Muốn tính năm âm lịch có tháng nhuận hay không, ta lấy năm dương lịch chia cho 19, nếu chia hết hoặc cho các số dư 3, 6, 9, 11, 14, 17 thì năm đó sẽ có tháng nhuận. Cô Hoàng Thanh Hà, ở Thanh Trì, Hà Nội lo lắng khi nghe hàng xóm bàn tán về thông tin năm nay không nhuận tháng 9. "Gia đình dự định sẽ tổ chức đám cưới cho con trai đầu vào khoảng giữa tháng 10 âm lịch, nếu tháng 9 không nhuận, chúng tôi khó có thể chuẩn bị mọi việc tươm tất cho đám cưới", cô Hà lo lắng. Với mong muốn sinh con vào tháng 12 âm lịch năm nay, chị Nguyễn Thúy Hòa ở Đống Đa, Hà Nội đứng ngồi không yên khi nghe mấy cô bạn hỏi nhau năm nay có tháng 9 nhuận âm lịch hay không. Hòa muốn sinh con năm Ngọ. Nếu không có thêm một tháng 9 nữa, thì con cô dự kiến chào đời năm Mùi. "Chuyện con cái là lộc trời cho, nhưng về tâm linh tôi cũng muốn được thoải mái và đã có sự tính toán trước nên muốn sinh con trong năm, chứ không muốn đến năm sau", chị Hòa nói. Tháng 9 thứ hai của năm âm lịch tương ứng với ngày 24/10 dương lịch. Tại một số địa phương như Hà Nam, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, thông tin nói là năm nay không nhuận tháng 9 đã khiến không ít người làm nghề nông nghiệp, nhất là trồng hoa Tết lo lắng. Tin đồn cũng xuất hiện trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội làm nhiều người hoang mang khi họ đã có kế hoạch trong công việc từ trước. Tuy nhiên, theo khẳng định của các nhà khoa học thì thông tin trên chỉ là đồn đoán. "Trên thực tế năm 2014 nhuận tháng 9 là hoàn toàn đúng", ông Nguyễn Đức Phường, nhà nghiên cứu về thiên văn - vũ trụ khẳng định với PV. Ông Phường cho biết, hiện có hai cách tính lịch theo dương lịch và âm lịch, trong đó dương lịch là cách tính theo chu kỳ Trái đấy quay quanh Mặt trời. Đây là loại lịch đang được thế giới chính thức sử dụng. Còn âm lịch tính theo chu kỳ Mặt trăng quay quanh Trái đất, chủ yếu được các nước phương Đông sử dụng. "Mỗi lịch có ngày và tháng nhuận khác nhau", ông Phường nói. Với dương lịch, chu kỳ Trái đất quay quanh Mặt trời là 356+ 1/4 ngày. Nhưng theo quy ước thì mỗi năm chỉ có 365 ngày, nên năm dương lịch sẽ chênh với thời gian thực là 1/4 ngày. Điều này cũng có nghĩa sau 4 năm thì dương lịch sẽ dư một ngày và sẽ có một năm nhuận một ngày. Năm nhuận này theo quy ước rơi vào tháng hai (tức là tháng có 29 ngày). Trong khi đó, một năm âm lịch có 354 ngày, và nếu so sánh với dương lịch (365 ngày) thì âm lịch ngắn hơn 11 ngày. "Như vậy cứ ba năm, âm lịch lại ngắn hơn dương lịch 33 ngày, tức là ba năm âm lịch sẽ nhuận một tháng chứ không nhuận một ngày như dương lịch", ông Phường cho biết. Năm nhuận tương ứng với tháng nhuận đã được các nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới tính toán từ trước. Theo ông Phường, muốn tính năm âm lịch đó có tháng nhuận hay không chỉ cần làm phép toán đơn giản là, lấy năm dương lịch chia cho 19 nếu chia hết hoặc ra các số dư 3, 6, 9, 11, 14, 17 thì chắc chắn đúng. "Các nhà nghiên cứu thế giới đã có cách tính lịch rất chính xác từ cách đây hàng triệu năm về trước vì vậy không bao giờ có sự nhầm lẫn", ông Phường nhận định và khuyến cáo mọi người nên sử dụng dương lịch để theo dõi mùa màng và thời tiết. Đồng quan điểm trên, ông Hoàng Trọng Hảo, làm việc ở tạp chí Toán Tuổi thơ cũng khẳng định, thông tin không có hai tháng 9 nhuận trong năm Giáp Ngọ 2014 là hoàn toàn bịa đặt. "Năm âm lịch nào nhuận và nhuận vào tháng nào đã được tính toán, không thể bỗng nhiên thay đổi", ông Hảo nói. Nguồn KhoaHoc.com.vn