(PCWorldVN) Kết hợp các xu hướng công nghệ mới sẽ tạo ra một sức cộng hưởng vô cùng mạnh mẽ, mang lại nhiều lợi ích to lớn mà chúng ta chưa thể mường tượng hết được. Ý tưởng kết hợp mạng xã hội, di động, phân tích dữ liệu và điện toán đám mây vào một luồng cấu trúc tích hợp đang cho thấy tính khả thi. Quan điểm tạo ra một cơ sở hạ tầng CNTT hỗ trợ và tích hợp mạng xã hội, di động, phân tích dữ liệu và điện toán đám mây (gọi tắt là SMAC - Social, Mobile, Analytics và Cloud) đang chứng minh chỗ đứng của nó, khi mà một số chuyên gia trong ngành công nghiệp và lãnh đạo ngành cho rằng thế hệ CNTT tiếp theo sẽ xoay quanh các thành phần SMAC khi các công nghệ mới xuất hiện đều hướng đến những yếu tố này. Theo công ty nghiên cứu thị trường Gartner, hiện có nhiều công ty tập trung vào một hoặc cùng lúc vài công nghệ hướng đến SMAC. Nhưng khi có một sự hội tụ nào đó thì thực sự ngành công nghiệp CNTT sẽ trở nên rất thú vị. Hiện nay chỉ mới xuất hiện rải rác các công nghệ đột phá, đạt được vài thành tựu ấn tượng có tầm ảnh hưởng đại chúng. Chúng ta có các dịch vụ đám mây với khả năng lưu trữ vô tận và năng lực tính toán vô cùng mạnh mẽ. Với di động, chúng ta có những khả năng kết nối mà trước nay không dám mơ tới từ những thiết bị rất cá nhân. Và khả năng phân tích dữ liệu cho chúng ta cái nhìn chuyên sâu vào từng lĩnh vực cụ thể mà trước đây không có được. Trong khi đó, mạng xã hội thì không cần bàn cãi tính ảnh hưởng cộng đồng của nó. Kết hợp cả 4 yếu tố này lại sẽ tạo ra một sức cộng hưởng vô cùng mạnh mẽ, rõ ràng mang lại nhiều lợi ích khác mà mỗi cá nhân người dùng chưa thể mường tượng ra được. IDC đang hình dung ra một "nền tảng thứ 3", có nghĩa là nền tảng được xây dựng trên 4 yếu tố này. Những công nghệ như trên cần được nhóm lại cùng nhau, rồi sẽ xuất hiện một nền tảng công nghệ mới cho sự phát triển và tiến bộ xã hội như một tất yếu cuộc sống. Theo ông Frank Gens, nhà phân tích ở IDC, trong thập kỷ tiếp theo, các nhà phát triển sẽ tạo hàng trăm ngàn giải pháp doanh nghiệp mới, trong đó SMAC sẽ trở thành tâm điểm của sản phẩm và giải pháp cho doanh nghiệp lẫn thị trường tiêu dùng. Lãnh đạo doanh nghiệp vào cuộc chơi Không chỉ các nhà phân tích sớm nhận ra xu hướng này mà các nhà lãnh đạo CNTT của các doanh nghiệp cũng đã nhảy vào sân chơi SMAC. CIO của SunTrust Banks khẳng định rõ ràng SMAC là thế hệ tiếp theo của ngành CNTT. Internet bùng nổ, thiết bị cầm tay thông minh hơn, dữ liệu có cấu trúc và không cấu trúc nổi lên mạnh mẽ và xu hướng xã hội hóa công nghệ khiến 4 yếu tố trên trở thành 4 cái trụ quan trọng nâng mái vòm công nghệ của ngành. Thách thức lớn nhất của doanh nghiệp sẽ là họ tận dụng những công nghệ này tốt như thế nào để làm lợi thế cạnh tranh. Mục tiêu lớn của SunTrust là mang lại cảm giác tài chính ổn định cho khách hàng, và SMAC sẽ đóng một phần quan trọng trong mục tiêu này. Ngân hàng này đã khởi động quy trình chuyển đổi kinh doanh lớn cách nay hai năm để mang CNTT gần hơn với kinh doanh. Đáng chú ý là ngân hàng này phát triển và tung ra các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng