(XHTT) Tại hội nghị cấp Ngoại trưởng ASEAN đang diễn ra tại Myanmar trong những ngày này, TQ tiếp tục mang những luận điểm “không giống ai” ra để trì hoãn và kéo dài tình hình. Lớn tiếng đe dọa phản ứng của các nước về Biển Đông Theo RFI, ngày 9/8, sau hội nghị cấp Ngoại trưởng ASEAN tại Myanmar, Bắc Kinh lại đe dọa sẽ có phản ứng mạnh nếu như quyền lợi của họ tại Biển Đông bị xâm phạm, trang BizLIVE đưa tin. Bắt tay “chung lòng” như vậy đấy, nhưng TQ chẳng bao giờ thực hiện. Ngay sau cuộc gặp gỡ với 10 đồng nhiệm - cùng là thành viên ASEAN, Ngoại trưởng TQ Vương Nghị tuyên bố: "Lập trường của TQ trong việc bảo đảm chủ quyền, các quyền hàng hải và quyền lợi của mình là kiên quyết và không lay chuyển". Họ Vương còn đe dọa, tình hình tại các vùng tranh chấp là "ổn định", Bắc Kinh vẫn luôn luôn hành động một cách "kiềm chế", nhưng trước “các hành động khiêu khích” vô căn cứ (ám chỉ của các nước – PV), TQ cần có những phản ứng rõ ràng và cứng rắn. Trong khi đó, các thành viên là các Ngoại trưởng và giới chuyên gia tham dự tại đây đều lên tiếng kêu gọi phải khẩn trương ký kết một bộ quy tắc ứng xử để xử lý các tranh chấp tại Biển Đông. Ra sức biện minh cho việc xây dựng 5 ngọn hải đăng tại Hoàng Sa Cũng theo RFI, hôm 8/8, trong thông cáo đăng trên website của Bộ Ngoại giao TQ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ Hoa Xuân Oánh tuyên bố: "TQ từ lâu nay đã xây dựng, duy trì các ngọn hải đăng và các trợ giúp hàng hải khác trên các đảo". Theo “luận điệu cũ” của chính quyền Bắc Kinh, việc TQ làm không có gì đáng trách cứ cả, mà đó là những biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn hàng hải cho tàu bè qua lại. Và họ cố nhắc lại lập trường cố hữu rằng, "Tây Sa" và "Nam Sa" (tức Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam), là phần lãnh thổ không thể tách rời của TQ. Trong khi cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều của Việt Nam, được thế giới công nhận và ngay các bản đồ của TQ từ đời nhà Thanh trở về trước cũng công nhận điều này. Quả là Bắc Kinh đang “tự vẽ ra” (đường lưỡi bò) rồi tự bao biện đấy thôi ! “Giăng bẫy” các nước ASEAN vào các cuộc đàm phán kéo dài Cũng tại hội nghị cấp Ngoại trưởng ASEAN, trong lời chỉ trích kế hoạch 3 hành động mà Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đưa ra, Ngoại trưởng TQ Vương Nghị nói rằng, Bắc Kinh không thể chấp nhận đề nghị đó vì nó sẽ làm "gián đoạn" các cuộc đàm phán hiện nay và "gây tổn hại lợi ích chung" của TQ với các nước láng giềng ASEAN. "TQ sẵn sàng lắng nghe những đề xuất về Biển Đông từ tất cả các bên. Tuy nhiên, những đề nghị cần phải khách quan, công bằng và mang tính xây dựng chứ không phải là đóng góp vào những vân đề mới hoặc được thúc đẩy bằng các động cơ thầm kín", họ Vương tuyên bố. Với giọng điệu “mập mờ” của đại diện TQ, theo các nhà phân tích, họ không kỳ vọng những cuộc đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc có thể mang lại những tiến bộ có ý nghĩa khi Bắc Kinh không bị ngăn cản, trang GDVN cho biết. Vương Nghị còn khẳng định, lâu nay Trung Quốc luôn giải quyết vấn đề thông qua các cuộc “đàm phán song phương” giữa các bên tranh chấp, và "hy vọng" sẽ đạt được sự đồng thuận với ASEAN trong năm nay để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán COC. Họ cứ muốn dùng lối “song phương” thay vì “đa phương”, sẽ có lợi cho họ hơn khi đàm phán bởi “thế mạnh nước lớn” để buộc nước khác phải tuân phục, thay vì trước số đông, họ sẽ “lép” hơn rất nhiều. Trước các động thái của TQ, giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Úc) đã bình luận, kế hoạch của TQ là “giăng bẫy” ngoại giao ASEAN vào các cuộc đàm phán vô tận. Thanh Trà (tổng hợp) Nguồn Xã hội thông tin