(XHTT) Một thống kê mới đây khá thú vị: Cứ 10 lần người dùng di động ở Việt Nam vào mạng thì có 7 lần vào Internet, 3 lần để sử dụng dịch vụ thoại và SMS. Đây cũng là thông tin nổi bật nhất về VT-CNTT trong tuần qua. 1- Dịch vụ 3G của các nhà mạng tăng mạnh Các mạng di động cũng khẳng định, đến thời điểm này, 3G đang trở thành dịch vụ không thể thiếu đối với hầu hết những người dùng. Theo đó, các nhà mạng đang chuẩn bị cho xu hướng lên ngôi của data, sau khi đã đưa ra những thống kê khẳng định về xu hướng giảm của thoại và SMS trong khi thuê bao và lưu lượng 3G đang có chiều hướng tăng rất mạnh. Dịch vụ 3G đang lên ngôi, thay thế cho dịch vụ 2G – thuần thoại và SMS. Theo con số công bố gần đây của nhà mạng Viettel, trong 7 tháng đầu năm nay, số thuê bao sử dụng data trên toàn mạng tăng gần 9 triệu. Còn MobiFone, từ đầu năm đến tháng 9 vừa qua, lưu lượng 3G tăng khoảng 50% so với cuối năm 2013. Cạnh đó, thuê bao 3G của MobiFone cũng tăng trưởng tốt. Còn VinaPhone cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, số lượng thuê bao và lưu lượng 3G tăng rất mạnh. Trong khi thuê bao và 3G đang tăng mạnh thì các mạng di động lại lo lắng khi thoại và SMS đã chững lại và bắt đầu suy giảm. Xu hướng này không quá bất ngờ, bởi nó đã được dự báo trước và đã diễn ra trên thế giới. Nghiên cứu thị trường của Nielsen năm ngoái đưa ra kết quả khá thú vị: So với các nước trong khu vực, Việt Nam có tỷ lệ truy cập Internet rất cao. Trong số 58% người Việt Nam thường xuyên sử dụng Internet, có tới 97% dùng hàng tuần và họ dùng trung bình 16 giờ/tuần, tức là có những người hầu như lúc nào cũng online. Do đó, trong tương lai, Mobile Internet rất quan trọng vì với các thiết bị nhỏ gọn như smartphone, cho phép họ có thể truy cập Internet mọi lúc, mọi nơi. Cạnh đó, giá của smartphone ngày càng rẻ, phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng. Bởi thế nên ngày càng nhiều người dùng Việt lựa chọn sản phẩm này truy cập Internet qua mạng 3G. Theo Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam năm 2014 (số liệu của năm 2013), cả nước đã có 19,7 triệu thuê bao 3G, tăng gần 4 triệu thuê bao so với con số 15.696 triệu thuê bao 3G ghi trong Sách Trắng năm 2013. Trên thực tế, số lượng thuê bao 3G vẫn tiếp tục gia tăng khi giá cước 3G luôn được nhà mạng điều chỉnh để tăng tính cạnh tranh. Ngoài ra, cộng thêm là xu hướng ngày càng rẻ của các thiết bị đầu cuối 3G và tác động của xu thế hội tụ điện tử - viễn thông - Internet. Hiện, tất cả các mạng di động đều mở mặc định 3G cho tất cả các khách hàng vì đây được coi là dịch vụ viễn thông cơ bản. Các mạng di động đều khẳng định, dịch vụ data (đặc biệt là 3G) đang tăng trưởng rất mạnh, nhưng thoại và SMS bắt đầu suy giảm. Thậm chí nhiều thuê bao di động cho rằng, việc đảm bảo kết nối Internet với dịch vụ 3G còn quan trọng hơn cả dịch vụ thoại và SMS. 2- Điều tra thủ phạm phá hoại các website lớn tại Việt Nam Chiều 20/10, ông Nguyễn Thế Tân, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông Việt Nam cho biết, Công ty đã bị tấn công phá hoại bởi một nhóm người có chuyên môn. Theo ông Tân, “Sau khi tìm hiểu sơ bộ, chúng tôi phát hiện một số dấu hiệu bất thường trên hệ thống, không loại trừ khả năng đây là hành động phá hoại có chủ đích”. Cụ thể, ông Tân cho biết: “Sau khi kiểm tra log truy cập vào hệ thống, chúng tôi đã phát hiện thấy một số thao tác truy cập bất thường được lưu lại. Do đó, không loại trừ khả năng sự cố kỹ thuật này là do hành vi phá hoại có chủ đích. Tuy nhiên, do mới chỉ là những dấu hiệu bất thường, nên bản thân chúng tôi cũng chưa dám khẳng định về điều này”. Và ông Tân cho biết thêm, “Do tập trung vào việc khôi phục hệ thống trong 2 ngày qua, nên chúng tôi cần thời gian để thu thập thông tin và kiểm tra thêm trước khi có thể khẳng định về nguyên nhân sự cố”. 