10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Vụ Facebook thu phí chỉ là trò “cá tháng 4”

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by Robot Siêu Nhân, Sep 29, 2014.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 391)

    (XHTT) Trong tuần qua, có một trò “cá tháng 4” là thông tin mạng Facebook sẽ thu phí. Tin này làm “rúng động” cộng đồng FB và được coi là sự vụ VT-CNTT nổi bật nhất tuần.


    1- Vụ Facebook thu phí chỉ là trò “cá tháng 4”

    Chiều 25/9, Công ty T&A Ogilvy - Đại diện truyền thông của Facebook tại Việt Nam đã bác bỏ thông tin Facebook sẽ thu phí, thông tin này đã khiến cộng đồng người sử dụng mạng xã hội này xôn xao suốt mấy ngày qua.

    [​IMG]

    Rất nhiều người dùng Facebook đã tỏ ra vô cùng bực bội vì thông tin sẽ thu phí này.

    “Facebook không có bình luận gì về việc này, bởi thông tin được đưa ra từ National Report, một trang web chuyên đưa tin dạng châm biếm và không chính thống. Vì vậy, thông tin này là không có thực” – Vị đại diện truyền thông của Facebook khẳng định.

    Trước đó, National Report đã cho đăng một bài viết với nội dung từ ngày 1/11, Facebook bắt đầu thu phí mỗi thành viên 2,99 USD/tháng. Ngay lập tức, thông tin này được báo giới cả trong và ngoài nước, nhất là báo mạng và các trang mạng đăng tải, khiến dư luận bàn tán xôn xao.

    2- Nhà mạng hưởng tối đa 70% cước dịch vụ nội dung

    Tỷ lệ phân chia doanh thu giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin (CSP) với doanh nghiệp viễn thông di động (MO) là một trong những chủ đề “nóng” nhất tại cuộc họp bàn về dự thảo Thông tư quy định về kết nối CSP với MO diễn ra chiều 22/9 tại trụ sở Bộ TT-TT, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Lê Nam Thắng và sự góp mặt của khoảng 10 CSP lớn.

    Theo dự thảo Thông tư quy định về kết nối giữa CSP với MO, tỷ lệ phân chia giá cước dịch vụ nội dung thông tin cao nhất mà MO được hưởng không quá 70%.

    Cụ thể, trường hợp giá cước dịch vụ nội dung thông tin tính trên một đơn vị bản tin nhắn sẽ phân ra 3 mức phân chia tỷ lệ như sau: Đối với dịch vụ có mức giá cước từ 1.000 đồng trở xuống, MO được hưởng tối đa không quá 70% giá cước thu được từ khách hàng. Đối với dịch vụ có mức giá cước trên 1.000 đồng đến 10.000 đồng, MO được hưởng tối đa không quá 50%. Đối với dịch vụ có mức giá cước trên 10.000 đồng, MO được hưởng tối đa không quá 30%. Còn trường hợp giá cước dịch vụ nội dung thông tin tính trong một khoảng thời gian nhất định như ngày/tuần/tháng…, thì MO được hưởng tối đa không quá 40%.

    3- VNPT khai trương Văn phòng đại diện tại Myanmar

    Tối 23/9, Tập đoàn VNPT đã tổ chức khai trương Văn phòng đại điện của Công ty VNPT-I tại thành phố Yangon, Myanmar. Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son và Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Myanmar Phạm Thanh Dũng đã tới dự và cắt băng khai trương.

    [​IMG]

    Cắt băng khai trương VPĐD của VNPT/VNPT-I tại Myanmar.

    Việc thành lập VPĐD của VNPT/VNPT-I tại Myanmar đánh dấu một bước phát triển mới trong quá trình hợp tác giữa VNPT và các đối tác tại quốc gia này. Nó cũng khẳng định sự hợp tác sâu rộng giữa VNPT và các đối tác của mình. Qua đó, văn phòng đại diện của VNPT/VNPT-I tại Myanmar sẽ là cầu nối giữa VNPT/VNPT-I và các đối tác Myanmar, giúp VNPT đến gần hơn nữa với khách hàng và đối tác.

