Dù smartphone, tablet đã được dùng phổ biến, nhưng những chiếc laptop vẫn giữ vai trò quan trọng như một công cụ học tập không thể thiếu của học sinh, sinh viên. Cuối Hè, đầu Thu là dịp các siêu thị máy tính, điện máy với sự hỗ trợ của các hãng sản xuất, mở ra các chương trình khuyến mãi, ưu đãi, giảm giá bán laptop cho sinh viên đón mùa khai trường năm học mới. Laptop giờ đây đã là hành trang không thể thiếu với tân sinh viên bước vào giảng đường đại học, cao đẳng và cả những sinh viên trở lại trường sau kỳ nghỉ hè. Laptop còn là người bạn tri kỷ với sinh viên xa nhà, ở trọ. Không chỉ để học tập, nó còn là phương tiện để các bạn trẻ kết nối mạng xã hội, xem phim nghe nhạc, chơi game giải trí, chat video với người thân ở xa. Những năm qua, laptop có nhiều cải tiến đem đến rất nhiều lựa chọn trên thị trường. Từ những chiếc ultrabook có thiết kế mỏng, nhẹ dưới 1 kg cho đến những mẫu laptop “nặng nề” thay thế máy để bàn ưu tiên cho sức mạnh xử lý. Ngoài dạng nắp gập truyền thống, những mẫu thiết kế laptop dùng màn hình cảm ứng lai tablet xuất hiện ngày càng nhiều. Laptop cho nhu cầu phổ thông giá chỉ từ 6 – 7 triệu đồng trở lên, nhưng nếu không quá tiết kiệm thì có rất nhiều lựa chọn cao hơn, trong đó những chiếc ultrabook thanh thoát và thiết kế lai hiện đại thực sự hấp dẫn cho việc sử dụng di động. Thị trường phong phú, nhu cầu sử dụng tùy theo ngành học và sở thích của từng người, khả năng tài chính không phải ai cũng giống ai, đặt ra bài toán không dễ khi chọn chiếc laptop sao cho vừa ý, và có thể dùng suốt quãng đời sinh viên. Vậy, laptop nào là lựa chọn hợp lý với bạn? Siêu di động Ultrabook Chỉ cần nhìn thoáng qua các quầy bày bán laptop trong các siêu thị máy tính, điện máy, khách hàng có thể nhận ra ngay thiết kế laptop đang có xu hướng ngày càng mỏng và nhẹ hơn. Hòa theo trào lưu di động, những năm gần đây, Intel đã ra sức đầu tư, hỗ trợ các nhà sản xuất và quảng bá cho nhóm ultrabook với thiết kế mỏng, nhẹ trong khi máy vẫn đảm bảo hiệu năng cao và tăng thời lượng pin. Đây có thể coi là bước phát triển mới của nhóm máy tính xách tay siêu di động (ultraportable) chạy Windows nhằm cạnh tranh với Macbook Air của Apple, và cũng để giữ thị trường cho PC trước sức tấn công mạnh mẽ của smartphone và tablet. Theo những tiêu chuẩn mới nhất do Intel công bố nhân dịp chuẩn bị ra mắt chip Haswell vào năm ngoái, ultrabook phải có thời lượng sử dụng pin 9 giờ hoạt động liên tục (trước đây là 5 giờ), độ dày không vượt 23 mm nếu màn hình từ 14 inch trở lên và 20 mm cho loại màn hình nhỏ hơn 14 inch, và tất nhiên phải được trang bị vi xử lý Intel Core thế hệ mới nhất. Tầm nhìn của Intel rõ ràng là nhắm vào môi trường điện toán di động với những chiếc máy đủ nhẹ để bạn quên rằng đang mang theo người. Pin duy trì công việc cho cả ngày, và máy phải khởi động nhanh trong vòng vài giây từ chế độ ngủ đông để luôn trong trạng thái sẵn sàng cho công việc. Góp phần quan trọng vào những ưu điểm kể trên của ultrabook là việc dùng ổ nhớ SSD thay cho HDD truyền thống. Ổ SSD nhỏ, nhẹ, hoạt động với tốc độ nhanh, chạy êm và mát hơn hẳn ổ HDD. Ultrabook đã tạo nên trào lưu laptop mỏng, nhẹ, khởi động nhanh, hoạt động bền bỉ. Điều trở ngại là giá máy vẫn còn cao. Ultrabook thực sự đạt đúng những tiêu chuẩn qui định của Intel có thể hình dung mức giá 20 