Đặc sản Hậu Giang: Thưởng thức là mê!

Discussion in 'Trổ tài vào bếp' started by bboy_nonoyes, Oct 11, 2014.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 427)

    Hậu Giang là tỉnh vốn được tách ra từ tỉnh Cần Thơ cũ, vì thế cũng là trung tâm giao thương của các tỉnh miền Tây. Đến Hậu Giang, bạn sẽ chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp của miền Tây sông nước, nơi của những nụ cười và những con người đôn hậu, khoáng đạt. Bên cạnh việc thăm thú đây đó, đến mảnh đất này, bạn còn được thưởng thức những đặc sản ngon, lạ miệng, thậm chí là hấp dẫn đến mê người.

    Sỏi mầm

    Tên món ăn dễ làm người nghe liên tưởng đến mầm đá của Trạng Quỳnh. Tuy không phải vậy nhưng sỏi mầm - đặc sản Hậu Giang - cũng có cách thưởng thức rất khác biệt. Lần đầu tiên nhìn thấy cách bài trí món ăn hẳn ai cũng phải ngạc nhiên.

    [​IMG]

    Sỏi mầm món ăn ngon, lạ, hấp dẫn không thể bỏ qua khi tới Hậu Giang (Ảnh internet).

    Bởi thay vì nồi niêu hay bếp, thì lại có 3 hoặc 4 viên sỏi được nung thật nóng đặt trên đĩa, xung quanh bày rau sống và cải bắp thái nhỏ, rau thơm, ớt tươi, còn thịt heo rừng ướp sẵn gia vị được bày riêng.

    Người ăn gắp thịt heo rừng mỏng dính để lên hòn sỏi đang nóng rẫy cho đến khi mùi thơm tỏa lan, vàng săn là đạt. Sau đó, gắp thịt từ trên sỏi cùng rau sống và chấm nước mắm chua ngọt rồi thưởng thức.

    [​IMG]

    Với sức nóng của sỏi, những miếng thịt nhanh chóng được ươm vàng sẵn sàng chờ bạn thưởng thức (Ảnh internet).

    Cái ngon của sỏi mầm là tổng hợp từ cả vị thịt heo rừng dai thơm, ngọt, rau xanh mát, nước chấm đậm đà với sự thích thú của thực khách khi chờ đợi thịt chín trên sỏi, nghe tiếng thịt reo xèo xèo ngay trước mặt dù không có bếp. Một món ăn đặc biệt như thế này tất nhiên không nên bỏ qua khi thăm thú Hậu Giang.

    Cá thác lác

    Nổi tiếng không chỉ trong tỉnh, cá thác lác là nguyên liệu tạo nên vô vàn món ăn đặc trưng của miền sông nước Cửu Long. Cả thác lác thường lẫn thác lác cườm thịt đều ngon, dai và thơm đặc biệt.

    Cá thác lác - đặc sản Hậu Giang - có thể khứa xéo nhẹ hai bên thân rồi đem ướp muối, bột ngọt, nước sả đem chiên. Món này vừa nhanh, đơn giản mà vẫn giữ được hương vị ngon lành của cá. Ngoài ra, cá thác lác làm thành chả giò, canh chua, hấp bầu… cũng hấp dẫn không kém.

    Đặc biệt, món chả cá thác lác mới thật tuyệt vời. Thịt cá được tách ra trộn chung với thịt heo nạc theo tỉ lệ nhất định. Sau khi tẩm ướp gia vị gồm bột ngọt, muối, tiêu xay, hành lá xắt nhuyễn... cho vừa ăn thì quết từng miếng chả cho vào chảo dầu đang sôi, khi chả phồng lên, chuyển màu vàng và dậy mùi là được.

    [​IMG]

    Chả cá thác lác vừa là mồi nhậu đón đưa các ông vừa là món ăn chơi của chị em và món mặn hút cơm của cả nhà (Ảnh internet).

