Edward Snowden: Thức tỉnh (phần 5)

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by Robot Siêu Nhân, Aug 31, 2014.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 387)

    Khi đã lao xuống vực thì không thể leo lên lại được nữa. Snowden biết điều đó và anh vẫn kiên định với quyết định của mình.


    (Tiếp theo phần 4)

    [​IMG]
    Chính tại Geneva, Snowden nhận thấy nhiều nhân viên CIA đánh đổi nguyên tắc đạo đức để giành lấy công việc. Bởi vì gián điệp được đề cử dựa vào số lượng nhân sự tuyển vào và thường có tình trạng tranh giành nhau bất kể khả năng có hay không. Các tay điều hành có thể dụ cho đối tượng say xỉn để khiến đối tượng đó phải vào tù, và lại chuộc họ ra, đặt đối tượng dính vào cảnh nợ nần. "Họ thực sự làm những điều đầy rủi ro để có thể tuyển dụng được, và gây ra những tác động rất tiêu cực lên cá nhân đối tượng đó, thêm nữa là tạo ra hình ảnh rất xấu về danh tiếng của quốc gia nếu bị bắt. Nhưng chúng tôi chỉ đơn giản là làm phần việc của mình," Snowden cho biết.
    Trong thời gian ở Geneva, Snowden biết được nhiều điệp viên tại đây không ủng hộ chiến tranh ở Iraq và chính sách của Mỹ tại Trung Đông. Vì công việc của anh ở đó là bảo trì hệ thống máy tính và quản lý mạng nên anh có thể truy cập được nhiều thông tin hơn ai hết về những mệnh lệnh chỉ đạo cuộc chiến đó. Những gì trông thấy đã tác động sâu sắc đến anh. "Đây là triều đại của tổng thống Bush, là khi cuộc chiến có rất nhiều góc tối. Chúng tôi tra tấn người dân; chúng tôi nghe lén mọi thứ."

    Anh bắt đầu có ý định lật tẩy mọi thứ nhưng lúc ấy Obama được bầu làm tổng thống nên anh im lặng. "Tôi nghĩ những chỉ trích về cuộc chiến Iraq của Obama tạo nhiều ấn tượng và ông ấy đại diện cho một giá trị khác của Mỹ. Ông ấy nói rằng chúng ta không hy sinh đi quyền lợi của chúng ta. Chúng ta không phải thay đổi con người chúng ta chỉ để bắt cho được một tỉ lệ rất nhỏ các tên khủng bố." Nhưng Snowden dần dần càng thấy thất vọng theo góc nhìn của anh vì Obama không làm theo những gì ông ấy từng hùng biện. "Họ không chỉ không thực hiện lời hứa mà còn thoái thác hoàn toàn điều ấy. Họ đi theo hướng ngược lại. Điều đó có nghĩa gì đối với một xã hội, một nền dân chủ, khi mà những con người bạn bầu ra dựa trên nền tảng là lời hứa của họ nhưng cơ bản là họ bị mua chuộc hết rồi?" anh cho biết.

    Phải mất vài năm thì tầng ảo ảnh mới này mới thực sự hiển hiện. Vào lúc ấy, năm 2010, Snowden chuyển từ CIA sang làm cho NSA, chấp nhận công việc là chuyên gia kỹ thuật ở Nhật Bản với Dell, là công ty đối tác lớn cho NSA. Từ sự kiện 11/9, dòng tiền đổ vào mảng tình báo rất nhiều, và công việc của NSA lúc ấy buộc phải thuê ngoài (outsource), bắt tay với một số đối tác bảo mật, trong đó có Dell và Booz Allen Hamilton. Đối với Snowden, nước Nhật luôn là đất nước đầy quyến rũ: anh muốn đến thăm Nhật từ hồi còn là cậu bé mới lớn. Snowden làm việc tại văn phòng NSA tại Yokota AirBase, bên ngoài Tokyo, nơi mà anh hướng dẫn cho các quan chức cấp cao và tướng lĩnh quân đội về cách bảo vệ mạng lưới của họ chống lại đám tin tặc Trung Quốc.

    Nhưng Snowden càng lúc càng tỉnh ngộ hơn. Đã đủ điều tệ hại khi anh còn thấy điệp viên chuốc các tay chủ ngân hàng say xỉn để rồi kéo họ về phe mình. Lúc này anh đã biết thế nào là giết đúng đối tượng và theo dõi đại trà, anh biết được mọi thứ đều chạy hết lên trên các màn hình của trụ sở NSA trên toàn thế giới. Snowden xem được những chiếc chiến đấu cơ không người lái của quân đội và CIA lặng lẽ xé nát cơ thể một ai đó. Và anh cũng bắt đầu khâm phục khả năng theo dõi của NSA trên quy mô lớn, là khả năng tạo một bản đồ di chuyển của mọi người trong một thành phố bằng ách giám sát địa chỉ MAC của họ, là con số định danh độc nhất cho mỗi chiếc điện thoại, máy tính và thiết bị điện tử.

