(XHTT) Trong khi cộng đồng mạng ngày càng bất an về nỗi lo bị hack, số hacker đến từ Trung Quốc ngày càng đông. Đây cũng là sự vụ VT-CNTT nổi bật nhất tuần qua. 1- 43% vụ tấn công mạng là từ Trung Quốc Công ty công nghệ Akamai tại Massachusetts (Mỹ) vừa công bố một nghiên cứu cho thấy, 43% các vụ tấn công trên mạng và phát tán virus trong thời gian gần đây đều đến từ Trung Quốc. Theo đó, công ty này đã sử dụng một hệ thống gồm 200 chiếc máy tính để giám sát các vụ tấn công trên mạng toàn cầu. Những phát hiện này đã được ghi lại trong một báo cáo mang tên “Các quốc gia hacking”. Bản đồ tấn công mạng từ các nước của công ty công nghệ Akamai. Đứng ở vị trí thứ hai về các vụ tấn công mạng là Indonesia với 15%, đứng thứ 3 là Mỹ với 13%. Sau đó là Đài Loan 3,7%, Ấn Độ 2,1%, Nga 2%, Brazil 1,7%, Hàn Quốc 1,4%, Romania và Thổ Nhĩ Kỳ cùng 1,2%. Theo các chuyên gia của Akamai, người dùng Internet toàn cầu có thể an toàn nếu thường xuyên cập nhật các phần mềm diệt virus mới. 2- Thêm nhiều giải thưởng hấp dẫn cho Nhân tài Đất Việt 2014 Theo ông ông Nguyễn Long, Phó tổng thư ký Hội tin học Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng sơ khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt, năm nay, Giải thưởng này đã bước sang năm thứ 10 và các tác giả, nhóm tác giả có những sản phẩm, giải pháp mới ở dạng tiềm năng hay đã ứng dụng thực tế đều có thể tham gia giải thưởng. Ông Bùi Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Quan hệ công chúng, đại diện cho Tập đoàn VNPT – đơn vị đồng tổ chức và là nhà tài trợ chính cho Giải thưởng này suốt 10 năm qua phát biểu tại buổi giao lưu và phát động Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2014 tại TP.HCM. Trong suốt 9 năm tổ chức (từ năm 2005), Giải thưởng Nhân tài Đất Việt đã thu hút 5.000 tài năng Việt tham gia, với 2.000 sản phẩm hoàn thiện có tính ứng dụng cao, trong đó có 81 tác giả và nhóm tác giả đã được tôn vinh trong các đêm chung kết trao giải, được truyền hình trực tiếp trên VTV vào ngày 20/11 hằng năm. Năm nay, nhằm khích lệ các thí sinh đoạt giải Nhân tài Đất Việt, ngoài các phần thưởng dành cho giải nhất, nhì, ba…đã được công bố công khai, các thí sinh còn được nhận rất nhiều ưu đãi và hỗ trợ từ phía ban tổ chức và nhà tài trợ chính là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), nhất là các thí sinh thuộc diện học sinh, sinh viên có sản phẩm lọt vào chung khảo. Đặc biệt, trong năm thứ 10 này, ban tổ chức sẽ triển lãm các sản phẩm đã tham gia Giải thưởng Nhân tài Đất Việt trong 9 năm qua. Theo đó, những tác giả có sản phẩm tham gia giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm nay có thể tham gia trưng bày triển lãm miễn phí trong ngày trao giải Nhân tài Đất Việt vào ngày 20/11. Giải thưởng Nhân tài Đất Việt do Hội Khuyến học Việt Nam khởi xướng từ năm 2005, các đơn vị đồng tổ chức là: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và Báo Dân trí. Theo dự kiến, công tác chấm giải sẽ diễn ra từ ngày 1/10-19/11. Lễ trao Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2014 sẽ được tổ chức tại Hà Nội và truyền hình trực tiếp trên VTV vào ngày 20/11. Các thông tin về giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2014 sẽ được đăng tải trên website chính thức của giải thưởng tại địa chỉ: http://nhantaidatviet.vnpt.vn. 3- Tiếp tục hành trình “Đưa Internet về làng” Ngày 29/9, Quỹ Cộng đồng Internet Việt Nam (VNIF) thuộc Công ty Cổ phần VNG tiếp tục hành trình “Đưa Internet về làng” bằng việc trao 40 dàn máy tính có tổng giá trị gần 400 triệu đồng về huyện Mộc Hóa, Long An. Trong đó, 17 dàn vi tính được trao cho trường Tiểu học Tân Thành, 10 dàn máy cho UBND huyện Mộc Hóa và 13 dàn máy cho Bộ đội biên phòng tỉnh Long An. Mộc Hóa là một huyện thuộc khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An, giáp biên giới Campuchia, có nhiều xã thuộc vùng sâu, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. 