    Để văn phòng đại diện của VNPT tại Myanmar hoạt động hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển chung trong lĩnh vực VT-CNTT của Myanmar và Việt Nam, phát biểu tại lễ khai trương, Chủ tịch HĐTV Phạm Long Trận bày tỏ mong muốn Tập đoàn VNPT sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm hợp tác của các đối tác Myanmar, sự hỗ trợ của Bộ Truyền thông và CNTT và Bộ Thông tin Myanmar và các cơ quan hữu quan ở đây.

    Ngay tại buổi lễ khai trương, đã diễn ra lễ ký kết một số biên bản ghi nhớ giữa các đơn vị của VNPT với các doanh nghiệp VT-CNTT của Myanmar là A1 Construction Co.,Ltd, Terabit Wave, Elite Telecom Public Company Limited, và Fortune International.

    Theo Biên bản ghi nhớ với đối tác A1 Construction Co.,Ltd, VNPT-I và A1 sẽ hợp tác triển khai và cung cấp: Các sản phẩm công nghiệp viễn thông, Phần mềm và Các giải pháp CNTT. Trước khi ký Biên bản ghi nhớ này, VNPT-I và A1 cũng đã và đang hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Hiện, VNPT-I đang cung cấp cáp quang cho A1 va phối hợp với A1 cung cấp băng tần vệ tinh VINASAT cho thị trường Myanmar.

    Tiếp đó, Trung tâm Thông tin Vệ tinh VINASAT cũng đã ký Biên bản ghi nhớ với Terabit Wave, Công ty con của A1 Contruction Co., Ltd. Hiện VINASAT và Terabit Wave đang phối hợp cung cấp băng tần VINASAT cho dịch vụ VSAT cho Bộ Quốc phòng Myanmar. Theo Biên bản ghi nhớ vừa được ký kết, hai bên sẽ tiếp tục phối hợp để mở rộng băng tần VINASAT cho dịch vụ VSAT cho Bộ Quốc phòng Myanmar, đồng thời xây dựng và phát triển mạng VSAT của TerabitWave tại Myanmar.

    Theo nội dung ký kết giữa VNPT-I và Elite Telecom Public Company Limited (Công ty trực thuộc Elite Tech và Meridian Capital Asia Limited), ba bên sẽ phối hợp tiến hành khảo sát thị trường và lên phương án thành lập liên doanh, xin giấy phép kinh doanh dịch vụ Internet tại Myanmar.

    Công ty KASATI, một doanh nghiệp thuộc VNPT cũng đã ký Biên bản ghi nhớ với Fortune International trong việc hợp tác cung cấp các sản phẩm, thiết bị viễn thông và các dịch vụ vụ hỗ trợ kỹ thuật viễn thông; Xây dựng hạ tầng viễn thông.

    4- Myanmar hợp tác 12 lĩnh vực mảng VT-CNTT với Việt Nam

    Sáng 22/9 tại thủ đô Nay Pyi Taw, Tổng thống Myanmar Thein Sein đã có buổi tiếp Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son cùng đoàn công tác nhân dịp đoàn tới thăm và làm việc tại Myanmar.

    [​IMG]

    Tổng thống Myanmar Thein Sein tiếp Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son.

    Tổng thống Thein Sein cũng khẳng định Myanmar hoàn toàn ủng hộ doanh nghiệp 2 nước trong mọi lĩnh vực, nhất là VT-CNTT để tăng cường hợp tác và phát triển. Tổng thống nhấn mạnh, năm 2010 hai nước Việt Nam - Myanmar đã kỷ thỏa thuận hợp tác trên 12 lĩnh vực, trong đó có công nghệ thông tin, viễn thông.

    Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son bày tỏ mong muốn chính phủ Myanmar sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các doanh nghiệp viễn thông và CNTT Việt Nam được có giấy phép cho các dự án đầu tư vào Myanmar, cùng với các doanh nghiệp Myanmar tạo ra thị trường viễn thông và CNTT năng động tại Myanmar.

