Đôi mắt không nhìn thấy nhưng đôi tay của Thắng vẫn thoăn thoắt lướt nhẹ trên từng phím đàn. Những âm thanh trầm bổng, du dương phát ra từ một lớp học đàn đặc biệt. Lớp học ấy nằm sâu trong con hẻm thuộc đường Nguyễn Thị Nê (xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP HCM), với cả thầy và trò đều là người khiếm thị. Anh Lê Văn Đến, chủ nhân ngôi nhà cũng là thầy dạy đàn đã ngoài 40 tuổi. Đôi mắt không nhìn thấy gì sau trận ốm từ nhỏ nhưng anh Đến có thể chơi được nhiều nhạc cụ như organ, guitar, trống… Từ khả năng của mình, anh mở lớp học truyền nghề lại cho những người khiếm thị hơn 10 năm nay. “Cũng là người khiếm thị, tôi hiểu được khó khăn mà họ gặp phải, ai cũng muốn có một cái nghề để chứng tỏ mình không sống phụ thuộc”, anh Đến nói. Thầy Đến đã đào tạo hơn 40 người khiếm thị thành nghề. Ảnh: Duy Trần. Hơn 10 năm qua, anh Đến đã đào tạo thành nghề cho hơn 40 người. Anh Lâm Thành Ẩn, học trò của anh Đến, cho biết hiện tại anh cùng một số người khiếm thị lập đội đi đàn hát cho các buổi đám cưới, sinh nhật... Thu nhập mỗi tháng anh kiếm được từ việc này khoảng 3 triệu đồng. “Nhờ thầy Đến mà những người khiếm thị có thể kiếm được tiền bằng chính sức lao động của mình, tuy không nhiều nhưng chính đáng”, anh Ẩn cười nói. Ngôi nhà 100 m2 hiện nay của anh Đến cũng là nơi ăn, chốn ở cho gần 30 người khuyết tật, trẻ em mồ côi, người có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2010, ngôi nhà được đổi tên thành mái ấm Mây Bốn Phương. Đôi mắt không nhìn thấy nhưng đôi tay của Hồ Nguyên Thắng, 15 tuổi (quê Sóc Trăng) vẫn thoăn thoắt lướt nhẹ trên từng phím đàn. Thắng cho biết, mê đàn từ nhỏ và muốn học thành nghề nên ba mẹ mang em lên đây. Lúc đầu, do chưa nhận biết được phím, anh Đến phải nắm tay chỉ từng bước một. “Mỗi phím có một thanh âm khác nhau, người khiếm thị không nhìn thấy nhưng cảm nhận âm thanh tốt. Luyện tập nhiều, họ sẽ nhuần nhuyễn”, anh Đến chia sẻ. “Em sẽ cố gắng học tốt để có cái nghề, có thể kiếm tiền phụ ba mẹ và phụ thầy nuôi dạy nhiều em còn khó khăn trong mái ấm”, Thắng quả quyết. Thầy Đến cầm tay hướng dẫn cho người học biết cách nhận biết từng phím đàn. Ảnh: Duy Trần Chị Lê Thị Loan, vợ anh Đến cũng là người khiếm thị. Việc chăm sóc, nội trợ cho gần 30 người trong nhà được một tay chị Loan quán xuyến. Khuyết tật đôi mắt nhưng đôi tay chị vẫn thoăn thoắt nấu nướng, chăm sóc từng người một. Trong nhà, chị Loan được các em gọi bằng mẹ. “Mình chăm các em như chăm chính con của mình. Cũng mong sau này các em có nghề nghiệp ổn định sẽ chăm sóc những người khiếm thị khác nữa”, chị Loan chia sẻ. Để có kinh phí nuôi dạy gần 30 người trong mái ấm, vợ chồng anh Đến sắm dàn âm thanh chuyên phục vụ đám, lễ. Anh và các học trò của mình là người chơi nhạc mang tiền về nuôi các bé còn nhỏ. “Nhiều lúc không có chương trình gì, hết tiền thì bà con lối xóm qua ủng hộ gạo, mắm này nọ. Với người khiếm thị, cùng chung sống, có một công việc để làm là một niềm vui”, anh Đến cười tươi. Ông Đỗ Thành Danh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Phú Hòa Đông, cho biết tuy là người khuyết tật nhưng anh Đến không những tự lao động nuôi sống bản thân mà còn chăm lo cho những người đồng cảnh ngộ. "Ngay những người bình thường còn không làm được như thế nên hành động của gia đình anh Đến thật cao quý", ông Danh nói. Video: Lớp học đàn đặc biệt của người khiếm thị Duy Trần Nguồn VNExpress