3- Chưa áp thuế TTĐB với game online Bộ Tài chính vừa có Văn bản số 14749 báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho rút nội dung thu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với trò chơi điện tử trực tuyến khỏi dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB. Bộ Tài chính cho rằng, dịch vụ trò chơi trực tuyến là một loại hình dịch vụ trong ngành công nghiệp - nội dung số, được Nhà nước khuyến khích và ưu đãi phát triển thành ngành kinh tế trọng điểm. Cạnh đó, việc phát hành trò chơi điện tử trực tuyến từ nước ngoài hiện rất khó quản lý nguồn tiền thanh toán và mục đích thanh toán nên cơ quan quản lý nhà nước rất khó xác định được khoản tiền thanh toán nào là tiền mua thẻ trò chơi điện tử trực tuyến. Đồng thời do trò chơi trực tuyến được phát hành trên mạng nên không thể xác định được nơi sử dụng dịch vụ… Trước đó, ngày 25/9, tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án luật, nhiều đại biểu đã đồng ý với đề nghị bổ sung trò chơi điện tử trực tuyến vào diện chịu thuế TTĐB. 4- Việt Nam “bùng nổ” về kỹ thuật số Việt Nam thuộc nhóm quốc gia “bùng nổ” về kỹ thuật số. Tuy mức độ sẵn sàng thấp, nhưng đang phát triển nhanh chóng. Đây là kết quả từ khảo sát "Chỉ số Phát triển Kỹ thuật số" (Digital Evolution Index) quy mô toàn cầu, do trường Fletcher thuộc Đại học Tufs (Hoa Kỳ) và MasterCard thực hiện, trong đó cung cấp danh sách các quốc gia có mức độ sẵn sàng nhất trong việc hỗ trợ hàng tỷ người sử dụng Internet thế hệ tiếp theo. Ngày càng có nhiều người dùng chọn mua smartphone, là thiết bị đa năng, truy cập mạng dễ dàng. Theo kết quả từ cuộc khảo sát, Singapore xếp hạng Nhất nhờ vào nền kinh tế kỹ thuật số phát triển và vẫn đang tiếp tục tăng trưởng. Việt Nam hiện nằm trong nhóm “bùng nổ”, bao gồm các quốc gia hiện có điểm số về mức độ sẵn sàng thấp, nhưng đang phát triển nhanh chóng. Mặc dù hiện đã có 2.9 tỷ người sử dụng Internet trên toàn thế giới, nhưng báo cáo khảo sát này cũng nhận định, đây vẫn là cơ hội cho các doanh nghiệp và Chính phủ trong việc mở rộng khả năng tiếp cận Internet cho 60% dân số còn lại trên thế giới. Nghiên cứu cũng nêu ra 4 nhân tố thúc đẩy phụ thuộc lẫn nhau, gồm: Cung, cầu, các tổ chức và sự cải tiến, giúp xác định sự phát triển kỹ thuật số của từng quốc gia và được sử dụng như những điểm đánh giá chiến lược cho sự tăng trưởng trong tương lai. 5- 68% dịch vụ giao dịch trực tuyến tại Việt Nam bị đe dọa Ngày 21/10, Công ty An ninh mạng Bkav Security phát đi thông báo cho biết, 2/3 dịch vụ giao dịch trực tuyến ở Việt Nam có lỗ hổng SSL 3.0. Đây là lỗ hổng được Google công bố ngày 14/10, có thể cho phép tin tặc chiếm tài khoản ebanking, tài khoản chứng khoán và thương mại điện tử của nạn nhân. Lỗ hổng nằm trong giao thức SSL 3.0, được sử dụng phổ biến để mã hóa và bảo vệ dữ liệu trao đổi giữa các website ebanking, chứng khoán và thương mại điện tử với người dùng. Đa phần các website đã chuyển sang giao thức mới TLS 1.2, nhưng vẫn đứng trước nguy cơ bị tấn công do các web server đều tương thích ngược với SSL 3.0. Nếu website và trình duyệt của người dùng cùng sử dụng SSL 3.0 để trao đổi dữ liệu, tin tặc có thể đánh cắp tài khoản giao dịch trực tuyến và chuyển tiền tới tài khoản khác hoặc thực hiện giao dịch chứng khoán, mua hàng hóa bằng tài khoản của nạn nhân. Ngay sau khi lỗ hổng được công bố, Bkav đã tiến hành kiểm tra các website giao dịch trực tuyến quan trọng và phát hiện hơn 2/3 (68%) các dịch vụ này vẫn sử dụng SSL 3.0. Hiện tại, hầu hết các ngân hàng đã khắc phục xong lỗ hổng, người