    Trước đó, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son cùng đoàn công tác đã có buổi trao đổi với Bộ Truyền thông và CNTT và Bộ Thông tin Myanmar về một số thông tin liên quan đến các lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, phát thanh truyền hình mà hai nước cùng quan tâm.

    Hiện, Bộ Thông tin Myanmar đang trình lên Quốc hội Luật Thông tin của nước này. Theo dự thảo Luật, Myanmar sẽ dành 30% tỉ trọng đầu tư cho các doanh nghiệp nước ngoài về thông tin. Do vậy, chắc chắn đây sẽ là cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt Nam có thể hợp tác và đầu tư tại Myanmar.

    5- Bán hàng qua mạng: Khốc liệt và... “bát nháo”

    Chỉ cần có hàng, có một website và tài khoản trên mạng xã hội, các forum rao vặt... là có thể “tung hoành” bán hàng qua mạng. Chính điều đó đã làm cho thị trường bán hàng qua mạng đang cạnh tranh vô cùng khốc liệt và có cả sự “bát nháo”, khó quản lý.

    Trước đây, chỉ những doanh nghiệp có website bán hàng mới có thể kinh doanh trên lĩnh vực này, vì giá thiết kế web bán hàng khá cao. Thế nhưng, với sự phát triển của mạng xã hội facebook và các bộ máy tìm kiếm như google, yahoo, bing,.. giờ đây bán hàng qua mạng không còn là “miếng bánh” dành riêng cho doanh nghiệp mà cho tất cả mọi người. Chính vì sự tiện lợi ấy mà những cửa hàng, siêu thị trực tuyến đã được mở ra và phát triển với tốc độ chóng mặt. Những cái tên Lazada, Sendo, Beyeu, Lamdieu Cdiscount, Lamido, Tiki hay Thegioididong đã khuấy động thị trường bán lẻ trực tuyến. Có doanh nghiệp tiết lộ, chỉ 6 tháng đầu năm nay, doanh thu bán hàng online của họ đã đạt tới 1.000 tỷ đồng.

    Theo thống kê, hiện có trên 1.100 doanh nghiệp đăng ký website bán hàng qua mạng tại Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) và khoảng 150 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử thông qua các sàn giao dịch. Trên thực tế, số lượng các địa chỉ bán hàng trên mạng lớn hơn rất nhiều do các cá nhân, doanh nghiệp thực hiện giao dịch qua các trang mạng xã hội và trang tìm kiếm, nhưng không đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước.

    Tại TP.HCM, có trên 85.996 tên miền website thương mại điện tử đang hoạt động, nhưng trong số đó, chỉ 2% website có đăng ký. Để quản lý được các website này cần phải có cơ chế phối hợp giữa Bộ Công Thương và Bộ TT-TT. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành nhằm tạo hành lang pháp lý lành mạnh cho việc phát triển thương mại điện tử; tuy nhiên, việc quản lý các website thương mại điện tử tại các địa phương hiện đang còn lỏng lẻo, thiếu sự phối hợp của các cơ quan chuyên ngành...

    Để bảo vệ quyền lợi của mình, trước mắt người mua nên thận trọng và xem xét kỹ các loại hàng hóa được rao bán qua các mạng xã hội, thông tin người bán rõ ràng. Tốt hơn hết, người mua nên tham khảo danh sách các website đã được thông báo, đăng ký trên Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử tại địa chỉ: www.online.gov.vn để có những thông tin đáng tin cậy.

    6- Cứ 3 phút lại có 1 thiết bị di động bị xóa sạch dữ liệu

    Theo kết quả mới nhất được Fiberlink - công ty An ninh và quản lý di động doanh nghiệp thuộc IBM - công bố trong cuộc khảo sát trên các khách hàng của mình trong năm 2013 này có đến 49% thiết bị di động được thực hiện xóa dữ liệu từ xa tự động; 51% được thực hiện bởi đại diện của doanh nghiệp. Theo Fiberlink, hành động xóa dữ liệu nhằm giải quyết các vấn đề về an ninh cho mỗi doanh nghiệp.

