(XHTT) Gần đây, Tập đoàn VNPT liên tục ký kết hợp tác với các tỉnh/thành và Ủy ban Dân tộc về VT-CNTT, mang “hơi thở số" đến cho các đối tác, sẽ có lợi cho người dân/doanh nghiệp và đây là sự vụ VT-CNTT nổi bật nhất tuần. 1- VNPT mang "hơi thở số" đến cho các đơn vị/địa phương Từ đầu tháng 9 tới nay, Tập đoàn VNPT liên tiếp ký kết hợp tác chiến lược về VT-CNTT giai đoạn 2014-2020 với 4 UBND tỉnh và Ủy ban Dân tộc. Trong thời gian tới, VNPT sẽ tiếp tục ký kết với nhiều tỉnh thành khác. Ông Nguyễn Thanh Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang (bên trái) và Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Trần Mạnh Hùng (bên phải) ký kết hợp tác chiến lược giữa hai bên vào ngày 4/9/2014. Theo nội dung thỏa thuận hợp tác chiến lược với các đơn vị/địa phương, VNPT sẽ hợp tác và hỗ trợ các đơn vị/địa phương triển khai: Xây dựng hạ tầng VT-CNTT đáp ứng nhu cầu triển khai chính quyền điện tử; ứng dụng CNTT, phát triển chính quyền điện tử, phục vụ người dân và doanh nghiệp; xây dựng giải pháp tổng thể an toàn an ninh thông tin, chính quyền điện tử; đào tạo nguồn nhân lực VT-CNTT; ứng dụng CNTT vào ngành Giáo dục - Đào tạo, Y tế và các chuyên ngành khác. Cụ thể hơn, VNPT sẽ hỗ trợ các đơn vị/địa phương xây dựng đề án và cung cấp giải pháp tổng thể an toàn thông tin, chính quyền điện tử phù hợp với qui hoạch và định hướng mình, bao gồm: Tư vấn hoàn thiện chính sách an toàn, an ninh thông tin; Kiện toàn qui trình quản lý, tổ chức phân loại thông tin và quản lý truy cập; Xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT, cung cấp giải pháp đảm bảo thực thi chính sách an toàn thông tin đáp ứng yêu cầu thiết lập Chính quyền điện tử… Cho đến nay, VNPT đã ký kết hợp tác chiến lược với các UBND tỉnh/thành: Hải Phòng, Tiền Giang, Phú Yên, Điện Biên, Tây Ninh, Hà Nam, Kiên Giang, Hòa Bình, Ninh Thuận, Lào Cai và với Ủy ban Dân tộc. Cũng trong tuần rồi (ngày 18/9), Tập đoàn VNPT và Ngân hàng Vietcombank đã tổ chức ký kết Thỏa thuận Hợp tác toàn diện. 2- Hóa đơn điện tử là xu thế tất yếu Sử dụng hóa đơn điện tử thay thế cho hóa đơn giấy truyền thống sẽ góp phần hiện đại hóa công tác hạch toán kế toán, tiết kiệm chi phí, nâng cao tính bảo mật của doanh nghiệp. Đây cũng là biện pháp hữu hiệu hỗ trợ ngành Thuế từng bước ngăn chặn và kiểm soát việc sử dụng hóa đơn giả để trốn thuế. Theo Thông tư 32/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính v/v "Hướng dẫn khởi tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ", cũng như các hướng dẫn của Tổng cục Thuế về việc triển khai ứng dụng hóa đơn điện tử đã cho thấy, việc sử dụng hóa đơn điện tử là xu thế tất yếu của việc ứng dụng CNTT trong tương lai. Dịch vụ hóa đơn điện tử VNPT Einvoice của VDC/VNPT hiện được nhiều tổ chức, doanh nghiệp tin dùng, vì đã giành được giải Sao Khuê do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) trao tặng vào tháng 4/2014. Các doanh nghiệp hoạt động với quy mô lớn, có lượng phát hành lên đến hàng triệu hóa đơn/năm như: Cấp nước, viễn thông, bưu chính, bảo hiểm, truyền hình, siêu thị tiêu dùng, điện máy hay các đơn vị bán hàng trực tuyến... khi áp dụng hóa đơn điện tử sẽ tiết kiệm được chi phí, nâng cao năng lực quản lý tài chính trong doanh nghiệp và rất nhiều tiện ích to lớn khác. Ngoài ra, việc ứng dụng hóa đơn điện tử, khách hàng sẽ tránh được các rủi ro, thất lạc, hư hỏng hóa đơn; dễ dàng lưu trữ, quản lý, thống kê và tìm kiếm hóa đơn, việc sử dụng hóa đơn điện tử cũng giống như hóa đơn giấy để khách hàng thực hiện kê khai thuế, khấu trừ thuế. 3- WhatsApp sẽ có thêm tính năng gọi điện