4- Từ 6/10, xe bus Hà Nội sẽ sử dụng vé điện tử thông minh Sáng ngày 2/10, tại cuộc họp báo về việc áp dụng thử nghiệm vé tháng điện tử xe buýt thông minh trên địa bàn thủ đô, ông Murashima Eiichi - đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), phụ trách Dự án cải thiện giao thông công cộng tại Hà Nội (TRAHUD2) nói, Việt Nam chưa có một đơn vị nào sản xuất được vé tháng điện tử xe buýt thông minh. Hiện, phía Nhật Bản đang chuyển giao công nghệ làm loại thẻ vé này để sang năm 2015, Việt Nam có thể chủ động sản xuất. Ông Murashima Eiichi khẳng định, vé tháng điện tử xe buýt thông minh là một loại thẻ có gắn chíp điện tử, nhằm mục đích làm tăng hiệu quả hoạt động của xe buýt và sự tiện lợi cho hành khách, giảm bớt nhân lực bán vé thủ công như hiện nay. Đây cũng là một biện pháp tránh sử dụng tiền mặt. Kể từ ngày 6/10 tới, vé tháng điện tử xe buýt thông minh sẽ chính thức được áp dụng thí điểm trên tuyến xe buýt 06 (Giáp Bát-Cầu Giẽ). Và để triển khai thí điểm vé tháng điện tử xe buýt thông minh, 200.000 thẻ xe buýt điện tử (CICC) sẽ được phát hành miễn phí cho người sử dụng. Thông qua việc áp dụng thí điểm này, UBND TP. Hà Nội kỳ vọng sẽ cải thiện khả năng kết nối và độ tin cậy của các hệ thống giao thông công cộng. 5- Các mạng tăng cường chống tin nhắn rác Trước tình trạng thuê bao điện thoại di động nhận nhiều tin nhắn rác mỗi ngày, đặc biệt là các tin rao bán bất động sản, nhà mạng VinaPhone cho biết, sẽ tiến hành xử lý khóa đầu số, khóa số thuê bao thậm chí cắt hợp đồng với các cá nhân/đối tác vi phạm. VinaPhone cho biết, tin nhắn quảng cáo qua SIM rác là hiện tượng không mới. Hiện, VinaPhone cũng đã triển khai nhiều biện pháp nhằm khắc phục như: Theo dõi và xử lý qua hệ thống theo dõi kiểm soát tin nhắn rác; theo dõi qua bộ phận kiểm tra độc lập của VinaPhone; thu thập thông qua hệ thống chăm sóc khách hàng của VinaPhone. Khi phát hiện các hiện tượng tin nhắn rác, VinaPhone sẽ tiến hành xử lý quyết liệt. Tính đến nay VinaPhone đã khóa gần 440.000 sim gửi tin nhắn rác. Còn theo MobiFone, nhà mạng cũng đã triển khai các biện pháp để chặn tin nhắn rác như: Chặn hoàn toàn tin nhắn rác được gửi từ các tổng đài nhắn tin nước ngoài; lọc, theo dõi và chặn tin nhắn rác, tin nhắn có nội dung phản cảm từ các số thuê bao, khóa các thuê bao phát tán tin nhắn rác. MobiFone cũng tăng cường kiểm tra việc thực hiện nhắn tin của các CP (đối tác cung cấp dịch vụ nội dung) và xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm. 6- Ngày 2/10 cáp quang biển AAG đã khôi phục hoàn toàn, dù có thêm 1 điểm đứt mới Trong quá trình khắc phục sự cố, đơn vị điều hành tuyến cáp quang biển quốc tế AAG cho biết, đã phát hiện thêm một điểm đứt mới, cách trạm cập bờ Hồng Kông 68 km. Do vị trí 2 điểm đứt gần nhau, nên công tác sửa chữa đang được gấp rút tiến hành để có thể khôi phục tuyến cáp quang biển AAG sớm nhất. Việc kiểm tra, khắc phục sự cố cáp quang biển rất khó khăn, vất vả. Như đã đưa tin, vào lúc 23 giờ 26 phút ngày 15/9, tuyến tuyến cáp quang biển quốc tế AAG xảy ra sự cố bị lỗi cáp trên đoạn cáp S1I, cách trạm cập bờ Hong Kong 64.1 km. Ngay sau đó, VNPT đã khẩn trương làm việc với nhà quản trị hệ thống AAG để sớm có phương án sửa chữa, khắc phục sự cố. Tại điểm sự cố này, đến 