Từ một vết chàm ở giữa lưng, sau 24 năm khối u đã phát triển chiếm gần như toàn bộ lưng, khiến Minh (ở Vĩnh Phúc) đi lại rất khó khăn, lúc nào cũng mặc cảm về vẻ ngoài dị dạng của mình. Từ lúc sinh ra, cô gái đã có một vết chàm to ở giữa lưng, ngày một phát triển to càng lớn càng phát triển to. Cô gái đã đi khám rất nhiều nơi, lúc bé thì bác sĩ bảo chờ lớn, đến lúc lớn khi khối u đã tương đối to thì bác sĩ lại bảo chung sống hòa bình. 1-2 năm gần đây, khối u to lên rất nhanh. Cô vẫn tự đi lại được nhưng vô cùng khó khăn, vì phải vác một khối u ở lưng không khác gì phải vác “mai rùa”. Điều này khiến cô lúc nào cũng mặc cảm, không dám ra ngoài, tiếp xúc với ai vì sợ bị chê cười. Cuối cùng, cô gái đành tìm đến Bệnh viện Việt Đức. Khối u khổng lồ sau lưng cô gái 25 tuổi. Ảnh: Bệnh viện cung cấp. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình - Hàm mặt, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), các bác sĩ đã mổ nhiều khối u to như thế (chân voi, tay gấu, gáy bờm ngựa...), nhưng đây là một ca khó. Khối u là một dạng u xơ thần kinh, nhưng nguy hiểm ở chỗ nó phối hợp với dị dạng mạch máu, các mạch máu tăng sinh rất nhiều. Nhiệt độ ở khối u lúc nào cũng cao hơn nhiệt độ cơ thể 2-3 độ. Vì thế, nguy cơ chảy máu ồ ạt khi mổ rất có thể xảy ra. Khó khăn thứ 2 là toàn bộ đốt sống phần ngực và lưng bệnh nhân bị dị tật bẩm sinh, không có cung xương sau. Vì thế, khối u có phần thông trực tiếp với tủy sống. Vì thế, các bác sĩ sẽ không thể phẫu tích quá lớn dẫn đến dò vào tủy sống, gây hậu quả nặng nề cho bệnh nhân, ảnh hưởng đến chức năng vận động đại tiểu tiện. “Mục đích phẫu thuật là cắt 70-80% khối u, giảm bớt gánh nặng cho bệnh nhân, giảm biến chứng loét, vỡ, chảy máu sau này. Sau này nếu cần thiết có thể tiến hành cắt thu bớt khối u, tao hình lại cung sau…”, tiến sĩ Hà nói. Bệnh nhân được chỉ định chụp cộng hưởng từ, CT, xét nghiệm, siêu âm, khám lâm sàng. Trước khi phẫu thuật, khoa đã tiến hành hội chẩn với các bác sĩ cột sống, can thiệp mạch máu, gây mê hồi sức, chẩn đoán hình ảnh. Theo tiến sĩ Hà, để giảm tối đa nguy cơ chảy máu cho bệnh nhân, trước khi mổ bác sĩ đã tiến hành nút mạch. Thông thường 1 ca nút mạch kéo 1-2h, trong khi với bệnh nhân này phải mất đến 7 tiếng vì tính chất khối u lớn, lan tỏa. Đồng thời, trong quá trình phẫu thuật các bác sĩ dùng cả dao siêu âm để cầm máu, mổ đến đâu hàn mạch luôn đến đấy. Thường loại dao đặt biệt này chỉ dùng trong cắt gan vì chảy máu rất nhiều. “Cũng nhờ vậy, bệnh nhân chỉ phải truyền một lít máu. Ca mổ kéo kéo dài 6-7 tiếng, cắt bỏ khối u nặng khoảng 7kg. Khối u quá lớn nên phải cắt đôi mới lấy ra được”, tiến sĩ Hà. Sau mổ bệnh nhân cũng gặp một số bất lợi. Phương pháp nút mạch giúp giảm bớt lượng máu đến vùng mổ nhưng lại ảnh hưởng đến sự cấp máu, sự liền vết thương, chỗ không mổ bị hoại tử. Vì thế, thời gian liền sẹo lâu hơn bình thường, tiến sĩ Hà cho biết thêm. Hiện các bác sĩ tiến hành thay băng cho Minh để tổ chức da trên miếng da hoại tử bong ra, tổ chức liền sẹo tự nhiên. Bệnh nhân đã liền sẹo được khoảng 70-80%, sức khỏe dân ổn định, dự kiến sẽ được xuất viện trong thời gian tới. Sắp tới sẽ một đoàn chuyên gia hàng đầu của Mỹ chuyên về mổ các khối u khủng như trên hay các loại u to ở chân, tay, mình, đầu mặt cổ... đến làm việc khoa Phẫu thuật Tạo hình - Hàm mặt, Bệnh viện Việt Đức. Bệnh nhân có nhu cầu có thể đến để được tư vấn và tìm phương pháp điều trị phù hợp. Nam Phương * Tên nhân vật đã được thay đổi. Nguồn VNExpress