Hà Giang đang là điểm đến "hot" đối với dân thích "xê dịch". Vùng đất Tây Bắc mê hoặc lòng người bằng những vạt hoa tam giác mạch đầy nên thơ và cũng là thiên đường của kẻ thích thưởng thức món ngon độc đáo như cháo ấu tẩu, thắng cố, thịt trâu gác bếp… Cháo ấu tẩu Từ loại củ độc, đồng bào nơi đây đã chế biến ấu tẩu thành món ăn rất tốt cho sức khỏe. Cháo ấu tẩu - đặc sản Hà Giang - có quanh năm nhưng muốn ăn thì phải dạo chợ, ghé quán lúc chiều tối. Cháo sẽ cho người ăn giấc ngủ sâu ngon và xua tan đi mệt mỏi suốt một ngày dài. Nguyên liệu chính làm nên đặc trưng của món ăn là củ ấu tẩu (Ảnh internet). Trước khi đem nấu, ẩu tẩu phải được ngâm kỹ trong nước vo gạo đặc một đêm. Sau khi rửa sạch, ninh ấu tẩu thêm khoảng 4 giờ cho mềm và bở ra. Còn gạo nấu cháo gồm cả hai loại: gạo tẻ và gạo nếp để tăng độ sánh dẻo. Tiếp đến, cho ấu tẩu bở tơi cùng gạo và nước dùng từ chân giò lợn vào nấu cùng nhau. Cháo chín, cho trứng gà, ớt, tiêu, hành, rau mùi là xong. Ít loại cháo nào để lại dư vị nhiều như cháo ấu tẩu. Cái beo béo của gạo, của nước chân giò, của trứng gà và mùi thơm thơm quen thuộc với các loại phụ liệu cũng như cay nồng tiêu ớt thì dễ tìm, nhưng vị đắng đắng khác biệt của củ ấu tẩu thì không dễ kiếm, càng không dễ quên. Lạp xưởng Thay vì mua lạp xưởng làm sẵn hiện phổ biến khắp các chợ, người dân bản làng miền này lại thích tự làm từ a đến z. Cứ dịp xuân tết, người ta nô nức chung nhau mổ lợn để chuẩn bị cỗ. Trong đó, không thể thiếu món lạp xưởng. Thịt lợn vai được lạng bỏ lớp bì, thái miếng vừa phải, ướp muối, đường, bột ngọt, rượu trắng, nước gừng và đặc biệt là quả mắc mật khô xay nhỏ. Tiếp đó, dồn thịt vào lòng non, buộc lại thành khúc và thỉnh thoảng châm kim để khí thoát ra giữ lạp xưởng nguyên khối ngon lành, không nứt vỡ. Cứ thế từng dải lạp xưởng được hong trên gác bếp hay phơi nắng cho khô dần. Lạp xưởng là món ăn dùng dần, khá tiện dụng (Ảnh internet). Chỉ việc đem chiên, nướng rồi thái lát mỏng ăn với mắm gừng hoặc thái miếng vừa ăn thêm mắm, hành… đảo nhanh tay là được. Lạp xưởng Hà Giang vừa giòn giòn, ngậy thịt lại mang mùi nắng quyện mùi khói bếp và mùi mắc mật tạo thành nét riêng khiến người ăn nhớ đậm ghi sâu. Chè Shan tuyết Những cây chè Shan cổ thụ vùng cao màu trắng xám, bọc một lớp phấn trắng mờ như tuyết nên được gọi là chè Shan tuyết - đặc sản Hà Giang. Đây là nguồn nguyên liệu sạch vì khai thác từ tự nhiên. Giống chè Shan tiếp thu tinh hoa của trời đất cho ra loại thức uống vừa an toàn, vừa thuần khiết hiếm có (Ảnh internet). Giữa núi rừng, ở bậc cửa nhà người đồng bào thưởng trà Shan tuyết là mong muốn trải nghiệm của rất nhiều người. Người ta bảo pha trà Shan tuyết, phải dùng nước nguồn trên núi chảy về thì mới cho ra đúng vị đậm đà của loài cây quý. Chén trà mới pha bốc khói nghi ngút giữ ấm lòng người bằng hương thơm thanh và màu tươi ngon. Nhấp môi sẽ thấy chè chan chát nhẹ nhưng lại ngọt hậu nồng nàn. Cam sành Bắc Quang Bắc Quang đến mùa cam là vàng rực màu mọng nước. Người đi qua thật chẳng thể làm ngơ trước những trái cam hấp dẫn đầy rẫy khắp đường khắp chợ. Đặc biệt, nếu từng ăn cam sành Bắc Quang thì càng không thể chối từ lời mời mọc. Cam Bắc Quang vỏ sần sần nhưng đều màu, nhìn đã thấy thích (Ảnh internet). Bổ ra thì ruột mọng nước cắn một miếng là thấy ngọt lành, thơm mát sảng khoái vô cùng. Cam sành vì thế luôn là món quà được chọn khi khách ghé Hà Giang đúng mùa. Thắng cố Lên Hà Giang mà chưa thưởng thức thắng cố thì quả là một thiếu