(XHTT) Trước tình thế một số quốc gia châu Âu xuất khí đốt sang Ukraine để hỗ trợ, hôm qua (26/9), Nga đưa ra cảnh báo sẽ cắt nguồn cung khí đốt sang các nước này. Ngay lập tức, Hungary nhượng bộ Theo AFP, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak tuyên bố việc các nước châu Âu xuất khẩu khí đốt đã mua từ Nga sang Ukraine là hành vi vi phạm pháp luật. “Chúng tôi hi vọng các đối tác châu Âu giữ đúng thỏa thuận. Đó là cách duy nhất để đảm bảo nguồn cung khí đốt không bị đứt quãng” - ông Novak dọa. Hungary đã ngừng bán khí đốt cho Ukraine ngay sau lời đe dọa của Nga. Ngay lập tức, Hungary đã ngừng xuất khí đốt sang Ukraine - hãng năng lượng Ukraine Naftogaz thông báo tình hình vụ việc. Thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng xác nhận thông tin này và cho biết, Hungary không thể mạo hiểm đánh mất nguồn cung khí đốt từ Nga, TTO cho hay. “Chúng tôi không thể rơi vào tình cảnh bị thiếu hụt nguồn cung năng lượng do cuộc xung đột Nga - Ukraine” - ông Orban nhấn mạnh. Ước tính, Nga đang đáp ứng 60% nhu cầu khí đốt cho Hungary. Đàm phán khí đốt giữa Nga và Ukraine tiến triển Cũng ngày 26/9, sau cuộc gặp với các bộ trưởng năng lượng Nga và Ukraine tại Berlin, Đức, Nga sẵn sàng nối lại việc cung cấp khí đốt cho Ukraine nếu Kiev trả khoản nợ tiền mua khí đốt trị giá 3,1 tỷ USD cho Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom theo thời hạn đến cuối tháng 12 năm nay - ông Gunther Oettinger, Ủy viên phụ trách năng lượng của Liên minh Châu Âu cho biết, theo ViietnamPlus. Theo thỏa thuận tạm thời về việc mua bán khí đốt giữa Nga và Ukraine do Liên minh châu Âu (EU) đề xuất, Gazprom sẽ cung cấp cho Ukraine ít nhất 5 tỷ mét khối khí đốt trong những tháng tới để đáp ứng nhu cầu của các tháng mùa Đông. Tuy nhiên, Gazprom muốn được trả trước theo mức giá mới là 385 USD cho 1000 m3 khí và đây được coi là mức giá bán phù hợp hơn so với mức 485 USD mà Gazprom từng đưa ra. Về khoản thanh toán nợ, Kiev sẽ phải trả cho Gazprom 2 tỷ USD nợ tiền mua khí đốt vào cuối tháng 10 và từ tháng 11 đến cuối tháng 12, sẽ trả tiếp 1,1 tỉ USD dưới sự đảm bảo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Trước đó, Gazprom từng đòi đối tác Ukraine phải thanh toán khoản nợ có tổng trị giá 5,3 tỷ USD. Phương Tây khó trừng phạt Nga Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak mới đây cho rằng, các biện pháp trừng phạt do Mỹ và EU áp đặt đối với một số nhà sản xuất dầu khí của Nga sẽ không tác động đáng kể đến lĩnh vực năng lượng của nước này. Ngược lại, một số công ty phương Tây sẽ "mất nhiều hơn được", có thể bị mất vai trò tại thị trường Nga. Việc khai thác khí đốt của Nga ít chịu ảnh hưởng bởi sự trừng phạt của châu Âu. "Vai trò này sẽ bị các nhà đầu tư khác chiếm lĩnh. Một khi bị mất thị trường, các công ty châu Âu hoạt động tại Nga không thể lấy lại được. Và các công ty Mỹ cũng vậy", ông Novak khẳng định. Trong khi đó, Nga là một thị trường khổng lồ, với 150 triệu dân sinh sống ở cả châu Âu lẫn châu Á. Tại một cuộc họp báo mới đây ở Moskva, Chủ tịch Liên hiệp các nhà sản xuất dầu khí Nga Gennady Chmal cho biết: "Việc cấm cung cấp thiết bị tiên tiến cho một số công ty dầu mỏ của Nga sẽ không có một tác động đáng kể về khối lượng sản xuất dầu thô, nhưng những hạn chế về tài chính của họ gây ảnh hưởng trong vòng từ 2-3 năm". Ông Chmal tin rằng, các biện pháp trừng phạt sẽ không thúc đẩy các công ty phương Tây từ bỏ các dự án của họ ở Nga, hoặc ít nhất vẫn duy trì hoạt động thông qua các công ty con của họ", TTXVN cho hay. Do vậy, các biện pháp trừng phạt do phương Tây áp đặt đối với một số nhà sản xuất dầu khí của Nga sẽ không tác động đáng kể đến lĩnh vực năng lượng của nước này. Hiện, Nga là nhà cung cấp năng lượng lớn nhất cho EU với tổng lượng cung ứng chiếm đến hơn 30% nhu cầu dầu mỏ và khí đốt của EU. Thêm vào đó, có đến gần 50% lượng khí đốt của Nga cung cấp cho EU được trung chuyển qua Ukraine, đã dẫn đến một thực tế là: Nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Kiev, EU sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. Thanh Trà (tổng hợp) Nguồn Xã hội thông tin