Viv Labs đã khởi động một chương trình nhằm tạo ra trợ lý thông minh nhân tạo có thể dễ dàng truy cập, sử dụng và có khả năng học hỏi mà không cần sự tác động của con người. Chương trình này có tên gọi “Global Brain” (bộ não toàn cầu) với sự tham gia của những thành viên thuộc nhóm nghiên cứu tạo ra Siri trước đây. Theo Wired thì các nhà sáng lập Viv Labs cho biết trợ lý thông minh này không được xem như một tiện ích đi kèm với một sản phẩm phần cứng, mà là một dịch vụ có bản quyền. Tham vọng của Viv Labs là trong tương lai, tất cả các tổ chức từ các nhà sản xuất truyền hình cho đến những hãng xe sẽ phát triển những ứng dụng có thể kết hợp với AI (artificial intelligence - trí tuệ nhân tạo) của Viv. Ý tưởng này cũng giống như tầm nhìn của Microsoft trong những năm trước. Đó là ý tưởng về việc sử dụng những cỗ máy tính có khả năng tự học hỏi và nâng cao kỹ năng để có thể giao tiếp bình thường và thực hiện các yêu cầu của con người mà không có bất cứ trở ngại nào. Microsoft cũng muốn rằng, công cụ này có thể truy cập và khai thác một nguồn dữ liệu nào đó để có được phản hồi tốt nhất. Liệu dự án trí thông minh nhân tạo của Viv Labs có thành công trước sự lấn át của những hãng lớn như Apple, Microsoft và Google? Microsoft không phải là hãng duy nhất tham gia vào cuộc chạy đua phát triển trí tuệ nhân tạo. Đầu năm nay, Google đã mua lại công ty trí tuệ nhân tạo DeepMind với giá 400 triệu USD. Công cụ trí tuệ nhân tạo này tiếp tục hỗ trợ và tăng cường cho trợ lý ảo Google Now để ngày càng hoàn thiện hơn. Hãng này cũng đã giới thiệu một vài chi tiết liên quan đến Google Brain. Hay vào năm ngoái, Google đã nhận chuyên gia trí tuệ nhân tạo Geoffrey Hinton và nhà tương lai học Ray Kurzweil vào công ty để bắt đầu nghiên cứu sâu về lĩnh vực này. Trong khi đó, Apple cũng tăng cường nghiên cứu và nâng cao khả năng nhận diện giọng nói cho Siri. Hãng này cũng làm việc cật lực để cải thiện “trí thông minh” của trợ lý ảo Siri để đối đầu với sựu cạnh tranh khá dữ dội gần đây của Microsoft Cortana. Câu hỏi đặt ra là liệu Viv Labs có thành công với dự án trí thông minh nhân tạo của mình trước những đối thủ mạnh như Microsoft, Google hay Apple? Nhiều ý kiến cho rằng, với sự tham gia của những chuyên gia phát triển ra Siri ban đầu là Dag Kittlaus, Adam Cheyer và Chris Brigham thì rất có thể dự án này sẽ rất có tương lai. Trước đó, Steve Jobs đã thuyết phục nhóm phát triển bán ứng dụng Siri nguyên thuỷ cho Apple, với hy vọng hãng này sẽ phổ biến Siri rộng rãi hơn. Tuy nhiên sau đó, việc Siri lại chỉ được Apple tích hợp lên iPhone đã khiến nhóm phát triển thất vọng. Thậm chí, một trong những nhà tài trợ cho việc phát triển Siri ban đầu đã nói rằng: “Khả năng của Siri năm 2014 kém hơn Siri năm 2010”. Sau khi Steve Jobs qua đời, Kittlaus và Cheyer đã rời Apple và bắt đầu kế hoạch tạo lại Siri vì cho rằng trí tuệ nhân tạo này có thể đã thông minh hơn nếu như Apple không mua nó. Trước khi bán, Siri đã hợp tác với khoảng 45 dịch vụ từ AllMenus.com đến Yahoo; trong khi đó Apple đã tích hợp lên Siri ít hơn 6 dịch vụ. Bên cạnh Siri của Apple, dự án mới thực sự sẽ gặp nhiều khó khăn trước Cortana của Microsoft và Google Now của Google. Nhưng những quyết tâm của nhóm phát triển cùng những kinh nghiệm đã có từ Siri có thể sẽ giúp dự án trí thông minh nhân tạo mới này thành công. Nguồn PC World VN