sót. Tham gia chợ Đồng Văn, uống rượu ngô, ăn thắng cố lâu nay đã thành một hoạt động tích hợp của người dân và các du khách khám phá tỉnh Tây Bắc này. Từ nguyên liệu chính là thịt và nội tạng ngựa hoặc bò được xào lăn rồi châm nước, ninh sôi liên tục nhiều tiếng, món thắng cố làm người ta dễ liên tưởng đến phá lấu của miền Nam. Tuy nhiên, thắng cố - đặc sản Hà Giang - có các gia vị đi kèm đậm chất núi như thảo quả, hạt dổi, củ sả… Thắng cố món ăn nổi tiếng dành cho du khách khi tới khám phá đặc sản Hà Giang (Ảnh internet) Món đặc sản này du khách nào cũng muốn thử nhưng nhìn thấy thì lại không mấy có cảm tình. Thậm chí, có người ngửi mùi đã tỏ vẻ khó chịu. Giữa không gian thoáng đãng, dấu mình trong áo lạnh và nhấp rượu, gắp miếng thắng cố sẽ dễ cảm hơn hương vị đặc biệt của món nổi tiếng này. Thịt trâu gác bếp Do đặc điểm dễ ăn lại ngon, dễ bảo quản và độc đáo nên đặc sản này cũng thường được du khách mang theo về sau chuyến thăm thú tỉnh miền cao. Thịt bắp trâu hoặc bò được thái thành từng miếng dài, dọc thớ rồi tẩm ướp với các gia vị như ớt, gừng, đặc biệt là mắc khén. Thịt được hun khói, gác trên bếp nhà. Sau một thời gian chúng sẽ se lại. Thịt trâu gác bếp vị dai, ngọt, cay cay đặc sản vùng miền cao (Ảnh internet). Thịt khi thành phẩm nhìn không mấy ngon mắt lại vẫn giữ mùi khói ấm, cay ớt, nồng mắc khén vừa ngọt, dai rất thích hợp cho các buổi nhậu. Thịt chuột La Chí Người dân La Chí coi thịt chuột là loại thực phẩm thường xuyên, hàng ngày. Theo lời kể, mỗi mùa lúa chín đàn ông trong bản kéo nhau đi săn chuột khắp huyện, hết mùa gặt họ lại vào rừng đặt bẫy, rồi đào hang bắt chuột ở rừng vầu, rừng tre, rừng chít. Họ có thể chế biến thịt chuột thành vô vàn món ăn như nướng, xào, treo gác bếp... Đến bản của người La Chí thế nào cũng được thử qua món thịt chuột nướng và treo gác bếp trứ danh (Ảnh internet). Chuột được nhúng nước sôi, vặt lông, dùng que xiên đem thui rơm sau đó mới mổ bụng, làm sạch nội tạng. Tiếp đến, xát mắm, muối, mì chính, thảo quả, tiêu rừng cùng một số gia vị khác vào. Như vậy dù có nướng hay treo bếp, thịt chuột vẫn giữ được vị ngọt nguyên sơ và cũng đậm đà hơn. Thịt chuột nướng ăn ngay thơm lừng, dai dai, ngọt mà không bị khô. Còn thịt treo gác bếp sau một thời gian sẽ quắt lại, cứng như củi. Nhưng có thể vùi tro nóng, dùng chày đập và chấm muối tiêu làm mồi nhắm, hay ngâm nước sôi cho nở ra, rồi ướp gừng, hành tỏi và xào nóng ăn rất thơm ngon. Cùng hấp dẫn nhưng vị thịt chuột ở đây khác hẳn thịt chuột miền Tây. Rượu ngô Mỗi tỉnh thuộc khu vực miền núi dường như đều có riêng cho mình loại rượu chế biến theo cách đặc trưng. Rượu ngô Thanh Vân của bà con dân tộc Mông là một men say như thế. Nguyên liệu nấu rượu là ngô nương thường nhưng nước nguồn và thứ men làm từ 36 loại lá thuốc đã cho ra sản phẩm nổi tiếng của huyện vùng cao Quản Bạ này. Tiết trời vùng cao giá lạnh, người lấp trong sương mà được tấp vào quán tránh rét nhấp môi chén rượu ngô thì ấm lòng biết mấy. Rượu ngọt ngào nhưng nồng nàn len sâu vào trong cổ rồi bừng lên xua giá xung quanh (Ảnh internet) Người phương xa đến đây, thử rượu ngô sẽ tự nhiên trở nên ngây thơ và dễ thấy cuộc đời đáng yêu lạ. Xem thêm chủ đề: dac san ha giang, mon ngon ha giang, am thuc ha giang, dia diem an uong, dia chi quan ngon, mon an du lich, dia chi an uong, nau an, mon ngon, quan ngon, mon an ngon, am thuc, am thuc viet nam, mon ngon moi ngay, bep eva, bao phu nu, the gioi phu nu, bao gia dinh, gia dinh, eva Nguồn EVA.VN