21 giờ ngày 29/9, mối nối cuối cùng đã được hoàn tất. Do vị trí điểm đứt mới nằm gần điểm đứt trước đó (cách trạm cập bờ Hồng Kông 68 km), nên công tác sửa chữa cũng đã được gấp rút tiến hành vào ngày 1/10. Kể từ 2/10, tốc độ Internet tại Việt Nam đi quốc tế đã ổn định trở lại sau khi tuyến cáp quang biển AAG được sửa chữa. 7- Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về nguy cơ bị hacker tấn công Đây là thông tin được Boonsan Gan, Tổng Giám đốc khối Chính phủ của Microsoft Châu Á – Thái Bình Dương thông báo với Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Phùng Tấn Viết tại buổi làm việc về việc Microsoft sẽ hỗ trợ Đà Nẵng triển khai các giải pháp CitiNext (Thành phố tương lai) vào chiều 29/9. Ông Phùng Tấn Viết cho biết, trong quá trình triển khai, vận hành chính quyền điện tử, Đà Nẵng đang gặp một số khó khăn mà Microsoft có thể giúp tháo gỡ. Trong đó, ông mong muốn Microsoft hỗ trợ Đà Nẵng trong vấn đề bản quyền hóa các sản phẩm phần mềm trong các cơ quan nhà nước, đặc biệt là hệ điều hành cho các thiết bị đầu cuối; và tiếp tục hỗ trợ trong một số ứng dụng sử dụng nền tảng của Microsoft. Theo Boonsan Gan, khi nói đến vấn đề bản quyền hóa thì điều ông suy nghĩ trước tiên không phải là tiến hành việc đó như thế nào mà là làm sao để Đà Nẵng có hệ thống bảo mật đảm bảo tốt nhất. Khi sử dụng các phần mềm có bản quyền thì khả năng bị tấn công sẽ được hạn chế đến mức thấp nhất. Đây là bước đảm bảo cho hệ thống được an toàn, bảo mật nhất. “Điều Microsoft quan tâm nhất đối với hệ thống phần mềm là bảo vệ khách hàng khỏi bị tấn công trong quá trình sử dụng. Tại Trung tâm bảo mật của Microsoft có chương trình kiểm tra tất cả các điểm sử dụng hệ thống của Microsoft trên toàn thế giới nhằm phát hiện ở đâu có những điểm yếu về bảo mật, ở đâu đang bị tấn công. Hồi tháng 4/2014 tôi có dịp đến tham quan Trung tâm và nhận thấy, Trung Quốc đứng hàng đầu danh sách này, và rất tiếc là Việt Nam đang đứng hàng thứ ba!” - Boonsan Gan nói. Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng ghi nhận những thông tin do ông Boonsan Gan và hy vọng Microsoft sẽ tiếp tục hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn, đặc biệt là các sở, ban, ngành đã vào làm việc tập trung tại Trung tâm Hành chính Thành phố trong lĩnh vực bảo mật cho hệ thống điều hành. 8- Hàn Quốc tham gia triển khai chính quyền điện tử tại Đà Nẵng Sáng 30/9, Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, Văn phòng Kế hoạch và Hợp tác TP.Deagu, Cơ quan Xúc tiến công nghiệp CNTT quốc gia Hàn Quốc (NIPA) đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai các hệ thống thông tin chính quyền điện tử tại Đà Nẵng. Các bên cùng ký vào biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai các hệ thống thông tin chính quyền điện tử tại Đà Nẵng. Nội dung hoạt động hợp tác giữa các bên gồm: Hợp tác trong lĩnh vực chính quyền điện tử; Tạo điều kiện, cung cấp các dự án, nghiên cứu chung; Trao đổi chuyên gia, các đoàn học tập; Khuyến khích tạo liên kết với các tổ chức chính phủ khác, các tổ chức đào tạo, công nghiệp và chuyên ngành để thúc đẩy phát triển trong các lĩnh vực quan tâm và hợp tác; Hợp tác phát triển nguồn nhân lực, bao gồm các chương trình giáo dục và đào tạo cùng bất kỳ hình thức hợp tác nào khác do một trong hai bên đề xuất, thảo luận và đi đến quyết định chung. Cũng theo thỏa thuận hợp tác tại Biên bản ghi nhớ này, NIPA sẽ thành lập và cử các đội công tác để thực hiện các nghiên cứu khả thi cho thành phố Đà Nẵng. Văn phòng Kế hoạch và Hợp tác thành phố Deagu cũng sẽ có kế hoạch hỗ trợ đội công