    [​IMG]

    Giao diện quản trị của nền tảng MassS360.

    Kết quả khảo sát được thực hiện trên 130.000 thiết bị di động được quản lý bằng nền tảng quản lý di động doanh nghiệp MaaS360. Hiện, Fiberlink quản lý hàng triệu thiết bị di động cho các doanh nghiệp trên toàn thế giới qua nền tảng MaaS360 của hãng.

    Cuộc khảo sát năm 2013 này cũng cho thấy, trung bình mỗi năm có từ 10% đến 20% thiết bị di động của doanh nghiệp được xóa toàn bộ dữ liệu. Trong số các thiết bị di động bị xóa dữ liệu từ xa này, 63% thiết bị chỉ được xóa dữ liệu một phần, 37% các thiết bị còn lại được xóa sạch dữ liệu, Fiberlink cho biết. Công ty này giải thích thêm rằng lý do phổ biến nhất cho việc tự động xóa sạch dữ liệu này chính là vì các thiết bị di động đã được jailbreak. Tuy nhiên, Fiberlink cũng cho biết thêm rằng do một số doanh nghiệp đang thực hiện các chính sách bảo mật.

    Hiện, ngày càng nhiều doanh nghiệp đang chạy theo xu hướng BYOD (ứng dụng thiết bị cá nhân vào công việc), song ranh giới giữa mục đích sử dụng cá nhân và cho công việc vẫn rất mỏng manh. Chính vì vậy, một số doanh nghiệp đã chọn giải pháp xóa sạch dữ liệu từ xa, nhưng cách này cũng có thể làm mất hết dữ liệu cá nhân của người dùng và buộc người dùng phải chấp nhận.

    Cũng có một số doanh nghiệp lại chọn giải pháp sử dụng 2 nền tảng HĐH riêng biệt trên cùng một thiết bị di động nhằm tách biệt nhu cầu sử dụng cá nhân với nhu cầu công việc. Với cách làm này, dữ liệu cá nhân của người dùng không bị xóa sạch như phương pháp remote wipe.

    7- Cáp quang biển AAG được khôi phục 100% lưu lượng vào ngày 3/10

    Theo lịch dự kiến sửa chữa cáp quang biển quốc tế AAG của đơn vị điều hành tuyến cáp quang biển quốc tế AAG (Asia America Gate Way), vào lúc 17 giờ ngày 26/9, tàu sẽ đến vị trí cáp lỗi. Tàu bắt đầu hàn mối nối đầu tiên vào lúc 19 giờ ngày 28/9 và dự kiến hoàn thành mối nối cuối cùng vào lúc 21 giờ ngày 29/9. Công tác sửa chữa được dự kiến hoàn thành vào ngày 3/10.

    Như đã đưa tin, vào lúc 23 giờ 26 phút ngày 15/9, tuyến tuyến cáp quang biển quốc tế AAG xảy ra sự cố bị lỗi cáp trên đoạn cáp S1I, cách trạm cập bờ Hong Kong 64km. Ngay sau đó, VNPT đã khẩn trương làm việc với nhà quản trị hệ thống AAG để sớm có phương án sửa chữa, khắc phục sự cố. Theo lịch trình sử chữa trên, tuyến cáp quang này sẽ được khôi phục hoàn toàn vào ngày 3/10, sớm hơn so với dự kiến 3 ngày.

    Tuy nhiên, theo thông tin từ một số báo (dẫn nguồn từ FPT), cáp quang biển AAG sẽ được khôi phục 100% lưu lượng sơm hơn - vào ngày 1/10.

    8- Hội nghị Cisco Connect 2014

    Ngày 23/9, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị Cisco Connect 2014. Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Minh Hồng đã tham dự và phát biểu.

    [​IMG]

    Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Minh Hồng phát biểu.