Theo trang Gizmodo, WhatsApp đang thử nghiệm tính năng gọi điện và sẽ sớm trình làng trong thời gian tới. Các ứng dụng ngày càng mang đến cho người dùng những tiện ích. WhatsApp là ứng dụng nhắn tin theo thời gian thực, có phiên bản chạy trên đa nền tảng di động với số lượng người dùng lớn nhất trên toàn cầu. Tuy nhiên, WhatsApp vẫn thua các ứng dụng khác như Viber, Zalo, bởi chưa hỗ trợ tính năng gửi tin nhắn bằng giọng nói hoặc gọi thoại. Ông Jan Koum, CEO và đồng sáng lập WhatsApp từng xác nhận, dịch vụ này hiện đã có 600 triệu người dùng trên toàn cầu, trở thành dịch vụ nhắn tin theo thời gian thực lớn nhất thế giới. Hiện, WhatsApp đang thuộc sở hữu của Facebook sau khi mạng xã hội này bỏ ra 19 tỉ USD để thâu tóm WhatsApp, Thương vụ diễn ra hồi giữa tháng 2 vừa qua. 4- Vụ tài khoản Gmail bị lộ: Người dùng không nên quá lo lắng Theo Google, người dùng không nên quá lo sợ về sự cố gần 5 triệu tài khoản dịch vụ Gmail bị xâm nhập trái phép gần đây. Theo nhóm chuyên nghiên cứu thư rác và các hoạt động trái phép của Google, chỉ chưa đầy 2% lượng mật khẩu bị lộ này có liên quan đến tài khoản Gmail. Không chỉ vậy, hệ thống phòng thủ tự động (anti-hijacking) của dịch vụ Gmail cũng có thể tự động ngăn chặn những trường hợp cố gắng xâm nhập tài khoản của người dùng trái phép. Hôm thứ 4 tuần rồi, tập đoàn an ninh CSIS Security Group cũng cho biết, hầu hết trong số 5 triệu tài khoản Gmail bị tấn công đều sử dụng mật khẩu có “tuổi đời” trên dưới 3 năm. Một số chuyên gia tại CSIS Security Group khi đó cũng đặt ra giả thuyết rằng một số hacker đã phối hợp tấn công Google. Nhưng Google khẳng định, sự việc rò rỉ thông tin trên hoàn toàn không phải là kết quả của các cuộc tấn công trực tiếp vào những hệ thống của hãng. Google cho rằng những thông tin này có thể được lấy từ việc kết hợp những nguồn khác nhau trên mạng. Còn các chuyên gia an ninh thì cho rằng, đây là thời điểm tốt nhất để người dùng Gmail thay đổi mật khẩu mới có mức độ bảo mật mạnh hơn, và nhất là không nên dùng một mật khẩu giống nhau cho tất cả các website. Nếu muốn tăng độ bảo mật hơn nữa, tốt nhất bạn nên chọn phương án xác thực 2 bước (Two-step authentication). 5- Bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho 130 PV, BTV Ngày 17/9, một đợt tập huấn kiến thức quốc phòng – an ninh (QP-AN) năm 2014 cho các phóng viên, biên tập viên (PV, BTV) đã diễn ra tại TP. Cần Thơ. Trong ba ngày tập huấn, 130 PV, BTV đến từ nhiều cơ quan báo đài trong cả nước đã được bồi dưỡng thêm nhiều kiến thức về QP-AN, đặc biệt là về chủ quyền biển đảo trong giai đoạn hiện nay. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng phát biểu khai mạc đợt tập huấn tại TP. Cần Thơ. Phát biểu tại đợt tập huấn, ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ TT-TT, Uỷ viên Hội đồng giáo dục Quốc phòng – An ninh Trung ương cho rằng, trong những năm qua công tác giáo dục quốc phòng và an ninh đã được thực hiện toàn diện trên phạm vi cả nước và ngày càng đạt được những kết quả quan trọng, đóng góp lớn vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, giữ vững an ninh trật tự. Ông đánh giá cao vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí trong việc tuyên truyền công tác QP-AN đến đông đảo các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó ông yêu cầu các PV, BTV cần năng động, sáng tạo hơn nữa trong quá trình tác nghiệp để thực hiện tốt hơn công tác này. Thứ trưởng cũng khẳng định, đợt tập huấn sẽ giúp các cán bộ, PV, BTV tiếp cận những vấn đề cơ bản về quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước về QP-AN. Từ đó