di động cho khách hàng, sử dụng khả năng phân tích dữ liệu và mạng xã hội để có được những cái nhìn sâu hơn về nhu cầu khách hàng, sau đó triển khai các dịch vụ đám mây vào kiến trúc hạ tầng, máy tính bàn và các công cụ làm việc. SunTrust xem quá trình chuyển đổi này như là chuyến hành trình 5 năm, và đến nay họ gặt hái được một số kết quả tích cực. Tốc độ chuyển đổi phụ thuộc vào vài yếu tố, trong đó có môi trường kinh doanh, áp lực cạnh tranh, cân đối tài chính và các ràng buộc về luật pháp của quốc gia sở tại. Phân tích dữ liệu vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ Công ty sản xuất và phân phối xe tải Tenneco cũng rất ủng hộ quan điểm SMAC, cho rằng các công cụ SMAC mang lại nhiều khả năng mới cho CNTT. Những công cụ này có tiềm năng khai mở nhiều giá trị vô hình vô giá đối với doanh nghiệp. Và cũng như nhiều xu hướng mới khác, luôn có một số nhận xét thái quá và CIO không nhận ra được tiềm năng bán hàng. Doanh nghiệp cần đưa SMAC vào một phần kế hoạch trong chặng đường phát triển doanh nghiệp, nhưng hãy nhìn lại những xu hướng trước đây, vì cần kết hợp những công nghệ cũ để có được bước chuyển đổi phù hợp nhất. Tenneco tiến lên nền tảng đám mây và mạng xã hội trong vài năm qua, và công ty đang lên kế hoạch mở rộng công nghệ di động trong 18 tháng tới. Đồng thời, họ cũng đang tìm cơ hội để cải thiện khả năng phân tích dữ liệu nhưng theo họ, yếu tố phân tích dữ liệu này chưa cho thấy rõ lợi ích. Tenneco chưa thấy cần thiết khi mọi công nghệ kết hợp lại trong một nền tảng duy nhất, từ một nhà cung cấp, vì sẽ có nhiều tiềm năng hơn nếu kết hợp qua lại giữa các công cụ điện toán đám mây, di động, xã hội và phân tích. Như bạn có thể liên kết các ứng dụng CRM trên nền tảng đám mây Salesforce.com của công ty với các công cụ phân tích dữ liệu khác và đưa ra dịch vụ cho người dùng thông qua một nền tảng di động khác. SMAC đã được khai thác từ lâu Một công ty khác đang triển khai SMAC là công ty y tế toàn cầu F. Hoffmann - La Roche, trụ sở chính ở Thụy Sỹ. Theo công ty, đội ngũ CNTT tại đây đã triển khai giải pháp điện toán đám mây, xã hội, di động và phân tích dữ liệu từ năm 2007. Họ nhận ra lợi thế chiến lược về kinh doanh khi kết hợp công nghệ, giúp doanh nghiệp vận hành nhanh hơn, rẻ hơn và tốt hơn. Genentech, công ty công nghệ sinh học ở Mỹ, cũng của Hoffmann - La Roche, là một trong vài doanh nghiệp đầu tiên áp dụng Google Apps, iPhone và Salesforce.com. Hiện nay, Roche có 100.000 người dùng trên Google, hơn 60.000 thiết bị di động nền iOS của Apple và khoảng 20.000 người dùng trên Salesforce. Roche cũng tận dụng mạng xã hội để chạy vài mảng kinh doanh. Cần dễ dàng hơn cho người dùng CapGemini từng giúp Roche tiến lên Google Apps. Chiến lược ứng dụng SMAC không chỉ dừng lại ở một nền tảng liền lạc, tích hợp các dịch vụ SMAC vào một điểm duy nhất cho người dùng, mà còn cần phải quan tâm đến ứng dụng di động mà nhân viên sử dụng, tăng thêm giá trị cho các chức năng kinh doanh cụ thể, và qua đó đẩy mảng kinh doanh toàn doanh nghiệp lên. Một ví dụ là ứng dụng di động Roche tạo ra tên là Peeps. Đó