Một viên đá trời to bằng quả núi bay sát địa cầu theo chu kỳ 3 năm một lần và nó có thể va chạm với hành tinh xanh trong vòng 150 năm nữa. 2014 UR116 là một thiên thạch có chiều dài xấp xỉ 400m và có đường bay giao cắt với quỹ đạo di chuyển của trái đất theo chu kỳ 3 năm một lần. Vladimir Lipunov, một nhà khoa học Nga tại Đại học Moscow, phát hiện thiên thạch, Telegraph đưa tin. Ông nói rằng nó không thể gây nên bất kỳ mối họa nào trong tương lai gần, song có thể đâm trúng địa cầu trong 150 năm nữa. Nếu "2014 UR116 đâm trúng trái đất, nó có thể gây nên vụ nổ lớn gấp khoảng 1.000 lần so với thiên thạch to bằng xe bus từng nổ trên bầu trời nước Nga năm ngoái". Ảnh minh họa: ALAMY Khi một thiên thạch to như quả núi lọt vào khí quyển trái đất, nó sẽ gây nên hàng loạt tiếng nổ có khả năng thổi bay mọi cửa sổ và phá hoại các tòa nhà trong phạm vi vài km. "Tính toán quỹ đạo của những viên đá khổng lồ như 2014 UR116 là việc khó vì đường bay của chúng thay đổi liên tục do lực hút từ những hành tinh khác. Sự tồn tại của nó cho thấy chúng ta biết rất ít về những thiên thạch có thể gây họa cho trái đất. Theo dõi 2014 UR116 liên tục là một nhiệm vụ quan trọng vì một sai lầm nhỏ trong tính toán có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng", Lipunov lập luận. Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) khẳng định khoảng cách giữa thiên thạch mà Lupinov phát hiện cách trái đất khá xa nên nó không thể gây họa. "Mặc dù thiên thạch có chiều dài xấp xỉ 400m, bay xung quanh mặt trời và trở về vị trí sát trái đất theo chu kỳ 3 năm, nó không phải là mối họa vì đường bay của nó không tới quá gần đường bay của trái đất", NASA tuyên bố. Tuy nhiên, NASA thừa nhận rằng các mô hình máy tính của họ cho thấy thiên thạch có thể va chạm với địa cầu trong ít nhất 150 năm nữa. Nhiều nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới từng cảnh báo nền văn minh trên trái đất có thể biến mất bởi sự va chạm giữa địa cầu với một thiên thạch lớn. Nguồn VNExpress