Trước sức ép của tablet và smartphone đòi hỏi máy tính cá nhân cũng phải thay đổi để thích ứng và dòng sản phẩm lai là một trong những hướng phát triển hiện nay. Khái niệm thiết bị lai hay tablet PC đã xuất hiện trong môi trường doanh nghiệp kể từ năm 1990. Về cơ bản, sản phẩm lai sự kết hợp giữa sức mạnh của máy tính cá nhân với khả năng di động linh hoạt của máy tính bảng. Chẳng hạn HP Compaq TC1100, một trong những mẫu máy tính bảng tốt nhất một thời với cấu hình phần cứng ấn tượng, chạy hệ điều hành Windows XP Tablet PC Edition, trang bị bàn phím vật lý đi kèm để sử dụng như một máy tính xách tay và bút trâm (stylus) khi dùng ở chế độ máy tính bảng. Vấn đề của các sản phẩm trước đây là thiết kế cồng kềnh, nặng nề khi di chuyển và giá cao hơn đáng kể so với phần lớn người dùng. Ngoài ra, tính tiện dụng của thiết bị lai cũng kém cả khi sử dụng ở dạng máy tính lẫn máy tính bảng. Năm 2013, một thay đổi quan trọng là nền tảng phần cứng máy tính đã chuyển sang sử dụng chip Haswell, kiến trúc vi xử lý Core-i thế hệ thứ tư. Cùng với vi kiến trúc mới, Intel cũng làm việc chặt chẽ với các nhà sản xuất nhằm thúc đẩy thiết bị lai “2 trong 1” phát triển trong nỗ lực vực dậy thị trường máy tính cá nhân. Điểm khác biệt so với Sandy Bridge, Haswell là một SoC (system on chip) đầu tiên của Intel thiết kế cho máy tính cá nhân (laptop, desktop, ultrabook nói chung) và cả thiết bị di động như smartphone lẫn tablet. Hiệu năng đồ họa tích hợp của Haswell cũng cao hơn khoảng 30% đối với các chip xử lý Ivy Bridge dòng U và ULT (Ultra Light and Thin). Nhờ vậy, máy tính không chỉ mỏng nhẹ hơn mà còn có khả năng xử lý đồ họa tốt hơn, mang lại những trải nghiệm trực quan sinh động mà không cần đến card đồ họa rời. Bên cạnh đó, nền tảng hệ điều hành Windows 8 với giao diện Modern UI sẽ góp phần thay đổi thiết kế ultrabook và laptop nói chung trong thời gian tới. Không chỉ trang bị màn hình cảm ứng, các nhà sản xuất máy tính đều trình làng những sản phẩm có thiết kế độc đáo, thể hiện sự sáng tạo qua việc kết hợp giữa laptop và tablet mang đến người dùng nhưng trải nghiệm thú vị khi sử dụng. Chẳng hạn Asus Transformer Pad T100 (giá 9 triệu đồng), Acer Aspire Switch 10 (giá 8 triệu) và HP Split X2 (giá 9 triệu đồng) với thiết kế tháo rời giữa màn hình và bàn phím khi chuyển đổi giữa chế độ tablet và laptop, người dùng dễ dàng làm việc cộng tác, chia sẻ thông tin hiển thị trên màn hình hoặc sử dụng như một máy tính bảng (tablet). Một số nhận định rằng laptop lai vẫn còn kém hơn so với tablet về trọng lượng, độ mỏng gọn và thời gian dùng pin. Nếu xét theo kích cỡ màn hình, cổng giao tiếp, hiệu năng tổng thể và cả sự tiện dụng trong quá trình sử dụng thì laptop lai cũng không thể sánh bằng laptop tiêu chuẩn. Điều này cũng hoàn toàn bình thường vì về cơ bản, laptop lai vẫn là máy tính xách tay được thiết kế lại cho mỏng nhẹ và gọn hơn. Việc kết hợp nhiều tính năng của máy tính bảng lẫn máy tính xách tay trong một không gian giới hạn đòi hỏi nhà sản xuất phải chọn lọc, thu gọn hoặc lược bỏ một số thành phần kém quan trọng. Dù vậy, laptop lai vẫn tạo được ấn tượng mạnh bởi thiết kế độc đáo, sáng tạo thể hiện qua khả năng chuyển đổi giữa laptop và tablet, có thể đáp ứng nhu cầu cả trong công việc lẫn giải trí di động. PC World VN, 08/2014 Nguồn PC World VN