(PCWorldVN) Đối với người dùng, điện thoại ngày càng rẻ hơn là điều có lợi. Nhưng với ngành công nghiệp, chạy đua quá đà về "giá sàn" thì nhà sản xuất sẽ rơi vào vũng lầy không thoát được. Một tiệm bán điện thoại ở Ấn Độ. Như bao người dùng khác, có thể bạn đang sở hữu một chiếc iPhone, một chiếc iPad và một chiếc Macbook. Còn nếu bạn là fan thực thụ của Apple, có thể bạn còn có thêm một chiếc iMac và Apple TV nữa. Nếu có con nhỏ, có thể chiếc iPad mà bạn dùng để "dụ" chúng ăn hết chén cơm sẽ chẳng bao giờ được quan tâm đến chuyện cập nhật phiên bản iOS mới, cho dù chiếc iPhone, iPad đó luôn chạy iOS phiên bản mới nhất. Nếu bạn rơi vào trường hợp này thì không cũng không gì lạ vì phần lớn người dùng Apple đều như vậy: trông đợi những tính năng mới nhất, luôn ngóng chờ chiếc iPhone tiếp theo sản phẩm này đang còn trên lịch sản xuất cho dù chiếc iPhone mới mua năm ngoái còn chạy tốt. Nhưng chính ý nghĩ tiêu dùng luôn đòi hỏi cái gì đó mới, cập nhật hơn, tiến bộ hơn lại gây ra một vấn đề lớn cho ngành công nghiệp công nghệ. Bảy năm sau khi chiếc iPhone đầu tiên xuất hiện, thiết bị di động đang dần trở thành món đồ tiêu dùng nhiều hơn là một sản phẩm công nghệ hiện đại như trước. Chúng ta có thể gọi thời điểm hiện tại là giai đoạn chấm dứt khúc mở màn của cuộc cách mạng di động, là quá trình chuyển dịch rõ ràng từ quá trình tò mò thiết bị di động có công nghệ đắt tiền sang chính thức đưa những thiết bị di động vào cuộc sống hàng ngày. Bây giờ, chúng ta biết được chính xác chiếc PC làm công việc gì là tốt nhất; chiếc điện thoại thông minh và máy tính bảng làm việc gì là phù hợp nhất. Kết quả là giá thiết bị di động giảm, các nhà sản xuất cạnh tranh khốc liệt ở tầm "giá sàn" của thiết bị. Các tính năng thường được mọi người dựa vào đó để phân biệt các phiên bản sản phẩm, như là tốc độ bộ xử lý và độ phân giải hay kích thước màn hình, đang dần trở thành chuẩn công nghiệp, càng đẩy giá cả xuống thấp hơn nữa. Công ty nghiên cứu thị trường IDC thông kê giá trung bình của điện thoại thông minh giảm từ 335 USD hồi năm 2012 xuống còn 314 USD trong năm nay, và đến năm 2018 dự đoán sẽ xuống còn 267 USD. Đại gia công nghệ Mỹ Apple cũng không thoát khỏi xu hướng này. Giá bán trung bình của iPhone hồi năm 2011 là 652 USD, năm 2013 giảm còn 607 USD. Mức giảm trung bình này là vấn đề lớn nhất đối với ngành công nghiệp thiết bị di động bởi vì trên quy mô toàn cầu, những bước đi sai lầm kinh doanh có thể gây nên những chuỗi tác động liên hoàn về lợi nhuận, khiến doanh nghiệp rất khó hồi phục trong tương lai. Hôm 30/10 vừa qua, nhà sản xuất thiết bị di động nền Android lớn nhất thế giới Samsung đã công bố lợi nhuận hàng quý đạt mức thấp nhất từng được ghi nhận kể từ năm 2011 vì hãng điện tử Hàn Quốc này đã để mất thị phần vào tay những nhà sản xuất điện thoại thông minh giá rẻ của Trung Quốc và Ấn Độ. Google, cha đẻ của hệ điều hành di động Android, đã phản ứng lại cơn sốc giảm giá này bằng cả hai hướng. Năm nay, Google làm việc với Motorola (trước khi bán Motorola đi sau tháng 10 rồi) để bán ra chiếc Nexus 6, là điện thoại có màn hình độ nét cao và bộ xử lý Qualcomm mạnh hơn 14 lần so với chiếc Google Nexus gốc của họ hồi năm 2010. Giá bán không kèm hợp đồng là 649 USD. Rõ ràng, Google hy vọng màn hình lớn và nhiều tính năng mới như pin chạy được 8 tiếng và sạc đầy chỉ trong 15 phút sẽ khích lệ người dùng Android có được quan điểm cao cấp giống như người dùng Apple đối với dòng điện thoại cấp cao. Google cũng đầu tư vào dòng thiết bị giá rẻ nhằm cạnh tranh trực tiếp với những nhà sản xuất Trung Quốc như Xiaomi khi mà nhà "Apple của Trung Quốc" bắt đầu bán ra chiếc Mi4 ở mức giá 320 USD không kèm hợp đồng và chỉ chạy phiên bản Android được làm lại riêng cho người dùng Trung Quốc mà không hề có ứng dụng nào của Google trên đó. Hồi tháng 9 rồi, Google chính thức tung ra Android One, một phiên bản hệ điều hành cho phép nhà sản xuất ở các nước như Ấn Độ có thể tạo ra điện thoại Android giá rẻ có thể chạy được những ứng dụng chuẩn và mới nhất của Google. Đây là cách mà Google muốn cạnh tranh trong thị trường điện thoại giá rẻ. Còn đối với thị trường máy tính bảng, điều này còn căng thẳng hơn. Cách nay 4 năm, loại thiết bị này hứa hẹn sẽ khuấy đảo và làm sống dậy ngành báo chí cũng như đưa ra được một nền tảng mới cho các nhà sản xuất game. Nhưng đến nay, mỗi khi thức dậy, bạn vẫn tìm ngay đến chiếc điện thoại chứ không phải là máy tính bảng để đọc tin tức hay kiểm tra email, mạng xã hội khi còn nằm trên giường. Nguồn PC World VN