(XHTT) “Sự can thiệp của Nga vào nước láng giềng Ukraine” là lý do Mỹ và phương Tây (EU) đưa ra để trừng phạt Nga đã đẩy các bên vào thế đối đầu. Sau vụ Crimea sáp nhập vào Nga, kế đến là tình hình chính trị ở miền Đông Ukraine luôn căng thẳng rồi “bồi thêm” thảm họa MH17 của hãng hàng không Malaysia bị bắn rơi ở Ukraine, làm cho cả Mỹ và phương Tây (các nước châu Âu – EU) cùng đổ lỗi cho Nga, đẩy sự căng thẳng lên một nấc thang mới, tiềm ẩn những hậu quả khó lường đối với kinh tế các bên. Tổng thống Mỹ Barack Obama. “Trâu, bò… đánh nhau” Hồi giữa tháng 7, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết, các mục tiêu trừng phạt là có chọn lọc, nhằm gây tác động tối đa đối với Nga trong khi hạn chế đến mức tối thiểu những ảnh hưởng đối với các công ty của Mỹ và các nước đồng minh châu Âu. Ông Obama tuyên bố sẽ tiếp tục áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nếu Nga không có các biện pháp cụ thể để hạ nhiệt tình hình Ukraine, VietnamPlus cho biết. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo thuộc Liên minh châu Âu (EU) tỏ ra thận trọng hơn. Họ lo ngại rằng các biện pháp trừng phạt có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế của chính mình, bởi mối quan hệ tài chính của các nước EU với Nga mật thiết hơn Mỹ. Sau Hội nghị thượng đỉnh hôm 16/7 tại Brussels, EU tuyên bố đã yêu cầu Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) không ký kết thêm bất kỳ thỏa thuận tài chính nào với Moskva. EU cũng đồng ý ngừng cấp vốn cho các hoạt động mới của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) ở Nga. Đối lại, ngay hôm sau (ngày 17/7), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố, các biện pháp trừng phạt mới sẽ đưa mối quan hệ Nga - Mỹ vào ngõ cụt và cũng ảnh hưởng tới chính Mỹ, sẽ làm tổn hại các lợi ích quốc gia dài hạn của nước Mỹ và người dân Mỹ. Còn Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cũng tuyên bố, những biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào một số công ty công ty quốc phòng hàng đầu của Nga là bất hợp pháp, thể hiện “tính cạnh tranh không lành mạnh” của Mỹ trên thị trường vũ khí. Nhưng việc gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Nga và nền kinh tế Nga, mà chính các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu cũng bị vạ lây khi bỏ lỡ nhiều cơ hội tại thị trường Nga tiềm năng. “Ruồi, muỗi… chết” Ngay sau khi áp lệnh trừng phạt lẫn nhau, đà phục hồi kinh tế của các nước thuộc khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) bắt đầu bị ảnh hưởng. Số liệu thống kê cho thấy, do hoạt động xuất khẩu yếu, đầu tư đi xuống, GDP của Đức, nền kinh tế lớn nhất Eurozone đã giảm 0,2% trong giai đoạn từ tháng 4 - 6/2014 và đánh dấu lần suy giảm đầu tiên trong hơn một năm. Cùng kỳ, Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai Eurozone “dậm chân tại chỗ”, với tăng trưởng 0% trong quý 1. Với kết quả thất vọng này, Bộ trưởng Tài chính Pháp, Michel Sapin đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2014 của Pháp từ 1% xuống khoảng 0,5%, đồng thời cho rằng Pháp sẽ không đạt được mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách về mức tương đương 3,8% GDP. Còn nền kinh tế lớn thứ ba Eurozone là Italy đã sụt giảm 0,2% trong quý 2, ghi dấu lần suy thoái thứ 3 kể từ năm 2008 đến nay. Vì sự sụt giảm này, càng gây thêm sức ép lên chính quyền của Thủ tướng Matteo Renzi phải đẩy mạnh cải cách cơ cấu nền kinh tế như đã cam kết. Về phía Nga, Bộ trưởng Kinh tế Nga cho rằng tỷ lệ đầu tư sẽ xuống mức tiêu cực, lợi tức giảm xuống, lạm phát tăng, dự trữ nhà nước thu hẹp khi Nga phải chịu lệnh trừng phạt từ Mỹ và EU. Hiện, nhiều người đang tỏ ra quan ngại rằng, các biện pháp trừng phạt lẫn nhau giữa Nga và phương Tây sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đà tăng trưởng của Eurozone. Evelyn Herrmann, nhà kinh tế thuộc BNP Paribas đã cảnh báo nguy cơ suy giảm của kinh tế Eurozone sẽ cao hơn trong quý 3, chủ yếu do tình hình căng thẳng địa chính trị. Nga muốn “làm hòa” với phương Tây? Phát biểu với giới chức Crimea trong chuyến thăm bán đảo này ngày 14/8, Tổng thống Nga Putin cho biết, nước Nga sẽ duy trì sự bình tĩnh, phẩm giá và tiếp tục xây dựng đất nước một cách hiệu quả, nhưng không có nghĩa là tạo thành 1 rào chắn với thế giới bên ngoài - vov.vn đưa tin. Tuyên bố này được coi là một “tín hiệu” tìm kiếm sự hòa giải với phương Tây sau nhiều tháng quan hệ giữa Nga và châu Âu căng thẳng leo thang vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine, dẫn đến các lệnh trừng phạt lẫn nhau, khiến cả 2 bên có thể thiệt hại nặng nề. Ông Putin nhấn mạnh, nước Nga phải đoàn kết và luôn sẵn sàng nhưng không phải cho một cuộc chiến hay bất cứ hình thức đối đầu nào. Ông cũng khẳng định, Moscow sẽ làm tất cả những gì có thể để chấm dứt xung đột và đổ máu ở Ukraine. Giới quan sát phương Tây cho rằng, đây không phải là lần đầu tiên ông Putin dùng lời lẽ xoa dịu Liên minh châu Âu và Mỹ, nhưng điều này chưa đảm bảo các động thái hòa giải thực tế giữa 2 bên. Xét cho cùng, những “lệnh trừng phạt” được ban bố bởi những người quyền thế, dù với lý do nào đi chăng nữa, chúng vẫn làm cho nền kinh tế các nước bị suy sụp và “người chịu hâu quả cuối cùng” vẫn là người dân các nước. Thanh Trà (tổng hợp) Nguồn Xã hội thông tin