Chiếc máy tính để bàn của bạn hầu như gần hết chỗ lưu trữ và bạn muốn gắn thêm một ổ cứng mới. Hãy tham khảo những bước sau trước khi bắt tay thực hiện việc nâng cấp. Thêm ổ cứng gắn trong là một trong những việc nâng cấp đơn giản nhất. Đây cũng thường là một lựa chọn tốt hơn nhiều so với giải pháp lưu trữ sử dụng ổ cứng gắn ngoài có tốc độ chậm hơn và có thể bị rơi hoặc thất lạc. Quá trình này thường đòi hỏi không quá nhiều thao tác ngoài việc lắp đặt ổ cứng vào bên trong thùng máy tính, kết nối dây cáp nguồn và cáp dữ liệu, sau cùng là phân vùng và định dạng ổ đĩa để sử dụng. Tuy nhiên, có một vài điều bạn nên biết để quá trình thực hiện được diễn ra một cách suôn sẻ nhất có thể. Xác định khoang ổ cứng và cách gắn Ổ cứng gắn trong 3,5-inch cho máy tính để bàn thường được đặt trong một khoang ổ đĩa có sẵn của thùng máy. Vị trí đặt và hướng của các khoang này sẽ thay đổi tùy theo từng loại thùng máy. Vị trí thường gặp nhất là ở phía trước bên dưới, gần các quạt hút gió vào thùng máy để đưa không khí đi qua các thành phần khác. Khoang thường được gắn vuông góc với đáy thùng máy, trong khi ổ cứng gắn trong khoang thường được đặt song song với đáy của thùng máy. Hãy tìm một chỗ trống thích hợp và vừa vặn để gắn thêm ổ cứng mới. Ốc vít giúp cố định ổ cứng vào khoang bên trong thùng máy tính. Ốc vít là cách tốt nhất để đảm bảo ổ cứng của bạn được gắn chắc chắn vào khoang ổ đĩa. Hãy sử dụng tuốc-nơ-vít có nam châm để có thể giúp tránh rơi ốc vít vào những nơi khó lấy bên trong thùng máy. Trong hầu hết các trường hợp, sau khi gắn vào thì các cổng kết nối trên ổ cứng sẽ hướng về phía sau. Cũng có một số thùng máy dành cho dân độ máy tính cho phép người dùng gỡ bỏ khoang ổ cứng hoặc gắn chúng vào các vị trí khác để tối ưu hóa luồng không khí và đơn giản hóa việc đi dây cáp. Gắn ổ cứng vào khoang Thao tác gắn ổ cứng vật lý vào trong thùng máy tính có lẽ là phần khó nhất của quá trình nâng cấp này. Hãy đảm bảo ổ cứng được gắn chặt vào khoang bằng 4 con ốc ở hai bên hoặc dưới đáy của ổ. Nhiều trường hợp, đặc biệt là đối với thùng máy dành cho dân độ máy tính thường sử dụng loại khay trượt không cần gắn ốc mà vẫn có thể giữ ổ cứng nằm chắc chắn bằng cách dùng các khóa kẹp. Sử dụng vít là phương pháp gắn chắc chắn hơn, nhưng loại khay ổ đĩa không dùng ốc cũng có thể được sử dụng tốt cho các hệ thống không thường xuyên di chuyển xung quanh nhiều. Nhiều loại thùng máy tính trang bị khay ổ cứng dạng trượt không cần bắt ốc vít. Ổ cứng có tuổi thọ kéo dài hơn khi chúng được gắn chắc chắn và ở những vị trí mát mẻ. Khi gắn nhiều ổ cứng vào trong hệ thống, hãy cố gắng chừa lại càng nhiều không gian trống giữa chúng càng tốt để tối đa hóa luồng không khí đi từ phía trên đỉnh xuống đáy thùng máy. Hãy bố trí các ổ cứng trực tiếp ngay phía trước một quạt tản nhiệt để giúp chúng hoạt động mát hơn. Kết