    Lẩu cá thác lác cũng là một tuyệt phẩm khác cần thử. Không cầu kỳ như lẩu thái, lẩu gà…, lẩu cá thác lác đơn giản và gọn ghẽ như một món canh. Chỉ cần một nồi nước dùng nấu từ xương heo, rồi thả từng miếng chả thác lác trộn gia vị, cho khổ qua (mướp đắng) bào mỏng vào là có được món ăn vừa lạ miệng, vừa đậm đà mà lại bổ.

    Rau ăn kèm có thể là mồng tơi, có thêm đọt choại nữa thì càng cuốn hút. Mùi thơm nức mũi của tiêu, cái nồng nàn của các gia vị ngấm trong chả được làm dịu dàng bởi nước dùng thanh giản, quyện thêm vị đăng đắng giòn giòn của khổ qua rất thuyết phục.

    [​IMG]

    Lẩu cá thác lác đậm đà, bổ dưỡng và lạ miệng dành cho du khách khi tới Hậu Giang (Ảnh internet).

    Nước lẩu này ăn chung với bún hoặc húp húp hít hà đều ngon. Riêng chả thác lác chấm chung với mắm nguyên chất dằm miếng ớt hiểm ăn nóng nóng, dai thơm và ngọt đến tận cùng lại càng không quên được.

    Khóm (dứa) Cầu Đúc

    Có nguồn gốc từ Thái Lan, khóm Cầu Đúc dần trở thành loại cây đặc sản của Hậu Giang. Thuộc giống Queen, khóm ở xã Hỏa Tiến, thị xã Vị Thanh này có vị ngọt thanh, ngon nổi tiếng. Vẻ ngoài của khóm cũng đẹp và bắt mắt, quả nào quả nấy to đều, cuống ngắn, lõi nhỏ, mắt lồi, hố mắt hơi sâu. Bổ ra thấy thịt khóm màu vàng đậm, ít xơ, ít nước. Đặc biệt, riêng trái khóm có thể để khoảng 10 - 15 ngày vẫn không bị hỏng.

    [​IMG]

    Khóm Cầu Đúc Hậu Giang là một đặc sản không giống khóm (dứa) nào có được (Ảnh internet).

    Khóm Cầu Đúc có thể chế biến thành nhiều món ăn đậm hương vị đồng quê như canh chua khóm cá rô đồng, thịt ba rọi xào khóm chua ngọt, hay khóm kho cá… Hiện nay, khóm Cầu Đúc còn được xuất khẩu sang nước ngoài và trở thành nguyên liệu sản xuất nhiều mặt hàng có giá trị kinh tế như nước khóm ép, khóm sấy khô không tẩm đường, kẹo, mứt, rượu, nước giải khát có ga... rất được ưa chuộng.

    Nếu đi qua Hậu Giang hãy đến thăm vùng nguyên liệu này và thưởng thức vị ngọt thơm của khóm Cầu Đúc để thấy sự khác biệt.

    Cháo lòng Cái Tắc

    Cháo lòng Cái Tắc (xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) không có thành phần khác so với nhiều nơi bán cháo lòng miền Tây nhưng vẫn cứ làm khách bị vấn vương.

    Gạo ninh nhừ, liên tục được châm thêm nước để giữ độ loảng vừa phải. Nội tạng heo như tim, gan, phèo, phổi và thịt heo đều chọn đồ tươi và sơ chế cẩn thận sau đó cho vào luôn nồi cháo, khi chín vớt ra để riêng. Vậy là cháo vừa đậm đà gia vị lại vừa có thêm cái ngọt lành, beo béo từ nội tạng heo.

    [​IMG]

    Cháo được giữ ấm trên bếp than, chờ khách đến ăn mới cho ra bát (Ảnh internet).

