kép là đủ chơi hầu hết các tựa game, nhất là model này có hỗ trợ công nghệ Hyper-Threading. Hiện nay, hiếm thấy loại laptop chơi game nào dùng CPU của AMD. RAM: 8GB là đủ Một cái bẫy cần phải tránh là mua quá nhiều RAM cho laptop chơi game. Bạn thật sự không cần quá 8GB RAM để chơi game trong khi các hãng cung cấp vẫn thường quảng cáo một số model laptop chơi game có RAM lên đến 32GB. Hãy cẩn thận mua RAM đúng với nhu cầu, vì nhiều người bị ép mua nhiều RAM hơn thật sự cần thiết để chơi game. Ngày nay, 8GB là đủ để chơi rất nhiều tựa game trên thị trường. Mua 16GB cũng không sao, nhưng khó mà thấy được lợi ích gì khi dùng nhiều RAM như vậy trong các game hiện giờ. Có điều tệ hơn là có nhiều hãng cung cấp thích bán laptop chơi game có cấu hình cao nhất cùng với số lượng RAM “khủng”. Điều này có thể có hiệu quả trong các trường hợp sáng tạo nội dung, nhưng các game thủ tốt hơn là để dành tiền cho việc đầu tư bộ xử lý đồ họa GPU nhanh hơn hay ổ SSD dung lượng lớn hơn. SSD: Hãy mua loại ổ có tốc độ tải nhanh hơn Không nhất thiết phải dùng ổ lưu trữ thể rắn SSD (solid-state drive) cho laptop chơi game, nhưng nếu yếu tố tiền bạc không quan trọng thì hẳn là bạn nên đầu tư. Loại ổ lưu trữ SSD này dùng loại chip nhớ thay vì các phiến đĩa cơ để lưu trữ như ổ cứng HDD truyền thống. Ổ SSD giúp gia tăng tốc độ thời gian khởi động hệ điều hành Windows, thời gian đáp ứng chung của hệ thống và ngay cả tốc độ tải game. Dùng ổ SSD thường không cải thiện tốc độ khung hình trong các game 3D, do đó nếu phải lựa chọn giữa tốc độ khung hình nhanh hơn hay tốc độ tải game nhanh hơn, bạn hãy chọn lợi ích nào bạn thích hơn. Với dung lượng mỗi game thường lên đến 40GB, ổ SSD nhỏ sẽ không thích hợp cho laptop chơi game. Dùng ổ SSD quả là một việc xa xỉ, nhưng không nên dùng một ổ có dung lượng nhỏ. Nếu laptop thường dùng của bạn chỉ có một tùy chọn lưu trữ, bạn nên mua một ổ cứng lớn hơn hay một ổ đĩa cứng lai (kết hợp một ổ SSD dung lượng thấp với một ổ cứng dung lượng cao). Bạn sẽ phải cần nhiều không gian lưu trữ cho các game lớn hiện nay. Màn hình hiển thị: Độ phân giải cao chưa hẳn là tốt Màn hình của laptop chơi game ngày nay có khuynh hướng có đủ gam màu, từ thiếu sáng sang lộng lẫy. Vấn đề là thực sự chúng có phù hợp với mắt của bạn hay không. Đa số các loại laptop chơi game trang bị màn hình hiển thị LCD công nghệ TN (twisted nematic) thường có thời gian đáp ứng nhanh hơn, nhưng tầm nhìn chỉ dưới mức bình thường. Màn hình IPS được ưa chuộng hơn vì có độ chính xác về màu sắc, nhưng loại màn hình này lại đội giá laptop nên các hãng cung cấp không sử dụng. Mẫu máy Razer Blade mới có màn hình hiển thị độ phân giải cao 3.200 x 1.800 pixel. Một tiêu chí khác bạn cần cân nhắc là độ phân giải. Bạn sẽ muốn mua một thiết bị có độ phân giải riêng hợp lý và đó thường là 1.920 x 1.080 pixel. Trong khi độ phân giải 4K được chuộng vì mật độ điểm ảnh siêu cao và giúp game thủ không cần phải dùng kỹ thuật chống răng cưa, 4K sẽ làm giảm tốc độ khung hình, ít nhất là khi chơi game ở độ phân giải riêng của màn hình. Mẫu laptop chơi game Razer Blade có độ phân giải màn hình khác thường là 3.200 x 1.800 pixel, nhưng nhiều người cho rằng điều đó sẽ khiến màn hình bị sử dụng quá mức, nhất là khi muốn có tốc độ khung hình nhanh nhất. Bạn nên chọn độ phân giải 1.920 x 