(XHTT) HQ-381 là chiếc tàu tên lửa đầu tiên do Việt nam tự đóng, thuộc dự án BPS-500 của Hải quân Việt Nam sẽ được nâng cấp toàn diện. Nga “hiện đại hóa” cho tàu tên lửa HQ-381 Theo thông tin từ truyền thông Nga hôm 17/10, HQ-381, chiếc tàu tên lửa cao tốc thuộc dự án BPS-500 của Việt Nam sẽ được nâng cấp với các hệ thống vũ khí mới, trang Soha.vn cho hay. Chiếc HQ-381 của Việt Nam. Phòng thiết kế đóng tàu phương Bắc (Nga) đang trong quá trình hiện đại hóa chiếc tàu tên lửa BPS-500 duy nhất cho Hải quân Việt Nam, Tổng Giám đốc văn phòng Vladimir Spiridopulo nói với hãng tin ITAR-TASS."Thông qua Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport, chúng tôi đã nhận được một hợp đồng để sửa chữa và nâng cấp tàu tên lửa BPS-500, đó là con tàu thuộc dự án trong chương trình hợp tác kỹ thuật - quân sự những năm 1990 của chúng tôi", ông nói. Ông Spiridopulo tiết lộ, trong quá trình sửa chữa và nâng cấp, sẽ tiến hành thay thế tất cả các hệ thống vũ khí so với các tàu cùng loại, tạo ra một phiên bản hiện đại hơn. Hiện tại, tàu tên lửa BPS-500 đang được sửa chữa tại nhà máy đóng tàu Ba Son ở TP. Hồ Chí Minh. BPS-500 - chiếc tàu tuần tra mang tên lửa diệt hạm đầu tiên do Việt Nam tự đóng trong nước với sự hỗ trợ của Nga, sau một thời gian dài phục vụ, bắt đầu được sửa chữa và khôi phục toàn diện để tiếp tục hoạt động thêm nhiều năm nữa. Theo hợp đồng với Công ty cổ phần Rosoboronexport, trong năm 2013, Cục thiết kế phương Bắc của Nga đã bắt đầu công việc tham gia hỗ trợ kỹ thuật trong sửa chữa tái tạo và nâng cấp chiếc tàu tuần tra tên lửa BPS-500 duy nhất cho Hải quân Việt Nam, thông tin này đã được xác nhận trong báo cáo tài chính năm 2013 của công ty, báo Đât Việt cho biết chi tiết hơn. Dàn tên lửa hành trình chống tàu Uran-E trên tàu HQ-381 sau khi nâng cấp. Theo một vài nguồn tin không chính thức, Việt Nam đã bắt đầu sản xuất hàng loạt 10 tàu tên lửa theo dự án Molniya 12.418, với giấy phép mua của Nga. Phía Nga sẽ chịu trách nhiệm giám sát kỹ thuật thi công và cung cấp tất cả các tham vấn cần thiết. Hiện, Việt Nam là một đối tác chiến lược của Nga trong lĩnh vực quân sự - kỹ thuật, là một trong mười quốc gia hàng đầu mà Nga có sự hợp tác quy mô lớn nhất, nguồn tin này cho hay Sức mạnh của HQ-381 sau khi nâng cấp Tàu tên lửa cỡ nhỏ thuộc Dự án BPS-500 dài 62m, rộng 11m, lượng giãn nước toàn tải 520 tấn, với số thủy thủ đoàn 50 người. Tàu được trang bị động cơ diesel cho tốc độ 30 hải lý/giờ, hành trình hoạt động kéo dài 30 ngày. Tàu được trang bị hệ thống radar điện tử đa năng Pozitiv ME, có khả năng trinh sát mục tiêu trên không và trên biển, với tầm quan sát hơn 100km, có thể phát hiện mục tiêu bay có diện tích phản xạ sóng radar (RCS) 1m2 bay ở độ cao 1.000m từ khoảng cách 11km, phát hiện tên lửa diệt hạm có RCS 0,03m2 ở độ cao 15m cách xa 15km. Radar này có thể theo dõi 15 mục tiêu cùng lúc, bám sát 3-5 mục tiêu. Cùng đó, tàu còn có các hệ thống radar điều khiển hỏa lực pháo và hỏa lực tên lửa cùng hệ thống thông tin liên lạc. Theo dự án BPS-500, HQ-381 được trang bị pháo hải quân AK-176, 8 tên lửa hành trình chống tàu Uran-E - có tầm bắn 130km, 2 ụ pháo phòng không cao tốc AK-630, tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp Igla và 2 đại liên 12,7mm. Pháo phòng không cao tốc AK-630. Kh-35 Uran-E là loại tên lửa chống tàu hiện đại của Nga, trang bị trên tàu tên lửa lớp BPS-500 và các lớp tàu ngầm Molnya Project 12418, và Gepard 3.9 Project 11661. Kh-35 dài 3,75m, sải cánh 0,93m, đường kính 0,42m, trọng lượng phóng 630kg (với động cơ tăng cường). Trên thân quả đạn có 4 cánh ổn định ở giữa thân (có thể gập gọn) cùng 4 cánh lái ở đuôi. Với trọng lượng đầu đạn nặng 145kg, Kh-35 được cho là có khả năng đánh chìm tàu chiến lượng giãn nước khoảng 5.000 tấn. Pháo hạm AK-630 là pháo hạm tự động 6 nòng cỡ 30mm, AK-630 được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu bay như tên lửa đối hạm, máy bay, trực thăng và các loại phương tiện tấn công đường không khác, cũng như tàu nổi có lượng choán nước nhỏ, ngư lôi, các hỏa điểm và binh lực bờ biển của đối phương. Còn tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp Igla (Nga) là các loại tên lửa vác vai, được đặt cho biệt danh “rồng lửa mini”. Đây cũng là loại tên lửa phòng không vác vai được nhiều quốc gia khu vực “đặt trọn niềm tin”. Thanh Trà (tổng hợp) Nguồn Xã hội thông tin