dùng có thể giao dịch một cách an toàn, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều website giao dịch trực tuyến khác chưa tiến hành khắc phục. Bkav khuyến cáo quản trị viên các website kiểm tra hệ thống của mình và vô hiệu hóa SSL 3.0 bằng công cụ được Bkav cung cấp tại địa chỉ Tools.whitehat.vn. Người dùng cũng có thể tự đảm bảo an toàn cho mình bằng cách cập nhật trình duyệt lên phiên bản mới nhất. 6- MobiFone tổ chức VAS Day cho doanh nghiệp phát triển dịch vụ GTGT MobiFone vừa gửi lời mời các doanh nghiệp phát triển dịch vụ giá trị gia tăng (GTGT) trên toàn quốc đăng ký tham gia sự kiện MobiFone VAS Day - Kết Nối Giá Trị Tương Lai tại trang vasday.mobifone.com.vn. MobiFone là một trong những nhà mạng đi tiên phong trong nhiều dịch vụ, công nghệ. Đây là một trong những sự kiện lớn nhất trong năm dành cho các doanh nghiệp phát triển dịch vụ GTGT, dự kiến tổ chức tại Trung tâm Hội nghị White Palace, TP. HCM vào ngày 28/10/2014. Với chủ trương mở rộng xã hội hóa dịch vụ VAS, đem đến những lợi ích tối đa cho người dùng Việt Nam, hội nghị lần này được xây dựng nhằm đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác giữa MobiFone với các nhà cung cấp dịch vụ GTGT để đa dạng hoá và thiết lập các tiêu chuẩn nền tảng cho dịch vụ VAS trong tương lai. 7- Dùng băng tần 2G để phục vụ 3G Băng tần 900 MHz hiện đang sử dụng cho dịch vụ 2G (thoại, SMS), nhưng nếu các mạng viễn thông thử nghiệm cho dịch vụ 3G đạt kết quả tốt, không can nhiễu thì có thể xem xét bổ sung băng tần này cho 3G để tối ưu hóa hiệu quả. Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son tại Hội nghị giao ban quản lý Nhà nước vừa được tổ chức tại Hà Nội. Dịch vụ 2G tại Việt Nam đang được cung cấp trên băng tần 900 và 1800 MHz, trong khi dịch vụ 3G được triển khai trên băng tần 2100 MHz, có tần số cao hơn nên độ phủ sóng kém hơn so với băng tần 900 và 1800 MHz. Hiện, dịch vụ 3G lại đang có xu hương phát triển mạnh tại Việt Nam và có xu hướng mở rộng ra những ứng dụng cao hơn, do đó đòi hỏi phải mở rộng băng tần. Liên quan đến vấn đề này, Cục trưởng Cục Viễn thông Phạm Hồng Hải cho biết, đã nhận được văn bản báo cáo từ Tập đoàn VNPT và MobiFone về kết quả thử nghiệm. Hiện Cục đang tổng hợp ý kiến để báo cáo lãnh đạo Bộ TT&TT quyết định. Trước đó, Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT Trần Mạnh Hùng cho biết: VNPT này đã tiến hành thử nghiệm 3G trên băng tần 900 MHz và thu được kết quả tốt. Chất lượng phủ sóng tốt hơn, cộng với chi phí cung cấp dịch vụ cũng ít hơn. Do đó, VNPT đề nghị Cục Viễn thông sớm đo kiểm, đánh giá, xác nhận chất lượng băng tần 900 MHz, từ đó kiến nghị Bộ TT&TT điều chỉnh quy hoạch băng tần để VNPT có thể triển khai trên toàn mạng lưới. 8- Đẩy mạnh ứng dụng CNTT phát triển nông nghiệp Hơn 700 đại biểu (gần 200 đại biểu quốc tế) là lãnh đạo các hiệp hội, các tập đoàn CNTT hàng đầu của hơn 20 nền kinh tế thuộc châu Á, châu Đại Dương cùng họp mặt tại Diễn đàn Cấp cao CNTT Việt Nam – ASOCIO 2014 (Vietnam – ASOCIO ICT Summit 2014) diễn ra tại Hà Nội và Đà Nẵng từ 28- 31/10. Theo đó, ứng dụng CNTT trong nông nghiệp sẽ là một nội dung chính của ASOCIO ICT Summit 2014 và được dành thời lượng đáng kể để thảo luận. Họp báo giới thiệu về Diễn đàn Cấp cao CNTT Việt Nam – ASOCIO 2014. ASOCIO ICT Summit là diễn đàn quốc tế lớn nhất khu vực châu Á – châu Đại Dương trong lĩnh vực CNTT, do Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á – châu Đại Dương (ASOCIO) tổ chức luân phiên hàng năm tại các nước trong khu vực. Năm nay Summit được tổ chức lần 2 tại Việt Nam (lần đầu vào năm 2003) với các hoạt động: Diễn đàn, hội nghị Đại hội đồng ASOCIO, tọa đàm, giao lưu… Tại Việt Nam