triệu đồng, như thế chỉ phù hợp với những ai đặt tính di động lên trên hết mà không quá căn ke về tiền bạc. Dù vậy, với trọng lượng nhẹ, thường dưới 1,5 kg, ultrabook rất phù hợp cho cuộc sống di chuyển liên tục của sinh viên. Ngoài ra trên thị trường có nhiều mẫu laptop dù chưa đạt tiêu chuẩn ultrabook của Intel nhưng có thiết kế mỏng, nhẹ thời lượng pin đạt 5 – 6 giờ, đáng để sinh viên chọn làm bạn đường tới trường, lên giảng đường với chi phí đầu tư không quá tốn kém. Laptop “lai” Khi smartphone và tablet tràn ngập khắp nơi, laptop truyền thống bỗng nhiên trông thô kệch, nặng nề trước những thiết bị cá nhân gọn nhẹ, thao tác đơn giản và sành điệu bằng chạm vuốt. Thiết kế lai là một nỗ lực lớn của các nhà sản xuất PC để duy trì năng suất vốn có cho chiếc laptop, nhưng lại cơ động trong sử dụng. Trên thị trường có nhiều dạng, nhưng phổ biến hiện nay là một số kiểu thiết kế lai cho phép chuyển nhanh chế độ sử dụng máy từ laptop sang tablet hay ngược lại dễ dàng, như: laptop lai 2-trong-1 có thể xoay, gập hay tách màn hình để dùng như tablet, hoặc tablet gắn vào đế cắm (dock) tích hợp bàn phím để biến thành chiếc laptop thực thụ. Lenovo Yoga 13 tiêu biểu cho dạng laptop có bản lề linh hoạt. Laptop có màn hình lật, xoay linh hoạt, điển hình là dòng Lenovo Yoga, Acer Aspire R7 và Dell XPS 11, thường được gọi là laptop biến hình. Với thiết kế bản lề linh hoạt, người dùng có thể lật, xoay màn hình quanh thân máy ra phía sau, hoặc màn hình xoay ngược cùng chống xuống dưới với bàn phím để dùng như tablet. Kiểu thiết kế này linh hoạt trong việc chuyển đổi chế độ để sử dụng bàn phím vật lý hay không. Nhược điểm dễ thấy của laptop dạng này là cồng kềnh nên dùng trong chế độ tablet không được thoải mái khi cầm lâu trên tay. Trong khi đó, dạng màn hình có thể tháo rời phù hợp hơn cho những người ít có nhu cầu sử dụng bàn phím vật lý. Khi tách rời màn hình khỏi chốt giữ với thân máy bao gồm bàn phím là có ngay chiếc tablet nhẹ nhàng, tiện cho sử dụng di động. Với dòng này có thể kể đến Asus Transformer Book T100, hay chiếc Samsung Ativ SmartPC Pro 700T. Một dạng khác nữa, ít phổ biến hơn là màn hình trượt, kiểu như chiếc Sony Vaio Duo 11. Máy thoạt trông như tablet, nhưng khi trượt màn hình lên trên sẽ lộ ra bàn phím để dùng như chiếc laptop truyền thống. Thiết kế này giống kiểu điện thoại nắp trượt khá phổ biến hồi đầu cho tới giữa những năm 2000, có ưu điểm bảo vệ bàn phím, gọn gàng, nhưng hạn chế là không tạo được nhiều góc nhìn với màn hình khi sử dụng. Cũng như loại tách màn hình, laptop dạng này thường dùng màn hình kích thước nhỏ, khoảng 10 – 12 inch, bàn phím cũng nhỏ. Hai loại này nhìn chung không thích hợp cho những công việc cần sử dụng bàn phím nhiều, như khi sinh viên làm bài tập nhóm, viết báo cáo thu hoạch đề tài. Laptop màn hình cảm ứng, dạng truyền thống Windows 8 được Microsoft thiết kế lại, lấy màn hình cảm ứng làm trung tâm hỗ trợ tối đa cách thức tương tác bằng chạm vuốt. Chính vì thế ngày càng nhiều dòng laptop đời mới được nhà sản xuất trang bị màn hình cảm ứng. Trên tinh thần cần kiệm, không nhất thiết phải sở hữu những kiểu thiết kế đột phá nhiều khi mang tính màu mè mà vẫn khai thác tối đa thế mạnh của Windows 8, laptop nắp gập truyền thống với màn hình cảm ứng cũng là lựa chọn hợp lý cho sinh viên, đối tượng người dùng