    Khi có yêu cầu, từng tô cháo được múc ra màu ngà ngà huyết heo, từng miếng nội tạng xắt vừa ăn cho vào phục vụ cùng rau đắng biển, rau má, bắp chuối, giá sống… Xì xụp tô cháo lòng Cái Tắc ban sớm hay lúc trời lâm thâm là “hợp lý” nhất.

    Độ nóng ấm của cháo làm rau ăn kèm mềm đi và dậy vị hơn. Trong khi đó, nội tạng heo món giòn sần sật, món dai, món bùi bùi, thơm nồng vị gạo quê sẽ nhanh xua đi cơn bão lòng và cả khí lạnh bên ngoài.

    Đọt choại

    Đây là tên một loại rau đặc biệt từ hình dáng cho đến tên gọi của riêng miền Tây. Choại - đặc sản Hậu Giang - có lá non xoăn tít nhìn lạ mắt. Không ghi dấu bằng sự đậm đà như cải mèo miền Bắc hay tác dụng chữa bệnh như nhiều loại rau khác, choại vẫn hấp dẫn bởi vị ngọt ngọt, nhơn nhớt của mình.

    [​IMG]

    Món đọt choại xào thịt bò, vừa thơm ngon lạ miệng, lại vừa dinh dưỡng.

    Đọt choại xanh non mỡ màng vừa hái cứ thế rửa sạch để ăn sống hoặc luộc là đơn giản và phổ biến nhất. Từng ngọn giòn ngon chấm trong nước mắm pha tỏi ớt hay nước tương hoặc nước thịt kho… đều ngon. Hoặc người ta cũng dùng đọt choại làm rau ăn kèm lẩu hoặc đọt choại xào với thịt bò, tôm.

    Vị thanh giản và mộc mạc của thứ rau dại vì thế đã đi vào ca dao:

    “Rủ nhau lên đất bảy làng.
    Hái rau choại chột, nhổ bàng về đương.
    Choại chột thì chấm nước tương.
    Bàng thì đương nóp người thương tôi nằm”.


    Bưởi Năm Roi Phú Hữu

    Cũng là bưởi Năm Roi nhưng bưởi trên đất Hậu Giang có trái tập trung ở thân cây. Giống bưởi có hình dạng đẹp mắt, trái to, núm nhô cao, da sần màu hơi vàng, cuống trái lớn khác với bưởi Năm Roi dây trái nhỏ hơn, núm gom nhọn, da bóng màu xanh, cuống trái nhỏ.

    [​IMG]

    Bưởi năm roi Phú Hữu cho chất lượng cao và là món quà ý nghĩa cho mọi người (Ảnh internet).

    Múi bưởi khi chín rất đầy đặn, không hạt, màu vàng mỡ gà, tép bưởi ráo rẻ, vị ngọt thoảng chua thanh, không đắng, the hơi khác so với bưởi Năm Roi dây thịt trái màu vàng nhạt, vị ngọt dịu.

    Bưởi Năm Roi là món quà ý nghĩa và được mọi người từ trẻ nhỏ đến cụ già đều yêu thích vì bổ dưỡng lại rất dễ ăn.

    Tạ Ban

    Đặc sản vùng miền tại Bếp Eva:


    [​IMG]

    Đặc sản Hải Dương

    [​IMG]

    Ẩm thực Sapa

    [​IMG]

    Món ngon Nha Trang


    Xem thêm chủ đề: dac san hau giang, am thuc hau giang, mon ngon hau giang, den hau giang an mon gi ngon, dia diem an uong, dia chi quan ngon, mon an du lich, dia chi an uong, nau an, mon ngon, quan ngon, mon an ngon, am thuc, am thuc viet nam, mon ngon moi ngay, bep eva, bao phu nu, the gioi phu nu, bao gia dinh, gia dinh, eva

    [​IMG]
    Nguồn EVA.VN
     
  2. Facebook comment - Đặc sản Hậu Giang: Thưởng thức là mê!

Share This Page