    Ngay cả khi niềm tin vào nhiệm vụ anh được giao trong cơ quan tình báo của Mỹ lung lay dữ dội nhưng con đường thăng tiến của anh lại rất xán lạn, anh trở thành chuyên gia kỹ thuật được tin cậy. Năm 2011, anh trở về Maryland, nơi đó anh dành khoảng 1 năm làm chuyên gia công nghệ của Dell, dưới danh nghĩa nhân viên CIA. "Tôi có thể ngồi cùng bàn với CIO của CIA, CTO của CIA, với trưởng bộ phận các văn phòng chi nhánh. Họ sẽ nói cho tôi nghe về những vấn đề công nghệ khó khăn nhất mà họ đang vấp phải và công việc của tôi là đến đó để sửa."

    Nhưng vào tháng 3/2012, Snowden lại di chuyển một lần nữa, lần này là đến một trạm khổng lồ ở Hawaii mà trong giới gọi là "đường hầm", vẫn giữ chức trưởng nhóm công nghệ cho văn phòng chia sẻ thông tin, tập trung vào các vấn đề kỹ thuật. Bên trong "đường hầm" là một hầm chứa rộng đến hơn 2,3 ha, trước đây từng là công xưởng để ngư lôi. Lo ngại của Snowden về khả năng của NSA và chuyện dễ xảy ra sai sót mỗi ngày một lớn. Trong những phát hiện khiến anh sốc nhất là NSA từng thường xuyên chuyển những dữ liệu liên lạc mật, riêng tư, các nội dung metadata, cho tình báo Israel mà không hề được mã hóa. Thường thì các thông tin như vậy sẽ được "tối thiểu hóa", là quy trình bỏ đi tên tuổi và nhận dạng cá nhân. Nhưng trong trường hợp này, NSA hầu như không làm gì để bảo vệ thông tin liên lạc của người dân Mỹ, trong đó có cả email và số điện thoại của hàng triệu người Mỹ gốc Ả Rập và Palestine, mà người thân của họ có thể đang ở đất nước Palestine đang bị Israel chiếm đóng, và những người ấy cũng có thể trở thành mục tiêu dựa trên chuyện không bảo mật thông tin như vậy.

    Phát hiện rắc rối khác là một tài liệu của giám đốc NSA, Keith Alexander, cho thấy NSA đang theo dõi thói quen xem nội dung đồi trụy của các chính trị gia. Tài liệu ấy đề nghị rằng NSA có thể tận dụng "những kẻ hở cá nhân" để phá hoại thanh danh của những chính trị gia nào không đồng thuận với kế hoạch công kích chủ nghĩa khủng bố. Sau đó, tài liệu này liệt kê ra sáu người bị xem là đối tượng tiềm năng. Greenward đã xuất bản một phiên bản có hiệu chỉnh về tài liệu này hồi năm ngoái, đăng trên Huffington Post.

    Snowden rất hổ thẹn về tài liệu này. "Nó giống như kiểu FBI cố gắng sử dụng sự bội tín của Martin Luther King để gán ghép rằng ông ấy tự tử. Vào những năm 1960, những điều này không thể chấp nhận được. Vậy thì tại sao bây giờ chúng ta lại làm chuyện đó? Tại sao chúng ta lại phải dây dưa với nó thêm lần nữa?" anh nói.

    Vào giữa thập niên 70 thế kỷ trước, nghị sỹ Mỹ Frank Church cũng sốc tương tự như vậy khi biết được nhiều thập kỷ liền cơ quan tình báo Mỹ cài gián điệp theo dõi một cách bất hợp pháp, đó là lần đầu tiên hoạt động của cơ quan này bị phơi ra trước công chúng. Vụ việc xa xưa ấy đã mở ra một cánh cửa để Quốc hội Mỹ đưa ra một số điều chỉnh luật, trong đó có bổ sung một đạo luật Giám sát tình báo nước ngoài.

    Snowden thấy được có một sự liên đới nào đó giữa thời ấy và hiện nay. "Frank Church ví von vụ việc đó giống như nó đang ở trên một bờ vực. Ông lo ngại một khi chúng ta ngã vào rồi thì sẽ không thể nào trở lên được. Và đến nay, lo ngại này của ông đã thành sự thực, là chúng ta lại một lần nữa đứng trên bờ vực." Giống như Church trước đây, anh thấy rằng cách duy nhất để sửa sai là phơi bày mọi thứ của chính phủ ra ánh sáng. Nhưng Snowden không có một hội đồng nghị viện ủng hộ cho việc anh làm hoặc quyền đưa ra trát hầu tòa đối với NSA. Anh phải làm nhiệm vụ ấy âm thầm, lén lút, giống như cách anh được trui rèn vậy.

    (Còn tiếp)

    Nguồn PC World VN
     
  2. Facebook comment - Edward Snowden: Thức tỉnh (phần 5)

Share This Page