là một cây thư mục hiển thị dữ liệu của nhân viên như thông tin liên lạc, địa chỉ… Ứng dụng này tích hợp với Google Calendar để mang lại nhiều thông tin hơn như thời gian họp thích hợp nhất, và nó cũng tận dụng dịch vụ nhắn tin trên iPhone. Ứng dụng này còn có thể phân tích để biết nhân viên thích/không thích tính năng nào nhằm cải tiến hơn trong các phiên bản sau này. Công ty cũng có kế hoạch bổ sung các tính năng mới cho ứng dụng như mạng xã hội và định vị. Vẫn còn sớm Chắc chắn một điều là nền tảng SMAC còn ở giai đoạn sơ khai, nhiều doanh nghiệp mới chỉ triển khai một hoặc vài yếu tố riêng rẽ mà thôi. Còn việc kết hợp cả 4 yếu tố ấy lại là điều rất mới mẻ hiện nay. Trên thị trường hiện cũng có một số nhà tư vấn, tích hợp hệ thống và outsource như Deloitte, Accenture và CapGemini đưa ra các phiên bản nền tảng và dịch vụ SMAC của riêng họ cho khách hàng như là một phần của chiến lược chuyển đổi mô hình kinh doanh lên thời đại số. Nhưng có một điều chắc chắn là quan điểm về SMAC không còn là chuyện viển vông, xa vời như trước nữa mà SMAC thực hơn, gần hơn. Chúng ta đã thấy những ví dụ thực tiễn về SMAC và bạn đừng quá ngạc nhiên khi sắp tới, SMAC sẽ là cơ hội, là lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp nào biết tận dụng tốt nó. Đương nhiên, SMAC vẫn luôn cải tiến theo thời gian, và chính điều ấy khiến nhiều doanh nghiệp còn ngại ngần, chưa dám mạnh tay đầu tư. Vì thế, một số công ty đang đứng ở giữa lằn ranh này, nghĩa là bộ phận CNTT vừa tập trung duy trì hệ thống truyền thống để giúp doanh nghiệp vẫn kinh doanh tốt, vừa tách một nhóm khác để tiếp cận các công nghệ mới nhằm tạo ra kiến trúc SMAC. Có thể 5 năm tới, SMAC sẽ gần gũi hơn với các ngành công nghiệp như dịch vụ tài chính và chính phủ, sau đó mới phổ biến hơn với đời thường. Đừng vội bỏ công nghệ cũ Đương nhiên không vì SMAC mà công nghệ cũ không còn chỗ đứng. Rõ ràng chúng ta cần công nhận một điều là điện toán đám mây không phải là giải pháp lý tưởng tuyệt đối để giải quyết mọi vấn đề, và có nhiều công nghệ cũ vẫn là phương pháp tốt nhất để xử lý hay vận hành cho vài mảng trong doanh nghiệp. Các ứng dụng truyền thống vẫn quan trọng nhưng tầm quan trọng ấy dần dần sẽ nhạt đi trong thời gian tới. Khi hệ thống vận hành trở nên có tuổi thì nhiều doanh nghiệp sẽ chọn thay thế bằng các giải pháp đám mây. Thậm chí quan trọng hơn, các nhà phát triển sẽ sử dụng SMAC để tạo một thế hệ các hệ thống kinh doanh chiến lược mới, mang lại những khả năng hoàn toàn mới mà các công nghệ cũ hơn không có được. Các doanh nghiệp từng thành công với SMAC sẽ cân bằng lại nhu cầu và lợi ích của các công nghệ mới với những hệ thống cũ khi đưa ra sản phẩm, dịch vụ và khả năng tương tác để làm sao khách hàng có lợi nhất. Nhưng cần nhắc lại lần nữa là cuộc cách mạng SMAC đang tiến đến gần, và nó đang chuyển biến cách mà chúng ta tương tác và đưa ra quyết định. SMAC: cơ hội để Việt Nam phát triển trong kỷ nguyên số Chủ đề “SMAC – Nền tảng công nghệ phát triển thông minh” của Ngày Công Nghệ Thông Tin 2014 vừa tổ chức tại Hà Nội trong tháng 8 vừa qua đã thu hút được sự có mặt của nhiều nhà lãnh đạo và các chuyên gia công nghệ. Sự kiện đã nhận được mối quan tâm của đông đảo doanh nghiệp và giới CNTT. Thực chất, đây là một diễn đàn công nghệ trong lĩnh vực CNTT được phối hợp tổ chức bởi đại diện của ba giới: doanh nghiệp, nghiên cứu khoa học và quản lý nhà nước. Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng đã tham gia và khẳng định: “Các công nghệ di động, băng rộng, điện toán đám mây, dữ liệu lớn và mạng xã hội đã và đang tạo xu thế phát triển thông minh trên mọi lĩnh vực như: Y tế thông minh, giáo dục thông minh, quản trị thông minh, quốc gia thông minh. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức với mỗi quốc gia để nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo lập vị thế trong kỷ nguyên số”. Phân tích sâu hơn về “Triển vọng SMAC tại Việt Nam”, Tiến sĩ Hoàng Lê Minh, Viện trưởng Viện Công nghiệp & Nội dung số Việt Nam cho rằng: “SMAC có triển vọng rất lớn tại Việt Nam. Xu hướng này sẽ nhanh chóng lan toả sâu vào các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế. SMAC chính là cơ hội để Việt Nam đuổi kịp các nước phát triển trên thế giới trong kỷ nguyên số”. Ông Jonathan Krause - Cố vấn cấp cao của tập đoàn Gartner, một trong những doanh nghiệp đi đầu xu hướng SMAC - đã nhận định rằng kinh doanh dựa trên nền tảng kỹ thuật số hiện đang là xu hướng toàn cầu, và SMAC đã thực hiện tốt sứ mệnh tạo những điều kiện thuận lợi nhất để góp sức vào cuộc cách mạng kinh tế toàn cầu. Theo đó, khi khoảng cách giữa thế giới thực và thế giới ảo đang nhanh chóng được rút ngắn, việc ứng dụng công nghệ kĩ thuật số sẽ dần trở thành một lợi thế cạnh tranh cốt lõi giúp doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường và đẩy mạnh đà tăng trưởng. Các doanh nghiệp trong nước cũng đang lên kế hoạch đầu tư cho các dịch vụ trên nền tảng SMAC. Ước tính bước nhảy vọt về dịch vụ đám mây, di động... đã đóng góp hơn 80% phương thức giao tiếp online, video online và các nội dung số trên di động. Ứng dụng của SMAC đang dần tác động sâu hơn tới mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Tuy nhiên để đảm bảo sự phát triển thành công SMAC tại Việt Nam, tiền đề tối quan trọng là phải kết nối chặt chẽ 3 giới Doanh nghiệp, Khoa học và Nhà nước. Theo Tiến sĩ Hoàng Lê Minh: "Hạ tầng CNTT Quốc gia là yếu tố quyết định thúc đẩy hay kìm hãm tốc độ ứng dụng & phát triển CNTT trong nước, còn vai trò của Nhà nước là quy hoạch, thúc đẩy việc đầu tư, xây dựng hạ tầng này. Nếu không có sự định hướng nền tảng công nghệ từ phía Nhà nước thì doanh nghiệp, giới nghiên cứu rất khó phát triển các ứng dụng CNTT. Tương tự, Nhà nước phải đảm bảo khung chính sách, không để SMAC phát triển một cách tự phát". Thông qua báo cáo tham luận của các chuyên gia công nghệ cùng các diễn giả uy tín, có thể nhận thấy Việt Nam đang có những tiềm năng lớn trong phát triển CNTT dựa trên nền tảng SMAC. Tuy nhiên để phát huy và khai thác hiệu quả tiềm năng ấy, còn cần tới sự đầu tư và chung tay góp sức của cả các Doanh nghiệp, Nhà khoa học và Nhà nước. PC World VN, 10/2014 Nguồn PC World VN