(PCWorldVN) Khái niệm mọi thứ được xác định bởi phần mềm và cái nhìn mới về kiến trúc doanh nghiệp đang thay đổi cách thức công nghệ được ứng dụng trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thiết lập hệ thống điện toán đám mây riêng cho doanh nghiệp strong> SDN là tương lai của công nghệ mạng? Cách triển khai mạng dựa trên phần mềm an toàn Điện toán đám mây- thách thức và cơ hội Với sự phát triển của công nghệ, cách thức chúng ta đưa ra các giải pháp dành cho doanh nghiệp thay đổi theo, đôi khi là những thay đổi nhỏ, nhưng cũng có lúc là cơn địa chấn. Rõ ràng là chúng ta đang ở giữa một đợt chuyển mình của công nghệ với trào lưu di chuyển mọi thứ lên điện toán đám mây, từ máy tính để bàn lên thiết bị di động, từ những thứ hiện hữu sang những gì có thể được lập trình. Những biến động này giống như một giai đoạn quan trọng trong thời kỳ tiền sử của Trái đất. Trong cuốn “Wonderful Life” của Stephen Jay Gould đã nói về vụ nổ trong kỷ Cambri, một thời hưng thịnh của thế giới động vật tiền sử đột ngột bị hủy diệt để từ đó bắt đầu mầm mống tiến hóa của thế giới ngày nay. Sự bùng nổ công nghệ mở ra với Web cũng theo một quỹ đạo như vậy. Quả bóng dot-com được bơm căng quá mức cuối cùng đã nổ tung, và từ đó Web 2.0 ra đời trong thế giới của JavaScript, HTML5, NoSQL, và API RESTful, làm nền tảng cho điện toán đám mây của ngày hôm nay. Hay nói cách khác, những gì còn lại sau vụ nổ công nghệ giúp đặt nền móng cho thế hệ mới của điện toán doanh nghiệp. Xây dựng một thế giới mới Như các thế hệ trước đó, làn sóng mới này bắt nguồn từ nhưng gì đã bắt đầu trước đây. Đó là việc sử dụng API (application programming interface – giao diện lập trình ứng dụng) ở vai trò cốt lõi của phát triển ứng dụng, cho phép tạo ra một khuôn thức để xây dựng các ứng dụng kết hợp (composable app), và một tập hợp các công cụ cho một thế hệ mới của các nhà phát triển. Nó chia chức năng của ứng dụng thành các thành phần nhỏ (microservices) và sau đó có thể tập hợp lại thành các ứng dụng mới chạy trên nhiều loại thiết bị khác nhau. Sự hội tụ của thế giới API với devop (viết tắt từ “development" và "operations" – một phương pháp mới phát triển phần mềm hiện nay) và ảo hóa là những yếu tố quan trọng của các ứng dụng doanh nghiệp thế hệ mới. Nền tảng có thể lập trình sẽ là cơ sở cho một kiến trúc linh hoạt, khả năng mở rộng, cho phép cung cấp loại hình dịch vụ khi cần (services as needed) bằng cách quản lý tự động và cổng tự phục vụ. Đây không phải là hệ thống máy ảo, mà là một sự kết hợp tính toán, lưu trữ và mạng được xác định bằng phần mềm (software-defined). Có lẽ thay đổi lớn nhất là khoảng thời gian tồn tại của ứng dụng. Lâu nay các ứng dụng doanh nghiệp được xây dựng theo mô hình để vận hành trong nhiều năm, nhưng bây giờ, tùy theo nhu cầu công việc chúng ta chạy các ứng dụng có thể chỉ trong vài tháng, thậm chí vài tuần, trong khi vẫn phải duy trì hệ thống kinh doanh cốt lõi phức tạp. API có thể giúp chúng ta cũng như các nhà phát triển dễ dàng hơn trong công việc, nhưng lại đặt ra những thách thức trong làm việc nhóm, quy trình nội bộ. Một bùng nổ khác là sự gia tăng của các thiết bị thông minh, như smartphone, tablet, thiết bị theo dõi sức khỏe. Các loại thiết bị cá nhân này có năng lực tính toán mạnh mẽ được dùng ngày càng phổ biến hơn, cho cả công việc lẫn mục đích cá nhân. Chính vì vậy, việc tạo ra những ứng dụng có thể chạy trên bất cứ thiết bị nào là cần thiết. Điều người dùng mong đợi giờ đây là những ứng dụng tiện ích, thân thiện, dễ dàng tương tác như hàng tiêu dùng. Thời của các ứng dụng theo kiểu Windows đã qua rồi. Nếu không thể phát triển các ứng dụng đáp ứng được yêu cầu, người dùng sẽ sử dụng điện toán đám mây và các công cụ miễn phí để tạo ra các ứng dụng riêng cho chính mình. Cưỡi sóng Nhà phát triển ứng dụng doanh nghiệp đang có nhiều công cụ trong tầm tay để lựa chọn, từ các ngôn ngữ lập trình chức năng đến nguồn tài nguyên đám mây vô tận. Nhưng những công cụ này cần đạt đến phạm vi lớn người sử dụng, cũng như số lượng ngày càng tăng của các thiết bị. Đó là một thế giới phức tạp, và càng phức tạp hơn khi phải tạo ra những phần mềm trong thời gian ngắn nhất. Sự phát triển của các công cụ theo dõi sự kiện và sàng lọc hàng petabyte dữ liệu sẽ giúp cung cấp thông tin phản hồi để xác định những gì đang hoạt động, và những gì cần làm. Hệ thống học máy (học tự động - learning system) ở quy mô đám mây sẽ là một thành phần thiết yếu để triển khai Internet of things (IoT), quản lý thông tin từ hàng ngàn nguồn và xác định chính xác những gì là quan trọng. Đó là thế giới chúng ta sẽ xem xét những công cụ và công nghệ mới, nhưng quan trọng nhất vẫn là làm thế nào để tận dụng chúng để từ làm cho hoạt động kinh doanh hiệu quả nhất. Nguồn PC World VN