(XHTT) Biên giới phía Tây và Tây Nam nước Nga trải dọc miền Đông Ukraine đến bán đảo Crimea. Đây cũng là “vùng đệm” địa chiến lược nếu Nga muốn tránh sự ảnh hưởng bởi Phương Tây. Với lượng người gốc Nga và nói tiếng Nga ở Ukraine khá cao, đặc biệt là khu vực miền Đông và bán đảo Crime, chiếm tới 50%. Đây chính là “cơ hội” để Nga tìm đủ mọi cách, kể cả lý do bảo vệ người dân Nga đang sinh sống tại đây, nhằm hình thành một “vùng đệm” địa chiến lược quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế cũng như tránh sự tấn công của khối NATO kể từ khi Tổng thống Ukraine thân Nga (trước đó) rớt chức và ông Petro Poroshenko lên nắm quyền ở Ukraine. Tổng thống Putin muốn có “một nhà nước ở Đông Ukraine” Hôm 31/8, báo Le Figaro ở trang quốc tế đã có một bài xã luận với tựa “gợi lên việc thành lập một nhà nước ở Đông Ukraine”, mà nội dung bài “tỏ ra rất bực bội”, kêu gọi phải đưa ra những biện pháp trừng phạt mới trước thái độ thách thức của ông Putin. Theo đó, Ukraine là một “hồ sơ lớn”, được theo dõi sau tuyên bố của tổng thống Nga, trang BizLIVE cho hay. Phe ly khai với vũ khí “trang bị tới tận răng” ở ngoại ô Lugansk. Theo RFI, tờ Le Figaro mỉa mai: Trong lúc châu Âu chần chừ thì Putin lại nhấn ga. 24 tiếng đồng hồ sau Hội nghị thượng đỉnh Bruseles - hoãn lại mọi trừng phạt mới đối với Moscow, trái lại, Tổng thống Nga đã gợi lên một yêu sách mới: Lực lượng ly khai có quyền tổ chức nhà nước của họ ở vùng Đông Nam Ukraine. Tờ báo nêu câu hỏi: Còn có thể nghi ngờ gì nữa? Mỗi ngày đều mang lại bằng chứng Nga trực tiếp can thiệp quân sự vào Ukraine. Muốn gọi hành động này là gì cũng được: Can thiệp quân sự, chiếm đóng… nhưng điều rõ nhất là Nga, một cường quốc hạt nhân, thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ đang vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế. Rõ ràng là, chính sách của Nga đối với Ukraine là tạo một tình trạng mà số phận của Kiev vẫn phải lệ thuộc vào Maoscow. Vùng “trái độn” (hay vùng đệm) như Nga muốn thành lập, là một cách để Nga giữ ảnh hưởng trên Ukraine, vùng đất được xem như thành trì bảo vệ Nga trước những mối đe dọa đến từ phía Tây, bài báo phân tích. NATO và Nga đang đối đầu Ngày 1/9, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông Anders Fogh Rasmussen tuyên bố, NATO sẽ thành lập lực lượng có thể được triển khai nhanh để giúp các nước Đông Âu và vùng Baltic trong trường hợp bị Nga đe dọa, trang NLĐO cho hay. Theo đó, các nhà lãnh đạo 28 quốc gia NATO dự kiến thông qua kế hoạch trên tại hội nghị thượng đỉnh ở Xứ Wales trong ngày 5/9 tới. Ông Rasmussen cho biết lực lượng mũi nhọn này gồm khoảng 4.000 người, được không quân và hải quân hỗ trợ, có thể được điều động đến bất cứ quốc gia thành viên NATO nào trong vòng 48 giờ. Còn hãng tin RIA Novosti dẫn lời Phó Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Nga Mikhail Popov cho biết, Mỹ đã quyết định tăng cường binh sĩ NATO ở các nước Baltic và có kế hoạch chuyển vũ khí hạng nặng đến Estonia, trong đó có cả xe tăng. Theo ông, mối quan hệ của Nga với Mỹ và NATO đang xấu đi, tác động đến chiến lược quân sự của Moscow. Ông Popov cũng nhấn mạnh, căn cứ quân sự của NATO đang tiến đến gần biên giới Nga hơn và kết luận các hành động của NATO đã đe dọa an ninh nước này. Đối lại, Nga cũng đang “thay đổi học thuyết quân sự” do cuộc khủng hoảng ở Ukraine và sự hiện diện của NATO ở Đông Âu. Theo báo Vzglyad, Đại sứ Nga tại NATO Alexander Grushko tuyên bố, Nga sẽ thực hiện các biện pháp để bảo đảm an ninh đất nước. Còn Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 2/9 nhận định, hành động trên của NATO đang hủy hoại nỗ lực đạt thỏa thuận hòa bình ở Ukraine. Tương lai xấu Ukraine? Trong một diễn biến khác, ngày 1/9, lực lượng ly khai đã cử ra một Nhóm Tiếp xúc để đi Minsk (Belarus) bàn bạc về những điều kiện ngừng bắn và giải pháp cho Ukraine. Trong cuộc họp này có đại diện của Ukraine, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Nga và đại diện những người ly khai, báo Đất Việt đã đưa. Tại Minsk, cuộc họp đã đi đến thống nhất về việc trong những lần hội đàm tiếp theo, phía Ukraine sẽ có những thành phần chính thức, tiêu biểu trong đó là cựu Tổng thống Leonid Kuchma và một quan chức hàng đầu của Ukraine. Phó Thủ tướng thứ nhất của Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk, ông Andrey Purgin khẳng định ở những lần hội đàm sau (dự kiện ngày 5/9) sẽ là những cuộc đàm phán mang tính chính thức. Có thể thấy, chính quyền Kiev đã phải “xuống một nấc thang” khi chịu ngồi vào bàn đàm phán với lực lượng ly khai một cách chính thức. Điều này một lần nữa khẳng định những diễn biến trên chiến trường những ngày vừa qua đã khiến Kiev không còn lựa chọn nào khác. Không những thế, một tương lai ảm đạm khác cũng đang chờ Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko khi cuộc bầu cử sớm đang cận kề, trong khi những kết quả trong việc điều hành, giải quyết các vấn đề đất nước trong thời gian gần đây đang đặt ông Poroshenko trước một nguy cơ bãi nhiệm hay đảo chính rất cao. Thanh Trà (tổng hợp) Nguồn Xã hội thông tin