Tập đoàn Baidu đã chế tạo ra những đôi "đũa thông minh", được cho là có khả năng phát hiện những thực phẩm nguy hiểm cho sức khỏe. Theo RFI, tại Trung Quốc, nơi những vụ scandal thực phẩm là không thể đếm xuể, từ dầu thải thu thập ở ống cống cho đến thịt chồn giả thịt bò, tập đoàn internet Baidu đã chế tạo ra những đôi "đũa thông minh", được cho là có khả năng phát hiện những thực phẩm nguy hiểm cho sức khỏe. Một phát ngôn viên tập đoàn này hôm 4/9/2014 cho AFP biết như trên. Theo phát ngôn viên trên, ý tưởng về đũa thông minh đầu tiên được giới thiệu trong một video ngày 1/4, đã được hưởng ứng hết sức tích cực khiến tập đoàn phải nghiêm túc nghiên cứu về vấn đề này. Sản phẩm trong giai đoạn triển khai được Bách Độ trình bày tuần này trong một băng video mới. Đuôi đũa có thể nhấp nháy màu đỏ khi đầu đũa gấp thức ăn có dầu độc hại - DR Người ta trông thấy đôi đũa - tuy thanh mảnh nhưng chứa đầy cảm ứng điện tử - được liên tiếp nhúng vào nhiều tô đựng dầu ăn. Các thiết bị cảm ứng phân tích nhiệt độ và thành phần cấu tạo của dầu, và sau đó trên một điện thoại thông minh được kết nối với đôi đũa, hiện lên những thông tin thu thập được. Nếu dầu ăn độc hại cho người tiêu thụ, thì một đèn lưỡng cực gắn trong đũa sẽ nhấp nháy ánh sáng màu đỏ. Trung Quốc thường xuyên bị chấn động bởi những scandal được gọi là "dầu thải ống cống". Có nghĩa là dầu ăn được làm ra từ dầu đã qua sử dụng thải ra đường cống và thức ăn thừa của các nhà hàng, sau đó bán lén lút với giá rất rẻ cho các chủ hàng ăn nhỏ và hàng rong đường phố. Cơ quan y tế năm ngoái đã cố gắng chặn đứng việc làm ăn phi pháp đang nở rộ này. Khoảng một trăm người bị câu lưu và hai chục người bị bắt giam (trong đó có hai người lãnh án chung thân), trong một chiến dịch được tuyên truyền ầm ĩ. Những "đôi đũa thông minh" trên hiện chưa sẵn sàng bán ra thị trường. Bách Độ chỉ mới sản xuất một số hàng mẫu giới hạn, và cũng chưa cho biết thời điểm sẽ tung ra bán. Trên mạng xã hội Trung Quốc, phát minh này được cư dân mạng chào đón nồng nhiệt, tuy cũng lấy làm tiếc là phải cầu viện đến một vật dụng như vậy. Một người sử dụng Vi Bác mỉa mai: "Nếu tôi mang theo đôi đũa này đi khắp nơi, rốt cuộc tôi sẽ chết đói". Thực tế là thực phẩm bẩn hiện diện khắp mọi nơi trên đất nước Trung Quốc. Ngày nào báo chí cũng nêu ra những vụ bê bối về thực phẩm nhiễm độc, từ những quả trứng bị nhuộm màu bằng hóa chất công nghiệp, cho đến thịt ôi thiu được đem trộn với các vật liệu khác và đổi ngày sản xuất. Chỉ riêng scandal sữa nhiễm mélamine năm 2006 đã làm cho sáu trẻ em tử vong và 300.000 em khác bị bệnh. Nguồn KhoaHoc.com.vn