Câu chuyện của một cộng tác viên kỳ cựu của tờ The Wired - James Bamford - về Edward Snowden cho thấy được bề chìm của một tảng băng Internet mà phần đông chúng ta chỉ thấy được bề nổi. Khi đi đến ngã rẽ chọn lựa giữa công việc và tình yêu dân tộc, Edward Snowden, kẻ từng được đề cử cho giải Nobel hòa bình năm nay, đã chọn đi con đường bên phải mà anh biết trước là vô cùng trắc trở. Chiếc MacBook Air mà nhà báo James cho là "sạch", nhận được một gói dữ liệu mã hóa phức tạp, nội dung chỉ vỏn vẹn "Thay đổi theo kế hoạch. Đến khách sạn ____ vào lúc 1 pm. Cầm theo một cuốn sách, chờ ES tìm ông." ES là viết tắt của Edward Snowden, người đang bị Mỹ phát lệnh truy nã trên toàn cầu. Gần 9 tháng ròng rã, ông James cố sắp lịch hẹn phỏng vấn với Edward, ông phải bay đến Berlin, hai lần đến Rio de Janeiro, và nhiều lần với vài người thân tín của Edward để có thể sắp xếp được cuộc hẹn. Trong số ấy, có một câu hỏi mà tay nhà báo này luôn muốn được trả lời: điều gì đã khiến Edward Snowden tiết lộ cả trăm ngàn tài liệu mật và các chương trình giám sát của chính phủ Mỹ? Cuối cùng, vào tháng 5 vừa rồi, James nhận được một email từ luật sư của Edward, ông Ben Wizner, xác nhận anh sẽ gặp James tại Moscow và có thể trao đổi trực tiếp với anh vào 3 ngày cố định trong vòng vài tuần. Đây là khoảng thời gian duy nhất mà bất kỳ nhà báo nào được phép gặp gỡ anh kể từ khi anh đến Nga vào tháng 6/2013. Nhưng chi tiết cuộc gặp vẫn chưa được tay luật sư thông báo cụ thể. Nhà báo James đáp xuống sân bay Moscow mà không biết chính xác khi nào, ở đâu sẽ gặp được Edward. Cuối cùng, thông tin chi tiết cũng đến với ông. James trọ tại khách sạn Metropol, là một tác phẩm kiến trúc về lối phối màu cát, theo trường phái nghệ thuật tiền hiện đại. Được xây vào khoảng thời gian Czar Nicholas đệ nhị, sau này khách sạn Metropol trờ thành tòa nhà Quốc hội thứ hai của Xô-viết sau khi Blosheviks lên cầm quyền năm 1917. Trong nhà hàng của khách sạn, tác phẩm Lenin trong chiếc áo bành tô và đôi ủng cổ cao Kirza đang kêu gọi những người ủng hộ ông. Đến nay, hình ảnh ấy vẫn còn hiện diện trên tấm tranh lớn trang trí khách sạn, được bố trí rất thích hợp, đối diện với những biểu tượng tượng trưng cho một nước Nga đổi mới nằm phía bên kia tòa nhà, đó là những biển hiệu của những hãng xe Bentley và Ferrari, của trang sức Harry Winston và Chopard. Trước đây, nhà báo James từng có vài dịp ở Metropol trong suốt 3 thập kỷ làm phóng viên điều tra. Cách nay 20 năm, ông từng phỏng vấn Victor Cherkashin, sỹ quan cấp cao của KGB, người phát hiện ra gián điệp Mỹ như Aldrich Ames và Robert Hanssen. Và đến năm 1995, ông James một lần nữa đến ở Metropol trong suốt thời kỳ chiến tranh giữa Nga với Chechnya, khi đó ông đã gặp Yiru Modin, là tay tình báo Xô-viết thâm nhập vào tổ chức Cambridge Five nổi tiếng của Anh Quốc. Khi Snowden bay đến Nga sau khi lấy cắp tài liệu mật của Mỹ với số lượng lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử nước này, vài người ở Washington cáo buộc anh là gián điệp Nga. Nhưng cho đến nay, vẫn chưa có một bằng chứng cụ thể nào củng cố cho ý kiến