các cán bộ, PV, BTV có điều kiện định hướng thông tin cho toàn dân về nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc và đảm bảo an ninh trong tình hình mới. 6- Đường truyền Internet từ Việt Nam đi quốc tế sẽ thông vào ngày 4/10 Chiều 17/9, Công ty Cổ phần Viễn thông FPT, một trong những đơn vị đang sử dụng đường truyền trên hệ thống cáp quang biển AAG phát đi thông báo cho biết, tới ngày 4/10, việc sửa chữa sự cố đứt cáp quang biển AAG sẽ hoàn tất. Theo đó, ngay sau khi cơn bão Kalmaegi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, đơn vị điều hành tuyến cáp quang biển quốc tế AAG (Asia America Gate Way) đã khẩn trương lên lịch hàn nối cáp. Vào 20h ngày 29/9, tàu sẽ đến vị trí cáp lỗi và việc hàn cáp sẽ bắt đầu vào 22h ngày 1/10 và tới 4h sáng ngày 3/10, cáp sẽ được hàn nối xong. Dự kiến đến 7h sáng ngày 4/10, đơn vị sửa chữa sẽ hoàn tất việc chôn cáp xuống đáy biển, kết thúc công việc sửa chữa và 100% kênh truyền dẫn sẽ được khôi phục. Trước đó, vào đêm 15/9 đã xảy ra sự cố, cách trạm cập bờ Hong Kong 64km, khiến tuyến cáp quang biển quốc tế AAG bị lỗi. Sự cố này khiến lưu lượng của các nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam đang khai thác trên tuyến này đều bị ảnh hưởng. 7- Tin nhắn rác hoành hành người dùng qua OTT Các ứng dụng nhắn tin miễn phí (OTT) đang trở thành môi trường thuận lợi cho các đối tượng phát tán tin nhắn rác hoạt động bởi không tốn chi phí mà vấn đề quản lý từ cơ quan chức năng vẫn chưa được siết chặt. Ứng dụng nhắn tin, gọi điện miễn phí qua Internet đang là một trong những kênh liên lạc có số lượng người sử dụng tăng nhanh chóng. Đối với nhiều cá nhân, doanh nghiệp, đây còn là một kênh quảng bá sản phẩm, dịch vụ với chi phí rẻ, tiện lợi và nhanh chóng để tiếp cận với khách hàng tiềm năng. Trên thị trường hiện có khá nhiều nhà cung cấp dịch vụ OTT như Viber, Zalo, Line, KakaoTalk, WhatsApp… nhưng OTT đang là môi trường phát tán tin rác trên di động. Hiện, có rất nhiều nơi rao bán phần mềm hỗ trợ gửi tin nhắn rác trên nền tảng OTT với các kiểu mời chào hấp dẫn như: Tự động gửi tin nhắn hàng loạt đến tất cả các OTT đang hoạt động, tránh được bộ lọc... Các phần mềm này thường sử dụng mua kho dữ liệu số điện thoại được bán với giá chỉ vài trăm nghìn đồng trên mạng. Một chuyên gia về công nghệ thông tin nhận định, với lượng người dùng thường xuyên (active user) rất lớn, OTT đang trở thành tâm điểm để các bên phát triển ứng dụng spam (nhắn rác) nhắm vào, đồng thời là môi trường đầy tiềm năng cho các bên quảng cáo muốn phát tán thông tin miễn phí. "Một số OTT khác cũng có hàng triệu thậm chí hơn chục triệu tài khoản, nhưng trong số này có thể rất nhiều người chỉ tải chương trình về máy, đăng ký rồi để đấy chứ hiếm khi dùng đến nên không phải là môi trường tốt cho quảng cáo", ông cho hay. 8- Ra mắt website đặt dịch vụ du lịch trực tuyến thương hiệu Việt Ngày 18/9, Gotadi.com - website đặt dịch vụ du lịch trực tuyến (vé máy bay, khách sạn, tour du lịch) thương hiệu Việt đầu tiên tại Việt Nam chính thức đi vào hoạt động. Web đặt dịch vụ giúp người dùng chủ động hơn trong các nhu cầu của mình. Gotadi.com cung cấp các dịch vụ du lịch toàn diện và trực tuyến chỉ trên duy nhất một trang mạng với quyết tâm tạo thói quen du lịch trực tuyến hiện đại dành riêng cho người Việt Nam. Khách hàng có thể chọn mua từng dịch vụ hoặc dịch vụ trọn gói. Hiện, Gotadi.com đã tích hợp vé máy bay của Vietnam Airlines và hơn 900 hãng hàng không toàn cầu, 2.000 khách sạn trong nước và 400.000 khách sạn quốc tế, cho phép khách hàng có thể chủ động tra cứu và so sánh