1.080 pixel và chỉ cân nhắc chọn 1.366 x 768 pixel nếu đang nhắm mua các model rẻ tiền hơn. Bàn phím: Bền là trên hết Hầu hết laptop chơi game đều dùng bàn phím cùng kiểu với laptop thông thường. Một vài hệ thống còn có thêm đèn chiếu sáng nền trang trí đẹp mắt. Đặc biệt, bàn phím của model Alienware 17 có trụ đỡ bằng thép dưới các phím WASD vì các phím này thường được dùng để điều hướng với mật độ khá nhiều trong game máy tính. Điều này làm cho bàn phím cảm thấy chắc chắn hơn và giúp không làm hư laptop khi chơi các game chiến đấu. Mẫu laptop GT80 Titan mới của MSI sẽ là laptop đầu tiên dùng nút cơ. Ngoài những chi tiết nhỏ nhặt này, tất cả các loại laptop chơi game đều thường dùng bàn phím kiểu gấp kéo (scissor-switch) mà các loại laptop dùng để làm việc thường được trang bị. Mẫu laptop GT80 Titan sắp ra mắt của MSI là laptop chơi game đầu tiên có bàn phím cơ. Loại bàn phím này không thường dùng trong laptop từ thập niên 1980. Bàn phím cơ cần có thêm nhiều không gian để phím hoạt động và điều này đã là thách đố cho ước muốn có thiết kế khung máy mỏng và gọn hơn. Hòa hợp kích thước và trọng lượng Bạn có thể mua một laptop chơi game có hai card đồ họa, ổ lưu trữ dung lượng lớn, ổ đĩa quang và một màn hình kích thước cực lớn. Nhưng bù lại trọng lượng của máy sẽ rất nặng. Đối với những game thủ tự do thường xuyên di chuyển thì trọng lượng này có thể cũng đáng chấp nhận. Dĩ nhiên, không phải tất cả các loại laptop chơi game đều phải nặng đến hơn 5kg. Bạn có thể tìm được các mẫu laptop mỏng hơn mà vẫn có card đồ họa riêng nhưng sẽ phải hy sinh một ít hiệu năng. Một mẫu laptop chơi game vóc dáng mỏng hơn sẽ phải hy sinh hiệu năng đồ họa. Và đó cuối cùng sẽ là điều khó khăn. Laptop càng nhẹ để dễ mang theo thì càng ít có khả năng cho tốc độ khung hình cực nhanh. Tình trạng này khó thay đổi được cho đến khi có một đột phá nào đó về công nghệ thiết kế. Tản nhiệt và độ ồn Các mẫu laptop chơi game có thể rất lớn nhưng kích thước khung càng lớn sẽ có thể giúp tản nhiệt càng hiệu quả hơn. Các hãng sản xuất có thể lắp đặt các ống dẫn nhiệt lớn hơn, cùng với quạt lớn hơn và chạy với tốc độ vòng/phút chậm hơn. Điều này giúp làm mát hiệu quả mà ít gây ồn. Vài mẫu laptop chơi game có khả năng nâng cấp CPU lẫn GPU nhưng quy trình này không dễ thực hiện. Nhưng bạn chẳng bao giờ biết được nếu chưa từng thử nghiệm chơi một game hạng nặng lâu hơn 10 phút. Do đó, nếu có cơ hội mua máy, hãy thực hiện thử nghiệm độ căng chơi game thực tế. Hãy chú ý xem laptop có bị nóng quá không hay vẫn mát, quạt đang quay quá sức và có ồn hay không? Đây là một vấn đề bạn có thể gặp phải trong vài mẫu laptop chơi game mỏng hơn. Khả năng nâng cấp: Có thể nhưng không hiệu quả Đây là điểm cuối cùng gay go nhất. Nói chung, laptop chơi game đều có tùy chọn nâng cấp khá hạn chế. Bạn có thể lắp thêm RAM, thay ổ SSD hay ổ cứng lớn hơn. Bạn cũng có thể tháo rời card không dây. Nhưng đừng hy vọng nâng cấp CPU hay GPU mà không cần phải mổ máy để rồi bị mất bảo hành. Cường độ chơi game càng cao càng phát nhiều nhiệt và cần quạt lớn hơn. Không phải là không thể nâng cấp vì việc này có thể thực hiện. Nhưng biện pháp nâng cấp laptop chơi game được cho là không thông minh. Bạn chỉ nên mua laptop và chuẩn bị sống với chúng trong vài năm tới. PC World VN, 12/2014 Nguồn PC World VN