Các nhà khoa học vừa phát hiện ra dấu vết của các sinh vật phù dù sống bám trên bề mặt đèn chiếu sáng của Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Những sinh vật này được tìm thấy khi các nhà khoa học đang tiến hành quá trình vệ sinh bên ngoài bề mặt Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Mặc dù không phải là sinh vật ngoài hành tinh nhưng các nhà khoa học không biết làm cách nào chúng có thể xuất hiện trên bề mặt của trạm không gian, cách mặt đất gần 330km. Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). (Ảnh: snowbrains.com) Mirror dẫn lời Vladimir Solovyev, trưởng trạm không gian ISS của Nga, cho biết: "Sau khi tiến hành thí nghiệm, chúng tôi tìm thấy dấu vết của sinh vật phù du và các hạt rất nhỏ bám trên bề mặt của đèn chiếu sáng. Phát hiện này cần được nghiên cứu kỹ hơn". Các sinh vật nói trên không chỉ tồn tại mà còn có thể phát triển trong điều kiện khó khăn như thiếu oxy, không trọng lượng, nhiệt độ khắc nghiệt và chịu các bức xạ từ vũ trụ. Ông Solovyev cũng khẳng định phát hiện này đặc biệt quan trọng đối với các chuyến bay dài vào không gian, mặc dù bản thân ông cũng không lý giải được tại sao chúng có thể xuất hiện trên trạm ISS. Dấu vết của các sinh vật phù du cũng không được tìm thấy ở sân bay vũ trụ Baikanour của Kazakhstan, nơi ISS được phóng lên không gian. "Rất có thể chúng theo các dòng không khí bốc lên, bám lại và phát triển trên bề mặt ISS", Solovyev nhận định. Sinh vật phù du thường là những sinh vật nhỏ, bao gồm cả sứa, sống trôi nổi hoặc có khả năng bơi một cách yếu ớt trong nước ngọt hoặc đại dương. Nguồn VNExpress