đã có những chương trình ứng dụng CNTT trong nuôi bò sữa hay trồng rừng, có gắn chip để theo dõi sức khỏe và sản xuất sữa của bò hay sự phát triển của cây, tuy nhiên ứng dụng này chưa phổ biến. Diễn đàn ASOCIO ICT đặt vấn đề áp dụng CNTT gắn với tái cấu trúc nông nghiệp sẽ góp phần mang những kỹ thuật mới, thông tin giá cả thị trường, thông tin cây trồng, vật nuôi phù hợp với người nông dân, đồng thời, đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an nình lương thực toàn cầu. 9- Đã có kẻ mạo danh VNPT để bán phần mềm vnEdu Ngày 23/10, VNPT Phú Yên cho biết, đã thông báo đến các cơ quan, trường học và đơn vị trực thuộc về việc cảnh giác, ngăn chặn tình trạng mạo danh để bán trái phép phần mềm vnEdu của VNPT. Đây là phần mền “Quản lý văn bản và điều hành” do VNPT Tiền Giang phát triển, đang được Tập đoàn VNPT chỉ đạo hoàn thiện, hướng dẫn triển khai và giao cho VNPT các địa phương giới thiệu, cung cấp trên phạm vi toàn quốc dưới thương hiệu thống nhất của Tập đoàn VNPT. Tuy nhiên, từ tháng 9/2014, trong khi đang triển khai phần mền vnEdu, VNPT Phú Yên nhận được phản ánh từ nhiều trường học: Có một đối tượng lấy danh nghĩa “Trung tâm phần mềm miền Trung, được Tập đoàn VNPT cho phép chào bán phần mềm vnEdu với giá 9 triệu đồng. Do đang khuyến mãi nên chỉ thu phí 10%”. Sau đó, cơ quan chức năng đã xác định được số điện thoại 0917720567 của đối tượng mạo danh. Đây là số điện thoại thuộc sở hữu của Công ty TNHH một thành viên “Phát triển Phần mềm Đại Luật” tại TP. Đà Nẵng. Ông Nguyễn Quốc Cường - Trưởng ban Công nghệ thông tin và Dịch vụ giá trị gia tăng (thuộc Tập đoàn VNPT) cho biết, Tập đoàn không giao nhiệm vụ hay cho phép một đơn vị nào như trên làm đại diện cung cấp phần mềm. Do vậy, VNPT các địa phương cần thông báo rộng rãi đến khách hàng và phối hợp cơ quan chức năng làm rõ, kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi mạo danh để lừa đảo, gây bất lợi kinh doanh, ảnh hưởng xấu đến uy tín của VNPT. 10- PTIT và Đại học Arizona hợp tác đào tạo, nghiên cứu về an toàn thông tin Ngày 24/10, tại Hà Nội, dưới sự chứng kiến của Lãnh đạo Bộ TT&TT, Bộ GD&ĐT, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) và Đại học Arizona (Hoa Kỳ) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu về an toàn thông tin. Đại diện lãnh đạo Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và Đại học Arizona ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác. Là 2 trường đại học công lập của Việt Nam và Hoa Kỳ, PTIT và Arizona đều là những tổ chức nghiên cứu, đào tạo hàng đầu về lĩnh vực CNTT, đặc biệt là lĩnh vực an toàn thông tin. Đại học Arizona với bề dày kinh nghiệm nghiên cứu, đào tạo và đội ngũ nhà khoa học, giảng viên cũng như học liệu, giáo trình, phương pháp đào tạo tiên tiến sẽ hỗ trợ cho PTIT nâng cao chất lượng nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực an toàn thông tin tại Việt Nam. Theo Biên bản ghi nhớ, các nội dung hợp tác mà PTIT và Đại học Arizona sẽ triển khai trong thời gian tới gồm: Tổ chức hội thảo quốc tế tại Việt Nam về lĩnh vực an toàn thông tin; Arizona sẽ hỗ trợ PTIT xây dựng hệ thống quản lý học trực tuyến (LMS: Learning Management System) bằng việc thay thế, mở rộng điều kiện hiện có của PTIT; Phối hợp tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn về an toàn, an ninh thông tin tại Đại học Arzona (Hoa Kỳ) dành cho các cán bộ quản lý nhà nước về an toàn an ninh thông tin, cán bộ chuyên môn làm việc trong lĩnh vực an toàn an ninh thông tin của Việt Nam; Hợp tác liên kết đào tạo trình độ Thạc sỹ khoa học máy tính chuyên ngành an toàn thông tin tại PTIT và cấp bằng của Đại học Arizona. Thanh Trà (tổng hợp) Nguồn Xã hội thông tin