đó. Về cá nhân tay nhà báo James, ông cảm thấy có một chút quan hệ gì đó với Snowden. Giống như anh, James cũng từng làm cho NSA ở Hawaii, và từng trải qua 3 năm phục vụ trong Hải quân Mỹ trong cuộc chiến tại Việt Nam. Sau đó, ông James học dự bị đại học tại trường luật và ông chống lại NSA khi phát hiện một chương trình nghe lén bất hợp pháp đối với công dân Mỹ của tổ chức này. Ông nói chương trình ấy trước một hội đồng lập pháp và sau đó có một cuộc điều tra của Quốc hội Mỹ về chương trình ấy, dẫn đến Quốc hội phải bổ sung luật để ràng buộc quyền lực của cơ quan tình báo Mỹ hồi những năm 1970. Cuối cùng, sau khi tốt nghiệp, ông James quyết định viết một cuốn sách nói về NSA. Khi cuốn sách xuất bản, một số kẻ đe dọa ông James, cho rằng ông vi phạm luật hoạt động gián điệp, tương tự như Snowden nhưng trong trường hợp ông James, khác với Snowden, không ai có bằng chứng để cáo buộc ông. Kể từ đó, ông viết nhiều sách hơn nói về NSA cũng như nhiều bài báo cho một số tạp chí và các bài viết nhận định, bình luận khác. Nhưng trong toàn bộ quá trình làm việc của ông James, chưa bao giờ ông có cảm giác đặc biệt như khi tiếp xúc với Snowden. Anh là mẫu nhân viên kiểm soát hậu hiện đại. Ngoài đời, rất ít người gặp được anh kể từ khi anh biến mất ở khu sân bay Moscow hồi tháng 6 năm ngoái. Nhưng dù vậy, anh vẫn hiện diện trên diễn đàn quốc tế, không chỉ như một con người không có quốc gia nhưng còn là một con người không bao giờ thấy mặt. Khi được phỏng vấn tại hội nghị South by South West hoặc nhân các giải thưởng về nhân đạo, tấm hình của anh như chính hiện thân của anh mà thôi. Trong phỏng vấn với TED hồi tháng 3 đầu năm nay, anh tiến xa hơn một chút, có một màn hình nhỏ gắn trên hai thanh đứng có bánh xe, điều khiển từ xa, hiển thị gương mặt anh được truyền hình trực tiếp, cho anh có thể "vừa đi vừa nói" xung quanh khán phòng, và có thể... tự chụp ảnh selfie với người nghe. Dĩ nhiên, Snowden rất cẩn trọng khi sắp xếp gặp gỡ mặt đối mặt. Câu truyện của Greg Miller vừa đăng tải trên báo chí mô tả những cuộc họp hàng ngày với các quan chức cấp cao của FBI, CIA và văn phòng chính phủ Mỹ luôn đề cập đến các giải pháp bắt cho bằng được Snowden. Đến nỗi một quan chức Mỹ nói với Miller rằng: "Chúng tôi hy vọng sẽ có lúc hắn hớ hênh lên một chiếc máy bay nào đó, và một đồng minh sẽ báo cho chúng tôi biết." Nhưng anh không lên chiếc máy bay nào cả. Từ khi anh đến Nga, Mỹ hầu như mất mọi dấu vết về anh. Nhà báo James cố gắng tránh bị theo đuôi khi biết thông tin khách sạn được bố trí để phỏng vấn, nằm ở một nơi khá heo hút và ít khách phương Tây qua lại. Ông kiếm một chỗ ngồi ở lobby đối diện với cửa chính, mở cuốn sách được bảo mang theo ra đọc. Khi kim đồng hồ vừa điểm một giờ, Snowden bước vào, mặc quần jean sẫm và chiếc áo khoác thể thao màu nâu, khoác trên vai phải là chiếc balo đen lớn. Ngay lúc bước vào, anh không thấy ông James nhưng khi James đứng dậy và đi lại, anh hỏi "Anh ở đâu vậy? Tôi không thấy anh." James chỉ vào chỗ ngồi ban nãy. "Anh từng làm CIA phải không?", ông James trêu và Snowden cười. (Còn tiếp) Nguồn PC World VN