giá cả của các hãng hàng không, khách sạn nội địa và quốc tế. 9- Hơn 1000 website của VN bị tấn công trong nửa đầu tháng 9 Theo thống kê của Công ty an ninh mạng SecurityDaily, tổng cộng có 1039 website của Việt Nam đã bị tấn công chỉ trong nửa đầu tháng 9/2014. Đây là con số cao nhất trong các tháng đã qua của năm 2014. Ngoại trừ tháng 5/2014 (989 website), các tháng còn lại đều có số lượng website bị tấn công dưới 600. Biểu thống kê dữ liệu số lượng Websie bị tấn công trong các tháng của năm 2014. Trong hơn 1.000 website bị tấn công lần này, có đến 30 website của các cơ quan chính phủ (gov.vn) và 69 website của các cơ quan giáo dục Việt Nam (edu.vn). Đây thực sự là một con số đáng báo động đối với công tác an toàn bảo mật thông tin của chính phủ hiện nay. Theo quan sát của SecurityDaily, các nhóm tin tặc thực hiện các cuộc tấn công này chủ yếu đến từ các nước như: Trung Quốc, Indonesia, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ… và một bộ phận nhỏ các nhóm hacker của Việt Nam. Lỗ hổng chính được các tin tặc khai thác vẫn là các lỗ hổng cơ bản: Lỗi cấu hình mặc định, đặt mật khẩu yếu, khai thác các lỗ hổng đã tồn tại trong các nền tảng lỗi thời… 10- Thị phần, giá cả THTT sẽ thay đổi khi các Tập đoàn viễn thông “nhập cuộc” Thị trường truyền hình trả tiền (THTT) tại Việt nam đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt và dự báo thị phần lẫn giá cả dịch vụ sẽ tiếp tục thay đổi mạnh trong thời gian tới, khi các Tập đoàn viễn thông như Viettel, VNPT tham gia. Theo số liệu do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) công bố, đến hết năm 2013, thị phần THTT tại Việt Nam chủ yếu nằm trong tay VTVCab và SCTV. Trong đó, SCTV chiếm khoảng 40%, tiếp theo là VTVCab với 30%; kế đến là HTVC với 15%. Các doanh nghiệp khác chia nhau 15% phần ít ỏi còn lại. Còn theo số liệu của Hiệp hội truyền hình trả tiền châu Á - Thái Bình Dương (CASBAA), tính đến hết năm 2013, VTVcab dẫn đầu thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam, với 28% thị phần; tiếp theo là SCTV với 26% thị phần, MyTV với 16%, K+ và HTVC cùng có 9% thị phần, VTC nắm 6% thị phần... Đại diện nhiều doanh nghiệp THTT cho biết, sở dĩ có sự chênh lệch về số liệu là do CASBAA tính thị phần theo lượng thuê bao mà nhà đài đang có, còn Cục Quản lý cạnh tranh tính theo doanh thu. Doanh thu mới là yếu tố quan trọng. Chẳng hạn, việc một nhà đài có 1 triệu thuê bao có phí thuê bao 200.000 đồng/tháng sẽ khác rất xa so với nhà đài có 1 triệu thuê bao, nhưng phí thuê bao chỉ 30.000 đồng/tháng. Tính đến cuối năm 2013, cả nước có khoảng 6,5 triệu thuê bao THTT, tăng mạnh so với vài năm trước. Tổng doanh thu của thị trường THTT cũng tăng ấn tượng, ước khoảng 25%/năm. Song “miếng bánh” ngon ngọt, đầy tiềm năng của thị trường THTT cũng không “dễ ăn”, bởi sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt và nhiều nhà cung cấp luôn phải đối mặt với tình trạng thuê bao rời mạng, thuê bao ảo gia tăng. Trong bối cảnh đó, “nhà đài” nào duy trì được lượng thuê bao hiện hữu, đồng thời phát triển được thuê bao mới sẽ giành được thị phần. Nhận xét về xu hướng cạnh tranh trong thời gian tới, CASBAA cho rằng, các nhà đài sẽ phải “dè chừng” trước sự tham gia vào thị trường của các doanh nghiệp viễn thông. Khi các “đại gia” viễn thông như VNPT, Viettel, FPT nhảy vào “cuộc chơi”, THTT sẽ là thách thức lớn với các doanh nghiệp truyền hình cáp hiện hữu. Và “thị phần THTT chắc chắn sẽ có thay đổi đáng kể”, một khi VNPT và Viettel chính thức nhập cuộc – theo ý kiến của nhiều chuyên gia. Thanh Trà (tổng hợp) Nguồn Xã hội thông tin