(PCWorldVN) Bạn đang lên kế hoạch lắp đặt camera theo dõi cho văn phòng hay gia đình. Những yếu tố cần lưu ý trong bài hướng dẫn sau sẽ giúp bạn chọn được một hệ thống vừa ý và phù hợp nhu cầu. Kiểm soát tập trung IP Camera IP Camera - Chọn theo nhu cầu Tăng hiệu quả giám sát với IP camera Xác định nhu cầu Hãy đặt ra nhu cầu về hệ thống camera an ninh mà bạn muốn đầu tư lắp đặt bằng cách đặt ra một loạt câu hỏi sau. Trước hết, bạn cần có hệ thống theo dõi chỉ 1 camera duy nhất hay gồm từ 2, 4, 8 hay 16 camera? Bạn có muốn nhìn thấy rõ khuôn mặt của người, chi tiết hàng hóa hay sự việc trong video? Bạn cần một hệ thống camera an ninh không dây hoặc có dây? Bạn cần một hệ thống camera gắn trong nhà hay ngoài trời? Nên chọn camera công nghệ analog hay IP camera? Ngân sách của bạn hạn chế ở mức bao nhiêu? Dựa vào nhu cầu, môi trường đặt camera và quan trọng nhất là khả năng kinh tế mà bạn có thể chọn được loại camera phù hợp nhất. Chọn loại camera Gắn trong nhà hay ngoài trời Sau khi đã xác định nhu cầu hệ thống an ninh của mình cần bao nhiêu camera, điều không kém quan trọng mà bạn cần phải thực hiện là xác định nơi đặt máy để chọn mua loại camera phù hợp. Bạn cần loại camera để sử dụng ngoài trời hay chỉ cần chọn loại thường gắn trong nhà. Các mẫu camera gắn ngoài trời thường được thiết kế với những tính năng chịu được nhiều điều kiện thời tiết khắc nghiệt như chống bụi, nước mưa, nhiệt độ… Các mẫu camera có khả năng quay đêm nhờ trang bị hệ thống đèn hồng ngoại. Bên cạnh đó, hãy xác định hệ thống camera theo dõi của bạn chỉ hoạt động trong giờ làm việc ban ngày hay cả ban đêm. Nhờ đó, bạn có thể lên kế hoạch để đầu tư cho loại camera có khả năng quay ban đêm với hệ thống đèn hồng ngoại. Có dây hay không dây Một bước quan trọng cần phải thực hiện là khảo sát nơi lắp đặt camera trước để xác định cần mua loại camera có dây hay không dây. Nếu vị trí lắp đặt cho phép đi dây nguồn và dây mạng dễ dàng, thuận tiện thì bạn có thể chọn loại camera có dây. Ngược lại, nếu vị trí lắp đặt không thuận tiện để đi dây mạng thì nên chọn loại không dây. Camera không dây thường được sử dụng trong nhà, dễ dàng cài đặt và cung cấp sự linh hoạt khi cần thay đổi vị trí camera mà không cần phải chạy dây mới. Với môi trường lớn hơn hay tại các doanh nghiệp có thể cần một giải pháp phức tạp hơn, camera có dây là một lựa chọn phù hợp hơn. Analog hay IP camera Camera an ninh công nghệ analog thường gửi hình ảnh tín hiệu tương tự (analog) đến đầu thu DVR. Trong khi đó, IP camera sẽ lưu hình ảnh tín hiệu kỹ thuật số (digital) qua mạng cục bộ hoặc mạng Internet. Công nghệ IP camera sẽ giúp tận dụng đường truyền hiệu quả hơn vì mỗi camera sẽ phát sóng theo địa chỉ IP riêng của chúng. IP camera còn được đánh giá có độ phân giải cao hơn so với camera analog. Các doanh nghiệp thường đã có sẵn mạng IP cục bộ, do đó việc đầu tư hệ thống IP camera có thể sẽ là một lựa chọn giúp tiết kiệm đáng kể chi phí mua cáp hoặc phần cứng bổ sung. Bên cạnh đó, IP camera còn được đánh giá có độ phân giải cao hơn so với camera analog. Do đó, nếu yếu tố hình ảnh rõ nét và khả năng chụp những chuyển động là tối quan trọng cho hệ thống camera an ninh của bạn, thì camera analog không thể là sự lựa chọn lý tưởng. IP camera cũng ít nhạy với nhiễu của các thiết bị không dây khác. Chip cảm biến ảnh CMOS hay CCD Hầu hết camera an ninh hiện nay đều sử dụng chip cảm biến ảnh CMOS hoặc CCD (Charge Couple Device). Camera analog loại nhỏ và giá rẻ thường sử dụng công nghệ CMOS, cung cấp hình ảnh video chất lượng xấu và có độ nhạy sáng rất kém. Trong khi đó, các mẫu camera analog chất lượng tốt và giá cao hơn sử dụng cảm biến CCD. chip CCD thường có các kích thước 1/4 inch, 1/3 inch hoặc 1/2 inch. Về mặt kỹ thuật, cảm biến kích thước càng lớn thì cung cấp chất lượng hình ảnh càng cao và giá cũng cao hơn. Chất lượng hình ảnh Tất cả đều tùy thuộc vào nhu cầu và kích thước màn hình để theo dõi của bạn. Camera có độ phân giải càng cao, hình ảnh sẽ sắc nét và chi tiết hơn. Các camera phổ thông trên thị trường hiện nay có độ phân giải khoảng 330 dòng, trong khi đó camera độ phân giải cao sẽ cung cấp độ phân giải tốt hơn, từ 400 dòng trở lên. Ngoài ra, camera độ phân giải cũng có thể cung cấp vùng xem được rộng hơn. Tính năng "PTZ" trên một số mẫu IP camera giúp thiết bị có thể quét qua lại (pan), lật lên xuống (tilt) và phóng to/thu nhỏ (zoom) hình ảnh quanh một khu vực thay vì theo dõi chỉ một vị trí cố định. Truy cập từ xa Hầu hết hệ thống IP camera ngày nay đều hỗ trợ tính năng truy cập từ xa. Khi đó, bạn có thể sử dụng smartphone, tablet hoặc laptop để theo dõi video từ xa qua mạng Internet mọi lúc mọi nơi. Ngoài ra, bạn cũng có thể thiết lập để hệ thống báo động đến thiết bị của mình mỗi khi có các sự cố bất thường. Bạn có thể sử dụng smartphone, tablet hoặc laptop để theo dõi từ xa qua mạng Internet mọi lúc mọi nơi. Hệ thống lưu trữ Như đã đề cập ở trên, camera công nghệ analog thường gửi tín hiệu tương tự (analog) đến đầu thu DVR sử dụng băng từ để lưu trữ hình ảnh, trong khi hệ thống IP camera lưu video dạng kỹ thuật số qua mạng. Trước khi quyết định chọn giải pháp lưu trữ cho hệ thống camera an ninh, hãy xem xét bạn muốn ghi lại và lưu trữ bao nhiêu cảnh quay mỗi ngày. Ngoài ra, dung lượng lưu trữ cũng còn phụ thuộc chất lượng video mà bạn đã chọn. Một số hệ thống camera có tính năng nén video, giúp tiết kiệm đáng kể dung lượng lưu trữ. Nguồn PC World VN