Chúng ta có thể nhớ được từ ngữ của một thứ ngôn ngữ mới, nếu như âm thanh các từ này được bật trong thời gian đi ngủ. Ngoài khả năng ghi nhớ từ vựng khi học một ngoại ngữ mới, con người có thể lưu giữ ký ức và rèn luyện kỹ năng về âm nhạc trong khi ngủ, nhờ tác động từ âm thanh hay mùi đặc biệt. Nhớ từ vựng Trong thí nghiệm gần đây, các nhà khoa học yêu cầu một số tình nguyện viên, vốn sử dụng tiếng Đức, học tiếng Hà Lan và bắt đầu bằng một số từ vựng cơ bản. Âm thanh từ mới sẽ được bật trong lúc các tình nguyện viên đi ngủ, tuy nhiên họ không hề biết đến điều đó. So với những người không được nghe những âm thanh này qua đêm, nhóm được nghe từ mới trong giấc ngủ có khả năng xác định và dịch từ tốt hơn. Để chắc chắn, các chuyên gia thành lập một nhóm khác, luyện thói quen nghe từ mới trong lúc đi bộ. Kết quả gần tương tự như thí nghiệm đầu tiên. Theo các chuyên gia, khi chìm vào giấc ngủ ban đêm, hoạt động của não bộ sẽ chậm lại ở một số giai đoạn nhất định. Trong các giai đoạn chuyển động chậm này, não người sẽ chuyển ký ức ngắn hạn từ nơi lưu trữ tạm thời đến vỏ não trước trán, nơi chúng được ghi nhận lại trong thời gian dài. Khi các nhà nghiên cứu quan sát hoạt động não bộ của nhóm tình nguyện viên nói tiếng Đức, họ nhận thấy rằng những người nghe từ mới qua đêm đều có hoạt động sóng chậm ở não bộ. Với đặc điểm này, khả năng nhớ từ và dịch từ mới có thể tốt hơn. Trong các giai đoạn chuyển động chậm ở não, ký ức ngắn hạn sẽ được chuyển từ nơi lưu trữ tạm thời đến vỏ não trước trán, nơi chúng được ghi nhận lại trong thời gian dài. (Ảnh minh họa: Flickr) Lưu giữ ký ức Con người có thể quên một số lượng lớn thông tin, đặc biệt là ngày tháng và những thứ mà chúng ta cho là không quan trọng. Não bộ sử dụng một hệ thống "gắn thẻ" đặc biệt, giúp phân biệt sự khác nhau giữa trải nghiệm quan trọng và không quan trọng. Thẻ quan trọng được gửi thẳng đến bộ nhớ dài hạn, trong khi thẻ còn lại được đẩy về trạng thái quên lãng tạm thời và dễ dàng bị cuốn trôi khi có ký ức mới. Tuy nhiên, các nhà khoa học nhận thấy rằng, những người được nghe lại âm thanh có liên kết với một ký ức dù là không quan trọng, vẫn có thể giữ ký ức đó trong bộ nhớ. Trong nghiên cứu, tình nguyện viên lựa chọn biểu tượng trên màn hình máy tính và đặt chúng ở một vị trí khác nhau. Trước đó, máy tính lập trình một âm thanh riêng biệt tùy từng đối tượng. Các âm thanh tượng trưng được bật trong thời gian một giấc ngủ ngắn. Sau khi tỉnh dậy, nhóm người nghe âm thanh này có thể nhớ lại tất cả vật thể hay biểu tượng ban đầu tốt hơn so với những người khác. Hay nói cách khác, một âm thanh có thể gợi lại nhiều ký ức khác nhau. Rèn luyện khả năng âm nhạc Nghiên cứu được áp dụng với nhóm người luyện chơi một số giai điệu guitar. Trong khi ngủ, một số người được lựa chọn nghe cùng giai điệu mà họ đã học trước đó. Sau giấc ngủ, yêu cầu đối với họ là chơi lại các giai điệu này một lần nữa. Theo kết quả nghiên cứu, những người được nghe nhạc trong lúc ngủ, thậm chí không hề biết đến điều đó, đều chơi được giai điệu ban đầu một cách thông thạo hơn so với những người còn lại. Nguồn KhoaHoc.com.vn