luôn muốn tiếp cận công nghệ mới nhất. Không chỉ xuất hiện trên những dòng laptop cao cấp như thời kỳ đầu, hiện màn hình cảm ứng cũng đã đến với một số laptop tầm trung. Chẳng hạn Lenovo IdeaPad S410p trang bị CPU Intel Core i3, màn hình cảm ứng 14 inch có giá bán tham khảo 14,5 triệu đồng. Laptop mạnh dành cho đồ họa, kỹ thuật chuyên ngành Mặc dù laptop mỏng hơn đã thành xu hướng, nhưng vẫn còn một phân khúc thị trường của những laptop cấu hình mạnh không được thanh thoát, mà nhiệm vụ chính của chúng là nhằm thay cho PC để bàn với nhiều chức năng. Những loại này thiếu tính cơ động vì trọng lượng nhẹ không phải là ưu tiên, pin cũng nhanh hết. Nhưng chúng lại đáng chú ý với sinh viên các trường chuyên ngành kỹ thuật, kiến trúc, xây dựng hoặc một số người chuyên dùng ở nhà (khi ra đường dùng tablet hoặc những mẫu siêu mỏng và nhẹ) đáp ứng nhu cầu cao về hiệu năng và những tính toán cao cấp hàng ngày. Dù vậy không phải cứ cấu hình mạnh là máy gồ ghề, nặng nề, tốn pin, một số có thiết kế tốt nhưng vấn đề là giá quá cao. Chiếc MacBook Pro 15,4 inch (2013) giá bán 47,790 triệu đồng trên FPT Shop, có thiết kế đẳng cấp, sang trọng, pin lâu với màn hình Retina cực nét trở thành tiêu chuẩn mới cho đồ họa chất lượng cao. Trong thế giới Windows, màn hình hỗ trợ độ phân giải siêu cao, vượt 1080p cũng không thiếu. Chẳng hạn mẫu laptop Dell XPS 15 (9530) được Dell chào giá bán 2.000 USD đáng nể với độ màn hình phân giải 3.200 x 1.800, vỏ máy được chế tạo từ sợi carbon cao cấp. Để ý gì khi mua laptop Khi chọn mua laptop mới, các thông số kỹ thuật quan trọng mà bạn cần quan tâm gồm: kiểu bộ xử lý và bộ nhớ, kích thước màn hình và khả năng đồ họa, thời lượng pin, lưu trữ, và các cổng giao tiếp. Về bộ xử lý, các con chip Intel vẫn đang ngự trị trong thế giới PC. Các bộ xử lý Core thế hệ thứ tư (tên mã “Haswell”) hiện tại cải thiện đáng kể hiệu quả sử dụng điện năng, giúp tăng thời lượng pin so với các thế hệ vi xử lý trước. Hơn nữa các bộ xử lý Haswell còn nâng cao khả năng xử lý đồ họa. Các dòng vi xử lý của AMD, tên mã “Temash” và “Kabini” cũng được tăng cường hiệu năng, nhưng chưa thể bắt kịp những con chip mới nhất của Intel. Những máy thuộc dòng cao cấp, như Lenovo Yoga 2 13, mạnh mẽ với bộ xử lý Intel Core i7 kết hợp cùng RAM 8 GB DDR3. Nhưng nhu cầu sử dụng nói chung của sinh viên chỉ cần tới những bộ xử lý tầm trung Core i5, hoặc thấp hơn nữa là Core i3. Bộ nhớ 2 GB là tạm ổn, nếu hay mở nhiều ứng dụng đồng thời thì với RAM 4 GB máy sẽ hoạt động trơn tru hơn. Màn hình lớn hơn không hẳn là tốt hơn. Một màn hình lớn sẽ làm tăng trọng lượng máy, hao pin nhanh khi sử dụng. Với nhu cầu học tập thông thường, một màn hình 13 – 14 inch là hợp lý, nhỏ hơn nữa chẳng những khó nhìn mà kích thước bàn phím cũng nhỏ, không tiện khi cần gõ phím nhanh và nhiều. Tuy nhiên, màn hình lớn hơn 14 inch phù hợp cho sinh viên các ngành kiến trúc, xây dựng, kỹ thuật thường phải triển khai các bản vẽ cũng như xử lý hình ảnh nhiều. Và cho dù đã chọn bộ xử lý Haswell của Intel hay APU mới nhất của AMD, để dùng những phần mềm CAD triển khai các bản vẽ, những ứng dụng đồ họa nặng xử lý hình ảnh sẽ cần card đồ họa rời. Ngược lại, nếu chỉ có nhu cầu dùng máy “giản dị” thì card màn hình tích hợp trên bo mạch chủ không những giảm chi phí mà còn đỡ hao pin khi máy hoạt