Nghiên cứu mới đây đã đưa ra lời giải cho việc vì sao nhiều người đã ngấu nghiến đọc Harry Potter đến "quên ăn quên ngủ". >>> Áo tàng hình của Harry Potter có thể trở thành hiện thực Không ít người trong chúng ta khi cầm cuốn truyện Harry Potter đã đọc ngấu nghiến đến mức "quên ăn quên ngủ". Tuy nhiên không phải ai cũng lý giải được nguyên nhân vì sao chúng ta lại bị cuốn hút như thế. Các nhà khoa học thuộc trường ĐH Berlin (Đức) mới đây đã tiến hành cuộc điều tra và khảo sát não bộ để lý giải phản ứng này. Theo đó, nhóm nghiên cứu - dẫn đầu là nhà tâm lý học Chun-Ting Hsu đã đưa ra giả thuyết "nhập tâm mình cùng tiểu thuyết". Ông cho rằng, chúng ta thường đọc những cuốn truyện dài, tiểu thuyết tình cảm và có xu hướng đồng cảm đối với nhân vật chính trong truyện. Cảm giác này được kích hoạt bởi một mạng lưới thần kinh đặc biệt nằm ở vỏ não vùng đai (cingulate cortex) và thùy nhỏ ở não trước (anterior insula). Bằng cách thúc đẩy cảm xúc của sự đồng cảm trong não, những câu chuyện tình cảm, mang tình tiết hấp dẫn, bất ngờ sẽ khiến người đọc bị cuốn hút và nhập tâm vào câu chuyện hơn. Để kiểm tra kỹ hơn, nhóm nghiên cứu đã tập trung tìm hiểu ở hai nhóm người tham gia và một vài đoạn truyện được cắt ra trong series Harry Potter của tác giả JK Rowling. Các chuyên gia sẽ tiến hành quét não MRI trong khi nhóm đầu tiên được yêu cầu đọc đoạn truyện. Nhóm thứ hai cũng sẽ đọc đoạn truyện đó nhưng không được quét não MRI, tuy nhiên nhóm này sẽ phải đưa ra lời nhận định, đánh giá về cảm giác khi đọc truyện. Kết quả là ở nhóm thứ hai, các tình nguyện viên nói rằng họ đã tưởng tượng ra hình ảnh Giáo sư môn Phòng chống Nghệ thuật Quirinus Quirrell đang hút máu bạch kỳ mã trong khu rừng cấm trong tập Harry Potter và Hòn đá Phù thủy một cách rất rõ nét khi đọc đến đoạn truyện đó. Nhà tâm lý học Chun-Ting Hsu cho biết: "Ở những đoạn truyện gây sợ hãi cho người đọc sẽ kích thích não bộ một cách mạnh mẽ. Theo đó, các hồi đai (cingulate gyrus) của não sẽ bị kích thích, giúp người đọc tăng sự đồng cảm với tình tiết, nhân vật trong câu chuyện". Ông nói thêm: "Phát hiện này sẽ giúp cho chúng tôi mở ra nhiều ý tưởng mới, hiểu hơn về việc bộ não của chúng ta đã bị "thôi miên" như thế nào khi đọc những cuốn truyện hay và hấp dẫn". Nghiên cứu được đăng trên Tạp chí NeuroReport. Tham khảo: Science Alert Nguồn KhoaHoc.com.vn