nối ổ cứng vào cổng SATA Một khi ổ cứng đã được gắn vào khoang, bạn có thể kết nối nó vào hệ thống nhanh chóng và dễ dàng. Hầu như tất cả các ổ cứng máy tính để bàn mới được bán ngày nay đều sử dụng giao diện SATA (trừ khi bạn đang làm việc với máy chủ). SATA sử dụng loại cáp đơn giản hơn so với công nghệ cáp IDE trước đây và dùng một loại đầu cắm thiết kế đồng nhất trên cả bo mạch chủ và ổ cứng. Kết nối cáp SATA dữ liệu và cáp nguồn vào ổ cứng. Hãy gắn một đầu của cáp SATA vào ổ cứng và đầu kia vào một cổng SATA có sẵn trên bo mạch chủ. Bạn có thể nhận thấy dây cáp SATA đi kèm với ổ cứng mới hay bo mạch chủ có nhiều kiểu đầu kết nối khác nhau: đầu thẳng hoặc góc vuông (hình chữ L). Một số loại cáp SATA còn có đầu kết nối có móc giữ bằng kim loại. Hình dạng của các đầu kết nối không tạo nên sự khác biệt trong hoạt động. Hãy sử dụng loại cáp SATA với móc giữ kim loại bởi vì chúng giúp giữ cho cáp kết nối an toàn, không bị vô tình sút ra. Sau khi đã hoàn tất việc kết nối cáp SATA, bạn sẽ phải gắn cáp nguồn từ bộ nguồn PSU vào ổ cứng. Cáp điện nguồn từ PSU cũng giống như cáp dữ liệu SATA, sẽ phù hợp với đầu cắm trên ổ đĩa. Hãy đảm bảo gắn chính xác và chắc chắn. Chuẩn bị ổ cứng để sử dụng Một khi bạn đã gắn và kết nối dây cáp với ổ cứng, hãy bật nguồn điện máy tính và đăng nhập vào BIOS/UEFI hệ thống. Thông thường, bạn có thể truy cập vào BIOS/UEFI bằng cách nhấn phím DEL hoặc phím F2 ngay sau khi bật nguồn hệ thống và màn hình hiển thị một dòng thông báo "Press DEL to enter Setup". Hãy tham khảo sách hướng dẫn sử dụng bo mạch chủ của bạn để biết phím chính xác cần nhấn. Kiểm tra nhận diện ổ cứng trong BIOS. Trong BIOS, vào trình đơn “System Settings” tiêu chuẩn hoặc trình đơn “Integrated Peripherals” rồi chọn SATA để xem tất cả các ổ cứng được cài đặt trong hệ thống. Nếu tất cả các bộ điều khiển ổ đĩa của bạn được kích hoạt và các ổ cứng được kết nối đúng (và có hoạt động), nó sẽ được liệt kê trong BIOS. Nếu ổ cứng không được liệt kê, hãy tắt máy tính, kiểm tra lại tất cả các kết nối, khởi động vào BIOS và kiểm tra lại lần nữa. Nếu ổ cứng vẫn không hiển thị lên và tất cả các kết nối đã được gắn đúng, hãy thử cắm cáp dữ liệu SATA vào một cổng khác trên bo mạch chủ. Để đảm bảo rằng Windows đã nhận dạng ổ cứng, hãy vào Device Manager. Trong Windows 7, nhấp chuột phải vào biểu tượng Computer trên màn hình Desktop, chọn Properties rồi chọn Device Manager. Kiểm tra các ổ cứng trong phần Disk Drives. Khi khởi động vào Windows sau khi gắn ổ cứng, bạn sẽ có thể thấy bảng thông báo phần cứng mới New Hardware Found Wizard bật lên nếu ổ đĩa được phát hiện. Điều cuối cùng bạn cần làm là phân vùng và định dạng ổ đĩa. Sau đó, ổ cứng đã sẵn sàng để sử dụng. Nếu chia ổ cứng thành nhiều phân vùng, bạn sẽ thấy một số ổ đĩa xuất hiện trong File Explorer với các ký tự ổ đĩa riêng. Nguồn PC World VN