tác. Chi phí cho công tác nghiên cứu khả thi do mỗi bên tự chi trả. TP. Đà Nẵng sẽ hỗ trợ phương tiện di chuyển tại địa phương và nơi làm việc cho đội công tác; cũng như hỗ trợ đội công tác thông qua trao đổi, trả lời phỏng vấn, trả lời khảo sát hoặc cung cấp thông tin theo yêu cầu bằng các hình thức khác. Đặc biệt, Cơ quan Kế hoạch và Hợp tác thành phố Deagu cùng NIPA Daegu sẽ xúc tiến hỗ trợ dự án “Triển khai các ki-ốt (kiosque) cung cấp dịch vụ phát hành tự động các loại biểu mẫu giấy tờ” cho người dân (kể cả du khách có nhu cầu) tại địa bàn Đà Nẵng. Đây là một phần của kế hoạch chuẩn hóa các dịch vụ CNTT và khai thác hiệu năng của chính quyền điện tử đã được Chính phủ Hàn Quốc và Chính phủ Việt Nam thống nhất hợp tác triển khai. TP. Đà Nẵng được ghi nhận sẽ là điểm bắt đầu của dự án hợp tác đẩy mạnh ứng dụng CNTT và truyền thông vào cải cách hành chính này tại Việt Nam, do chính các cơ quan hữu trách của Deagu, NIPA phối hợp với ngành hữu quan Đà Nẵng để cùng thực hiện. 9- Lộ chân tướng “cú lừa lớn” VietPay Hàng nghìn người kinh doanh SIM đa năng VietPay đang “đứng ngồi không yên” và có nguy cơ mất hàng tỉ đồng do VietPay đã âm thầm dừng hoạt động. Cụ thể, vào năm 2011, trên thị trường viễn thông Việt Nam xuất hiện một loại SIM đa năng có tên là VietPay do Công ty CP Thanh toán điện tử Việt (VietPay) cung cấp. Sản phẩm này là sự hợp tác giữa VietPay với mạng MobiFone và một số ngân hàng. Người sử dụng SIM đa năng VietPay có thể nạp tiền vào SIM (của mình) qua việc chuyển khoản ngân hàng, từ ATM, hay nộp trực tiếp… và thao tác trên điện thoại của mình để “chuyển tiền” (nạp) cho khách hàng ở 7 mạng di động khác nhau, hoặc nạp tiền cho người chơi game và được hưởng chiết khấu theo các mức khác nhau. Được quảng cáo có thể mang lại lợi nhuận cao, thuận tiện kinh doanh và đã tồn tại được một thời gian, làm cho hàng nghìn đại lý, điểm bán thẻ điện thoại (các mạng), kể cả những người kinh doanh đơn lẻ đã đổ xô vào kinh doanh SIM đa năng VietPay. Tuy nhiên, tháng 3, 4-2014 Vietpay đã “âm thầm” dừng hoạt động - cả trang web VietPay.vn và các bộ phận khác, khiến nhiều người đứng ngồi không yên. Sự vụ hiện vẫn đang trong vòng điều tra, xem xét của các cơ quan chức năng. 10- VNPT hợp tác với Bộ Nội vụ xây dựng Chính phủ điện tử Đó là một trong những nội dung đề xuất của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng tại Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác về VT-CNTT giai đoạn 2014-2020 giữa Bộ Nội vụ và Tập đoàn VNPT diễn ra sáng 3/10/2014 tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng (bên trái) và Chủ tịch HĐTV VNPT Phạm Long Trận cùng ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa hai bên. Chương trình hợp tác giữa Bộ Nội vụ và Tập đoàn VNPT sẽ được triển khai trên 3 lĩnh vực: Xây dựng hạ tầng VT-CNTT và Truyền thông đáp ứng nhu cầu triển khai xây dựng Bộ Nội vụ điện tử trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử; Ứng dụng CNTT phục vụ công tác quản lý điều hành của Bộ Nội vụ; Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực VT-CNTT và Truyền thông. Tham dự và phát biểu tại Lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Minh Hồng cho biết, VNPT và các đơn vị tham gia triển khai các ứng dụng CNTT của Bộ Nội Vụ cần lưu ý về công tác đảm bảo an toàn thông tin vì hoạt động của Bộ Nội vụ có tính đặc thù nên có nhiều thông tin đòi hỏi tính bảo mật cao. Thứ trưởng cũng hy vọng, với sự hợp tác, hỗ trợ của VNPT, Bộ Nội vụ sẽ tiến tới hoàn thành mục tiêu xây dựng Bộ Nội vụ điện tử trước năm 2020. Thanh trà (tổng hợp) Nguồn Xã hội thông tin