động. Về pin, dĩ nhiên thời lượng sử dụng càng cao càng tốt. Bạn có thể tra cứu thông tin trên bảng thông số kỹ thuật của máy có trong tài liệu hay từ trang web của nhà sản xuất. Có một tham số bạn có thể tự kiểm tra là số cell: 2, 3, 4 hay 6 cell. Càng nhiều cell, pin càng tích trữ được nhiều điện năng, nhưng điều cần cân nhắc là vì thế mà trọng lượng cũng tăng theo. Giới trẻ thường có nhu cầu chứa nhiều nội dung phim, ảnh, tài liệu trên máy, do đó một ổ cứng HDD 500 GB trở lên là điều nên lưu ý. Lưu trữ trên những đám mây dung lượng miễn phí hạn chế, hơn nữa nhiều thông tin nhạy cảm không nên đưa lên mây. Nếu không cần quá nhiều dung lượng lưu trữ, những máy dùng lưu trữ SSD là lựa chọn ưu tiên, tiện cho di động, khởi động nhanh hơn HDD. SSD dùng cho laptop sức chứa thua xa HDD, nhưng với dung lượng 256 GB hay 128 GB không thể nói là thiếu không gian lưu trữ cho nhu cầu học tập của sinh viên. Để cân bằng giữa chi phí và hiệu năng, có thể chọn những laptop kết hợp hai dạng ổ đĩa HDD + SSD nhằm tăng tốc độ khởi động chương trình từ SSD và cung cấp dung lượng nhớ lớn trên HDD. Kết nối là phần quan trọng của một laptop đời mới. Sẵn sàng kết nối không dây với các thiết bị ngoại vi qua Bluetooth, và với internet qua Wi-Fi 802.11n là mặc nhiên của laptop sản xuất trong thời gian gần đây. Wi-Fi chuẩn mới nhất 802.11ac có tốc độ truy cập nhanh hơn cũng đã được một số laptop đời mới hỗ trợ. Nhiều máy hỗ trợ kết nối mạng viễn thông không dây băng thông rộng 3G hay 4G, nhưng điều này cũng không cần thiết lắm vì dùng smartphone làm điểm truy cập không dây (hotspot), cung cấp kết nối 3G, 4G cho laptop rất tiện. Cổng USB hầu như không thể thiếu trên các laptop để giao tiếp với các phụ kiện và thiết bị ngoại vi. USB 3.0 cho băng thông rộng và tốc độ truyền cao hơn USB 2.0, có thể phân biệt bằng cổng màu xanh hoặc có dán nhãn với các chữ SS – Super Speed (siêu tốc). Một số mẫu laptop của HP hay Apple đã tiên phong tích hợp cổng Thunderbolt và Thunderbolt 2, cho tốc độ cao hơn cả USB 3.0 để kết nối máy với màn hình, ổ lưu trữ ngoài, hay các trạm kết nối (dock). Giao tiếp VGA “cổ truyền” dần biến mất để giảm độ dày cho những chiếc ultrabook. Hơn nữa nối màn hình ngoài và máy chiếu giờ đây cần các cổng DisplayPort hoặc HDMI, nhất là với màn hình HDTV đã trở nên phổ biến. Công nghệ kết nối không dây Wireless Display hay còn gọi là WiDi của Intel sẽ giúp việc kết nối với các thiết bị di động tiện hơn. Một số laptop hỗ trợ chuẩn kết nối không dây Miracast tương thích với nhiều loại thiết bị, gồm HDTV, smartphone, tablet và laptop. Khe cắm thẻ nhớ đa năng cũng là điều cần quan tâm để tiện sử dụng nội dụng tạo ra từ những thiết bị số khác và một webcam là phần không thể thiếu với laptop thời nay để chat video. Một ổ quang có lẽ không phải là điều quá quan tâm thời nay nữa. Nếu vẫn muốn dùng đĩa CD/DVD hay Blu-ray hãy chọn ổ DVD hay Blu-ray gắn ngoài theo chuẩn USB. Một điều cần lưu ý nữa là chế độ bảo hành. Hãy mua laptop chính hãng để nhận được chế độ bảo hành nghiêm túc. Hàng xách tay có thể giúp bạn tiết kiệm chút ít chi phí, nhưng nếu xảy ra trục trặc với laptop sẽ khó lường hậu quả. Asus có chế độ bảo hành 2 năm cho các dòng sản phẩm laptop của mình trong khi các hãng khác thời gian bảo hành có thể chỉ là 1 năm. PC World VN, 08/2014 Nguồn PC World VN