(XHTT) Được báo chí, đề cập phản ánh từ lâu nhưng “vấn nạn” “tin nhắn rác” không những không thuyên giảm mà có chiều hướng hoành hành dữ dội hơn, gây phiền muộn và mất an toàn cho khách hàng sử dụng điện thoại di động trong cả nước. Thực trạng này đặt ra câu hỏi: nhà mạng có thật sự quyết tâm chặn “tin nhắn rác” không khi thực tế nó đang mang lại nguồn thu “khổng lồ” cho họ? “Biến tướng” tin nhắn rác Lần "bùng phát" này có khác ở chỗ nếu như trước đây, chủ yếu là các tin nhắn rao bán sim số đẹp, chăn ga gối đệm thì lần này hầu hết rao bán căn hộ, chung cư, biệt thự... Nhiều khách hàng phản ánh trung bình mỗi ngày phải nhận ít nhất 2-3 tin nhắn rác. Thậm chí, trên một số diễn đàn, nhiều khách hàng ước tính, với hàng chục triệu khách hàng dùng điện thoại di động, ngày nào cũng phải dành thời gian để xóa tin nhắn rác này, cả nước mất hàng chục nghìn giờ lao động. Ngoài ra, người dùng điện thoại di động còn bị "tin lừa" tới tấp gửi về máy với "kịch bản" cũ, nào là "vào lúc giờ, có một người tên… nhờ (đầu số tổng đài 1900xxxx) gửi tặng thuê bao (xxxxxxx) một bài hát và tâm sự của một tình yêu đơn phương, bạn hãy gọi tới số (số tổng đài) để lắng nghe…". Tin nhắn rác ngày càng biến tướng. (Ảnh: VNPT) Được biết, nếu khách hàng gọi lại vào đầu số 1900xxxx, hoặc nhắn tin sẽ bị trừ tiền nhiều, vì các cuộc gọi này thường có block 1 phút, chỉ cần bấm máy gọi vào các đầu số này là đã bị trừ tiền tới 15.000 đồng; gửi tin nhắn tới các đầu số này bị trừ 3.000-15.000 đồng. Chưa hết, cùng với sự phát triển công nghệ, các loại tội phạm về công nghệ cũng ngày càng tăng. Có thể lấy dẫn chứng, hiện các cá nhân, DN cung cấp dịch vụ nội dung còn có cả thủ đoạn "móc túi" khách hàng mà khách hàng không biết. Cụ thể, họ tự phát tán đường link trong đó cài sẵn ứng dụng ngầm trên môi trường mạng và thuê bao di động nào chỉ cần click vào link đó, lập tức sau đó cứ bị trừ tiền hằng tháng. Đến lúc các nhà mạng phải hy sinh lợi ích Có một thực tế không thể phủ nhận là nguồn lợi “khủng” mà “tin nhắn rác” và các dịch vụ liên quan mang lại cho các nhà mạng. Và theo tính toán lợi ích trong câu chuyện này thì quả thực không khó hiểu khi các nhà mạng đều tuyên bố sẽ quyết liệt tham gia “dẹp” nạn tin “rác”, nhưng lúc hành động toàn “đánh trống bỏ dùi”. Và cũng vì thế nên dù đã có quy định cụ thể nhưng hiện nhà mạng vẫn buông lỏng quản lý, để người sử dụng bất kỳ có thể dễ dàng sở hữu hàng loạt sim điện thoại được kích hoạt trước mà không cần đăng ký thông tin cá nhân đang tạo ra “mảnh đất màu mỡ” để tin “rác” hoành hành. Nếu quản lý thuê bao di động trả trước được các nhà mạng thực hiện nghiêm túc, sẽ giúp ngăn chặn hiệu quả tình trạng phát tán bừa bãi tin “rác” như hiện nay. Với các nhà mạng di động, khi mỗi vụ việc bị "khui" ra, các nhà mạng không chỉ bị tai tiếng khi hợp tác với các DN cung cấp dịch vụ nội dung (hợp đồng kinh doanh đầu số) mà luôn bị khách hàng đặt câu hỏi: Nhà mạng thu được bao nhiêu tiền khi "bán" khách hàng của mình cho DN kinh doanh đầu số, để khách hàng bị phiền phức? Câu hỏi này chưa được trả lời thì liên tiếp trong thời gian qua, các nhà mạng hoặc bị dư luận hoặc bị cơ quan thanh tra "sờ gáy" vì tự ý kích hoạt dịch vụ giá trị gia tăng cho khách hàng mà không được sự đồng ý của khách hàng. Trong tháng 11-2014, Thanh tra Bộ TT-TT cũng đã xử phạt Công ty VDC số tiền 60 triệu đồng về các vi phạm trong đó có lỗi cố tình không chuyển các dữ liệu của hàng chục nghìn tin nhắn bị lỗi không gửi được tới các đầu số cho nhà mạng di động khiến thuê bao vẫn bị trừ tiền. Dư luận cũng nhiều lần đề cập đến vai trò của các nhà mạng, trách nhiệm quản lý của cơ quan nhà nước chuyên ngành khi tin nhắn rác hoành hành. Có thực tế là khi nào cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt thì nạn tin rác có vẻ yên ắng một thời gian, rồi sau đó lại bùng phát trở lại. Riêng tin nhắn rác gửi bằng sim 11 số hoặc 10 số đến nay hầu như chưa có giải pháp xử lý. Do vậy, được hiểu đương nhiên khách hàng tiếp tục phải chung sống với tin nhắn rác. Nha Trang. Nguồn Xã hội thông tin