    Ngành CNTT đã trải qua nhiều biến đổi và hiện nay đang khai thác các công nghệ nền tảng thứ 3 như điện toán đám mây, di động, dữ liệu lớn và mạng xã hội để phát triển các mô hình kinh doanh, hoạt động và tiêu dùng mới để định hướng thị trường trong tương lai. Các doanh nghiệp khai thác các công nghệ nền tảng thứ 3 này có thể tạo ra sự khác biệt trong cạnh tranh và đổi mới doanh nghiệp cũng như sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai, trong khi những công ty không biết cách khai thác những công nghệ đó sẽ gặp nhiều khó khăn.

    Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho biết, Việt Nam luôn coi trọng việc đẩy mạnh, ứng dụng phát triển công nghệ thông tin. Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 36 về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Thứ trưởng cũng khẳng định công nghệ di động, điện toán đám mây, dữ liệu lớn và mạng xã hội đang tạo ra xu thế “thông minh” trên mọi lĩnh vực. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với mỗi quốc gia để nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo lập vị trí trong trật tự thế giới mới đang được hình thành trong kỷ nguyên số.

    9- Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online

    Trong buổi thảo luận về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, phiên họp sáng 25/9, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình cần đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online.

    Mặc dù trong Tờ trình tại phiên họp, Chính phủ không đề cập đến nội dung này trong dự luật sửa đổi, song theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) Phùng Quốc Hiển, qua thẩm tra, có ý kiến trong Thường trực Ủy ban đề nghị cần nghiên cứu bổ sung mặt hàng kinh doanh game online, nhất là đối với loại game bạo lực, game gây nghiện cho đối tượng trẻ vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).

    Một lý do khác, là loại loại hình kinh doanh game hiện nay là mặt hàng có doanh thu lớn, mức lợi nhuận cao so với các loại hình kinh doanh khác, thu hút mọi độ tuổi tầng lớp dân cư, đặc biệt là giới trẻ tham gia. “Chính phủ cần có các giải pháp để quản lý, ngăn chặn game online có hại từ khu vực ngoài lãnh thổ xâm nhập mạnh vào Việt Nam”, nhóm ý kiến này đề nghị.

    Qua thảo luận tại phiên họp, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật sửa đổi cho biết đang nghiên cứu theo hướng có thể tiếp thu đề xuất Ủy ban TCNS trong việc áp thuế TTĐB với game online.

    Dự kiến, luật này sẽ được thảo luận và thông qua tại kỳ họp 8 của QH diễn ra vào tháng 10 tới, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015.

    10- Cán mốc 1 tỉ website trên toàn thế giới

    Trang theo dõi trực tuyến Internet Live Stats vừa qua công bố, số lượng website trên toàn thế giới đã chính thức vượt mốc 1 tỉ và trung bình cứ mỗi giây có một website đăng kí mới được ra đời.

    Theo số liệu chính thức mà Internet Live Stats đã thống kê lại từ mọi trang web, blog và tweet (tin nhắn trong Twitter) trực tuyến, con số kỉ lục 1 tỉ website đã chính thức cán mốc vào hồi đầu tháng này, tuy nhiên con số và ngày giờ chính thức đạt được hiện vẫn chưa được xác nhận chính thức.

    Với số lượng website khổng lồ như vậy nhưng trang Internet Live Stats chỉ tiến hành theo dõi các trang web xác định có đầy đủ máy chủ và địa chỉ truy cập. Ngoài ra, có tới 75% trong số các trang web được thống kê hiện không hoạt động hay chưa đưa vào khai thác, sử dụng tuy nhiên đã được đăng kí với cơ quan cấp phép.

    Cũng theo số liệu thống kê, hiện đang có gần 3 tỉ người dùng Internet trên toàn thế giới tính tới thời điểm này.

    Thanh Trà (tổng hợp)

    [​IMG]
    Nguồn Xã hội thông tin
     
  2. Facebook comment - 10 sự vụ VT-CNTT nổi bật trong tuần: Vụ Facebook thu phí chỉ là trò “cá tháng 4”

Share This Page